09:12 14/09/2020

Thêm gam màu sáng cho bức tranh cây lúa Tiền Giang

Nói đến Tiền Giang, mọi người liên tưởng đến những cánh đồng lúa bạt ngàn chạy ngút tầm con mắt mỗi năm canh tác 2 - 3 vụ. Với sản lượng lúc cao điểm lên đến gần 1,3 triệu tấn lúa mỗi năm, cây lúa không chỉ mang lại thu nhập cho trên 80% dân số toàn tỉnh vốn sống bằng nghề nông mà còn là nguồn nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao.

Tuy nhiên, trong quá trình thâm canh dần bộc lộ những nhược điểm mà dễ thấy nhất là thuần nông, độc canh, khó thích ứng biến đổi khí hậu ngày một rõ nét, đầu ra bấp bênh, điệp khúc  trúng mùa, mất giá luôn trở đi trở lại.

Cơ cấu lại nghề trồng lúa 

Chú thích ảnh
Chăm sóc lúa Hè Thu ở xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây. 

Thách thức lớn nhưng thời cơ không nhỏ khi đất nước nỗ lực phát huy lợi thế Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mang lại. Do vậy, để nắm bắt, giai đoạn 2015 - 2020, Tiền Giang triển khai Đề án Tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại nghề trồng lúa theo hướng giảm diện tích, nâng cao giá trị và thích ứng biến đổi khí hậu. 

Đặc biệt, tỉnh chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất thích hợp; giảm dần tỷ trọng giống lúa thường và nâng tỷ lệ giống lúa thơm, lúa chất lượng cao; đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng và ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất kết hợp với xúc tiến thương mại, phát triển thị trường.

Cùng với đó, tỉnh cũng định hình những vùng sản xuất lúa gạo tập trung phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng: vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông, vùng kiểm soát lũ phía Tây... Mặt khác, kiện toàn kênh mương thủy lợi chủ động nguồn nước tưới tiêu gắn phát triển giao thông, tiêu thụ nông sản hàng hóa phục vụ vùng chuyên canh; hình thành tổ hợp tác và hợp tác xã, kết nối doanh nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn. 

Với phương châm thủy lợi phục vụ đa mục tiêu, ngành Nông nghiệp thực hiện nhiều công trình trọng điểm đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh: dự án hệ thống thuỷ lợi Xuân Hoà; dự án hệ thống thuỷ lợi Bảo Định; dự án 5 kênh Bắc Quốc lộ I; dự án xây dựng Hạ tầng phát triển và bảo vệ vùng cây ăn trái Thuộc Nhiêu - Mỹ Long; tiểu dự án Kiểm soát và giảm rủi ro do lũ vùng Ba Rài - Phú An thuộc dự án RETA; tiểu dự án Nâng cấp hệ thống kiểm soát xâm nhập mặn vùng Gò Công thuộc dự án RETA. 

Đối với vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông do phải đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt nên để giảm thiệt hại thiên tai, phát triển sản xuất bền vững, năm 2017, Tiền Giang triển khai Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 nhằm chuyển đổi sản xuất, đa dạng hóa cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu và phá thế độc canh cây lúa. Đến năm 2025, phấn đấu toàn vùng thực hiện cắt vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích 18.485 ha. 

Vùng kiểm soát lũ phía Tây, Tiền Giang triển khai Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (dự án VnSAT)” tại huyện Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, tăng sức cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo.

Đến năm 2020, có 71.000 hộ được hưởng lợi trực tiếp từ dự án; 16.000 ha lúa áp dụng kỹ thuật 3 giảm 3 tăng; 8.000 ha lúa áp dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho 20 tổ chức tín dụng hoặc hợp tác xã tham gia dự án. Bên cạnh đó, hình thành 6 liên kết bao tiêu sản phẩm với 5.500 ha có hợp đồng với doanh nghiệp, lợi nhuận mỗi ha sản xuất lúa đạt trên 30%.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, thông qua Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ thâm canh; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết 4 nhà...được thực thi. 

Hàng năm, tỉnh tổ chức khoảng 1.550 cuộc tập huấn, hội thảo chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất. Cùng với đó, tiến bộ kỹ thuật được sử dụng giống xác nhận, giống chất lượng cao; sản xuất theo chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; sử dụng công nghệ sinh thái quản lý rầy nâu và bệnh vi rút trên lúa giúp nông dân nâng hiệu quả canh tác. 

Đặc biệt, tỉnh còn đào tạo nghề cho nông dân được chú trọng. Giai đoạn 2017-2019, hỗ trợ đào tạo nghề cho 6.860 lao động nông thôn, nghề đào tạo gắn với các vùng sản xuất hàng hóa lớn. Qua khảo sát có 82% lao động áp dụng sản xuất theo nghề học, gần 59% lao động có thu nhập tăng thêm sau học nghề.

Mặt khác, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ, nâng tỷ lệ làm đất, thu hoạch bằng máy và sấy lúa đạt 100%, giảm tổn thất sau thu hoạch, khắc phục tình trạng thiếu lao động khu vực nông thôn. 

Tiền Giang còn triển khai dự án lúa ứng dụng công nghệ cao tại các vùng trọng điểm xã Tăng Hòa (Gò Công Đông), xã Hậu Mỹ Bắc B, Mỹ Trung (Cái Bè) với công nghệ sử dụng máy cấy lúa 3 trong 1 kết hợp cấy lúa vừa vùi phân, phun thuốc trên diện tích 12 ha. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, kết quả năng suất cao hơn 80 tạ/ ha và lợi nhuận cao hơn 4.745.000 đồng/ha so với điểm đối chứng. Đây là cơ sở để tỉnh đúc kết, nhân rộng. 

Liên kết tiêu thụ theo mô hình cánh đồng lớn 

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa Hè Thu tại xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy.

Kinh tế hợp tác trong nông nghiệp phát triển mạnh, khẳng định tính ưu việt của mối quan hệ sản xuất mới. Theo Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang Võ Văn Lập, tỉnh xây dựng được 136 hợp tác xã trên lĩnh vực nông nghiệp, thu hút trên 38.000 thành viên. 

Đáng lưu ý, địa phương chọn 10 hợp tác xã xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới. Ngoài ra, 3 hợp tác xã nông nghiệp: Bình Tây, Bình Nhì (Gò Công Tây);  Mỹ Trinh (Cái Bè) được hỗ trợ 11,5 tỷ đồng xây dựng 2 nhà kho chứa lúa; trang bị 3 máy sấy, 3 máy gặt đập liên hợp. 

Nhiều hợp tác xã tiên phong liên kết tiêu thụ lúa theo mô hình cánh đồng lớn như: Mỹ Trinh, Mỹ Quới (Cái Bè); Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam (Cai Lậy); Tăng Hòa (Gò Công Đông)… Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) Lê Văn Hưng cho biết, hợp tác xã liên kết với Công ty ADC, sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp trên diện tích 100 ha lúa GlobalGAP. Đầu vụ sản xuất doanh nghiệp hỗ trợ về kỹ thuật, cuối vụ thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 200 - 300 đồng/kg. 

Giai đoạn 2014-2020, toàn tỉnh có 20 hợp tác xã, 25 tổ hợp tác hoặc tổ sản xuất hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa với 23 công ty, doanh nghiệp,  đại lý, cơ sở xay xát... Tổng diện tích liên kết gần 44.000 ha, diện tích mua lúa đạt trên 36.000 ha, tỷ lệ mua đạt 84%. Tiền Giang còn xây dựng 2 cánh đồng kiểu mẫu tại xã Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè) và xã Bình Nhì (Gò Công Tây) trên diện tích gần 760 ha. 

Các mô hình trên giúp thay đổi nhận thức của người dân và doanh nghiệp, thương nhân trong việc cần phải xây dựng vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ; tạo thuận lợi cho người dân lựa chọn được doanh nghiệp tiêu thụ tốt nhất.

Năm 2019, Tiền Giang gieo trồng trên 184.000 ha lúa, giảm trên 31.000 ha, năng suất bình quân trên 60 tạ/ha, tăng 18 tạ/ha so với năm 2016. Tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp nguyên chủng và xác nhận đạt 83,8%  tăng 7,9% so với năm 2016.  Sau 5 năm, lợi nhuận từ mức trên 28 triệu đồng/ha đã tăng lên trên 42 triệu đồng/ha/năm. Năm 2020, diện tích gieo trồng tiếp tục giảm còn khoảng 170.000 ha, bằng 92,32% so năm 2019 và sản lượng 1.038.000 tấn. 

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, quá trình tái cơ cấu mang lại hiệu quả, giúp lĩnh vực trồng lúa chuyển đổi mạnh mẽ. 

Ngoài ra, tỉnh đã hình thành vùng trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao ở các huyện phía Đông diện tích hàng chục ngàn ha. Thương hiệu 'lúa thơm VD - đặc sản Gò Công" của Công ty HK vừa được cấp chứng nhận đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020.

Tháng 9/2020, Gò Công Đông nằm ven biển vốn đặc biệt khó khăn vươn lên, hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và long trọng ra mắt huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Còn vùng kiểm soát lũ phía Tây đang nở rộ những mô hình canh tác "chung sống với lũ". 

Đoạn tuyệt tập quán bao đời nay, nông dân tiếp cận khoa học công nghệ, làm ăn theo hợp đồng kinh tế, biết trồng lúa "né hạn mặn, né lũ", thích ứng biến đổi khí hậu; chú trọng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sản xuất lúa gạo theo nhu cầu thị trường... Biến thách thức từ Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư thành cơ hội chuyển đổi sản xuất bền vững, bức tranh cây lúa Tiền Giang mỗi ngày mỗi thêm nhiều gam màu tươi sáng.

Bài và ảnh: Minh Trí (TTXVN)