09:05 25/09/2014

Thế trận ngoại giao mới của Ấn Độ

Tháng 9 ghi dấu những chuyển động ngoại giao khá ấn tượng của chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Trước tiên, đó là chuyến công du Nhật Bản của ông Modi, tiếp đó là trải thảm đỏ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra cùng thời điểm Tổng thống Pranab Mukherjee thăm Việt Nam.

Tháng 9 ghi dấu những chuyển động ngoại giao khá ấn tượng của chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

 

Trước tiên, đó là chuyến công du Nhật Bản của ông Modi, tiếp đó là trải thảm đỏ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra cùng thời điểm Tổng thống Pranab Mukherjee thăm Việt Nam. Và trong tuần này, nhà lãnh đạo mới của New Delhi tới Washington. Giới phân tích nhận định về một thế trận ngoại giao mới nhằm khẳng định vị thế Ấn Độ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.


Củng cố đồng minh

Chuyến đi Tokyo của tân Thủ tướng Modi được xem như một phần trong nỗ lực của hai nước trong việc cân bằng quyền lực đang lên của Trung Quốc tại Á châu. Trước chuyến đi, ông Modi nói rằng ông “tự tin là chuyến thăm sẽ mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nền dân chủ lâu đời nhất châu Á và đưa quan hệ hợp tác chiến lược và toàn cầu giữa hai bên lên tầm cao mới”.

 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Tokyo ngày 1/9. Ảnh: Kyodo/TTXVN

 

Trong các cuộc hội đàm, Thủ tướng Ấn Độ Modi và Thủ tướng Nhật Bản Abe đã tuyên bố rằng mối quan hệ song phương đang được nâng lên một "tầm cao mới".


Về phần mình, Thủ tướng Abe cũng đưa ra những lời có cánh khi ông hoan nghênh việc Nhật Bản và Ấn Độ tăng cường mối quan hệ mà ông đánh giá là "có nhiều tiềm năng nhất trên thế giới". Ông nêu rõ: "Tôi có ý định chung tay chung sức với Thủ tướng Modi thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước trong mọi lĩnh vực, nâng quan hệ Nhật-Ấn lên thành mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và mang tính toàn cầu".


Còn với Mỹ, quan hệ của Ấn Độ trong nhiệm kỳ này của Thủ tướng Modi được dự báo là mang nhiều màu sắc của sự hàn gắn sau những rạn nứt trước đó liên quan tới việc nhà chức trách Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái bắt giữ một nữ quan chức ngoại giao Ấn Độ tại New York với cáo buộc bà này ngược đãi người giúp việc. Thời điểm này đánh dấu những bất đồng giữa hai nước và khiến Washington phải đợi tới khi sự chuyển giao quyền lực tại New Delhi hoàn tất mới thể hiện dấu hiệu hàn gắn.

 

Tuy nhiên, theo giới phân tích, lộ trình này sẽ không dễ dàng và cần phải đợi cho đến khi Thủ tướng Modi gặp Tổng thống Obama mới hy vọng đạt bước tiến. Khi đó, Mỹ mới có thể hy vọng đạt được những tiến bộ trong các dự án hợp tác quốc phòng, gạt bỏ được những trở ngại để các tập đoàn Mỹ tham gia vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân, cũng như có được các cam kết của Ấn Độ trong việc chia sẻ các lợi ích tại châu Á.


Cách đây 4 năm, Tổng thống Obama đã tuyên bố, quan hệ Mỹ-Ấn Độ có thể trở thành “một trong những quan hệ đối tác vững chắc của thế kỷ 21” và mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá quan hệ giữa hai nước “có tầm quan trọng chiến lược”. Mặc dù giữa hai nước có nhiều điều kiện để trở thành đồng minh tự nhiên, như chia sẻ các lo ngại về khủng bố, kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng quan hệ song phương vẫn không thể có ngay được những tiến triển ngoạn mục. Các bất đồng về chế độ bảo hộ mậu dịch, về quyền sở hữu trí tuệ đã đầu độc bầu không khí làm ăn giữa hai bên. Ấn Độ vẫn thận trọng trước ý đồ chiến lược của Mỹ, cảnh giác trước sức mạnh của Mỹ. Thêm vào đó là vụ bê bối ngoại giao đã đề cập ở trên.


Củng cố vị thế


Đánh giá về những chuyển động ngoại giao gần đây của Ấn Độ, giới phân tích quốc tế nhận định chính quyền Modi đang triển khai một chính sách đối ngoại thực dụng nhằm củng cố vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế. Không phải vô tình các hoạt động ngoại giao với những đối tác lớn là Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ diễn ra cấp tập trong vòng một tháng. Ở đây phản ánh hướng tiếp cận cân bằng và thận trọng của New Delhi trong mối quan hệ đối tác - đối thủ với Trung Quốc. Khi bắt tay với Tokyo và hàn gắn quan hệ với Washington, New Delhi đã ngầm gửi đi thông điệp tới Bắc Kinh rằng Ấn Độ sẽ không lặng yên chấp nhận một Trung Quốc với tham vọng bành trướng tại châu Á.


Ấn Độ và Nhật Bản hiện có những mối quan ngại chung về an ninh, đặc biệt là tình hình căng thẳng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Cả New Delhi và Tokyo đều nhận thấy rằng việc Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành "cái hồ của Bắc Kinh" (cụm từ mà thủ tướng Nhật sử dụng) chỉ là một bước để tiến tới mục tiêu cuối cùng là thiết lập vai trò bá chủ của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, Nhật Bản và Ấn Độ đã nhất trí tăng cường quan hệ song phương để duy trì tính nguyên trạng của khu vực. Tokyo và New Delhi từ lâu vẫn có các cuộc tranh chấp lãnh thổ riêng với Bắc Kinh, trong khi Bắc Kinh bị đông đảo dư luận coi là đã tìm cách đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền một cách quyết liệt hơn trong những năm gần đây.


Không phải vô tình các lực lượng hải quân của Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã tham gia cuộc tập trận chung trong tháng 7 vừa qua. Đây cũng là một phần trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng "Tứ giác kim cương an ninh dân chủ ở châu Á" - mà Thủ tướng Abe đưa ra trong nhiệm kỳ trước, theo đó bốn nước gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản phải xích lại gần nhau để đối phó với kế hoạch phá vỡ sự cân bằng chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Trung Quốc đề ra. Trước đây, vì nhiều lý do, New Delhi kiên quyết không xúc tiến ý tưởng này. Tuy nhiên, khi tình hình tại khu vực biên giới chung với Trung Quốc có nhiều bất ổn cùng sự hiện diện ngày càng lớn của Bắc Kinh tại Pakistan- đối thủ của Ấn Độ, New Delhi buộc phải có những sự điều chỉnh.


Môi trường an ninh Nam Á vẫn ẩn chứa những nguy cơ gây bất ổn như khủng bố, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ... Afghanistan đang đối mặt với một tương lai mờ mịt sau năm 2014, khi NATO rút quân chiến đấu. Mặc dù cam kết sẽ không điều chỉnh nhiều về chiến lược, nhưng chắc chắn ông Modi phải có những bước đi sát thực nhất về mặt chiến thuật nhằm vượt qua thách thức trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, cách tiếp cận quyết đoán và tự tin khi đối phó với các vấn đề khu vực và toàn cầu chỉ có thể phát huy hiệu quả khi nó được đặt lên "bệ phóng" của một nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững.


Phương Hồ