01:22 07/01/2016

Thêm bước tiến chống đô la hóa nền kinh tế

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện tốt việc ổn định tỷ giá và chống đô la hóa nền kinh tế. Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, lộ trình xử lý dứt điểm vấn đề đô la hóa ở Việt Nam vào năm 2020 có thể đạt được sớm hơn.

Giảm tâm lý găm giữ đồng đô la

Ngay từ những ngày đầu năm 2016, NHNN đã chính thức thực hiện áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm được niêm yết hàng ngày. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, chính sách mới này không chỉ ngăn chặn hoạt động đầu cơ “lướt sóng” mà còn giúp ổn định thị trường ngoại hối và tăng cường giải pháp chống “đô la hóa” nền kinh tế.

Việc điều chỉnh tỷ giá linh hoạt sẽ triệt tiêu dần tâm lý găm giữ ngoại tệ trong thời gian tới. Ảnh: Hải Yên

Nếu như theo cơ chế neo tỷ giá giữa đồng VND với đồng USD trước đây, mỗi lần NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá, ngay lập tức các ngân hàng thương mại cũng tăng giá USD. Với cơ chế “tỷ giá trung tâm”, diễn biến thị trường hiện nay đã không theo xu hướng “té nước theo mưa”. Nhiều chuyên gia nhận định, dường như chính sách mới của NHNN bước đầu đã phát huy tác dụng.

Theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, việc điều hành tỷ giá theo tỷ giá trung tâm đã thể hiện được vai trò khá chủ động và tự tin trong điều hành chính sách tỷ giá của NHNN. Cụ thể, nếu trong các năm trước NHNN thường giữ cố định tỷ giá trong một thời gian dài, rồi đột ngột điều chỉnh tỷ giá, thì cơ chế mới cho phép điều chỉnh tỷ giá thường xuyên hơn, linh hoạt hơn dựa trên rổ tiền tệ (có tăng, giảm tùy theo cung cầu trên thị trường) và những yếu tố kinh tế vĩ mô.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính - Bộ Tài chính), với tình hình hiện nay, xét về dài hạn nắm giữ USD không thể lời cao hơn nắm giữ VND. Tất nhiên, có thể có những người chờ đợi đồng bạc xanh lên giá trong vài tuần hay vài tháng tới để kiếm lời, đấy là mang tính đầu cơ trong ngắn hạn. Khi NHNN đã áp dụng cơ chế điều chỉnh tỷ giá hàng ngày và mức độ điều chỉnh rất nhỏ thì nắm giữ USD lợi nhuận sẽ thấp và không cao như nắm giữ tiền đồng. Về lâu dài, cầm USD không phải là thượng sách.

Trước đó, việc NHNN điều chỉnh lãi suất gửi USD còn 0% cũng là một động thái tích cực trong việc loại trừ tâm lí găm giữ USD trong dân cũng như của giới đầu cơ. Theo lộ trình điều hành tỷ giá của NHNN, sắp tới khách hàng gửi USD có thể bị thu phí và tiến đến việc quy định rút các nguồn thu hợp pháp ra khỏi ngân hàng phải được thực hiện bằng VND.

Ngăn ngừa đầu cơ ngoại tệ

Giới phân tích cũng nhận định, trước đây tỷ giá được điều chỉnh trong một thời gian dài và mức điều chỉnh lớn, có thể lên tới 1% hoặc trên 1%. Còn với cơ chế mới này, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh hàng ngày và do vậy tâm lý kỳ vọng vào khả năng tăng thêm 1 hoặc trên 1% không còn. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi bằng USD đã giảm về còn 0%. Chính vì thế, lợi nhuận đối với đồng bạc xanh hầu như không còn “béo bở” và sự đầu cơ, lướt sóng sẽ khó khăn hơn.

Chị Vân Anh, một nhân viên văn phòng cho biết, thói quen của chị từ trước đến nay mỗi khi gom đủ tiền tiết kiệm là mua vàng hoặc tích trữ USD. Tuy nhiên, gần đây lãi suất tiền gửi bằng USD giảm, thêm vào đó diễn biến mới về tỷ giá cho thấy NHNN đang quyết liệt giảm tình trạng đô la hóa. Do đó, chị Vân Anh cân nhắc sẽ chuyển sang gửi tiết kiệm bằng tiền đồng.

Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cũng khẳng định rằng, với cơ chế điều hành tỷ giá mới, tình trạng đầu cơ găm giữ ngoại tệ vẫn có thể xảy ra, tuy nhiên tính chất đầu cơ sẽ thay đổi và chủ yếu tuân theo nguyên tắc, diễn biến, cân đối trên thị trường. Đối với giới đầu cơ, việc dự báo để đầu cơ ngoại tệ sẽ khó hơn rất nhiều.

Thống kê của NHNN cho thấy, giai đoạn 2000 - 2003, tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ ở mức rất cao, chiếm khoảng 28 - 30% và lúc cao nhất là gần 32% trong tổng phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2007 - 2011, con số này giảm dần về mức 20% và đến cuối năm 2015 thì chỉ xoay quanh mức 12%. Với mức thấp như hiện nay, có thể nói mục tiêu chống đô la hóa của Chính phủ và NHNN đang thu được những kết quả khả quan.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, chênh lệch giữa tổng cung và cầu USD năm 2015 là dương 3 tỷ USD. Do đó, thanh khoản USD năm 2015 trên thị trường vẫn bình ổn. Theo đó, khi tâm lý găm giữ và đầu cơ USD bị triệt tiêu thì cung cầu USD trên thị trường sẽ trở nên cân đối và tỷ giá sẽ trở nên ổn định hơn. Mục tiêu chấm dứt tình trạng “đô la hóa” ở Việt Nam vào năm 2020 có thể đạt được sớm hơn.

Tỷ giá trung tâm là tỷ giá chính thức được xác định dựa trên 3 cấu phần: thứ nhất, dựa trên 8 đồng tiền của các đối tác thương mại, đầu tư, tài chính có ảnh hưởng nhất đối với Việt Nam; thứ hai là cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, có thể được phản ánh qua tỷ giá bình quân liên ngân hàng của ngày liền trước; và thứ ba là các yếu tố kinh tế vĩ mô tính toán tại thời điểm đó. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Đối với người dân hiện nay các hoạt động liên quan đến thu nhập, chi tiêu chỉ được thông qua tiền đồng. Còn đối với những nhu cầu ngoại tệ hợp pháp khác vẫn được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời. Và với vị thế VND ngày càng được nâng cao, người dân có tiền nếu gửi tiết kiệm còn được hưởng lãi suất ở mức 4 - 5%, trong khi đó ngoại tệ sẽ biến động liên tục và lãi suất USD thì đang rất thấp ở mức 0%.


Hải Yên - Đỗ Huyền