Theo báo The Times ngày 11/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nghiêm túc xem xét việc mở rộng đáng kể các biện pháp trừng phạt nhằm vào xuất khẩu dầu mỏ của Liên bang Nga, bao gồm cả việc áp thuế nhập khẩu 500% đối với dầu thô của nước này trên phạm vi toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Trang thông tin United24media dẫn lại bài viết trên báo The Times cho biết Tổng thống Trump hiện đang “nghiên cứu kỹ lưỡng” một dự luật sẽ áp thuế 500% đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Liên bang Nga, không chỉ nhắm vào Liên bang Nga mà còn nhắm tới các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ – những nước vẫn tiếp tục mua năng lượng từ Liên bang Nga.
Mặc dù trước đây Tổng thống Trump từng mô tả dự luật này là “quá mạnh”, nhưng sự thất vọng của ông đối với việc người đồng cấp Liên bang Nga Vladimir Putin từ chối tham gia các cuộc đàm phán hòa bình và tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng dân sự tại Ukraine đã khiến nhà lãnh đạo Mỹ xem xét lại.
Báo The Times nhấn mạnh rằng dự luật đang được thảo luận tại Washington, trong khi Nhà Trắng được cho là đang tìm cách giữ quyền dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt này trong tay Tổng thống. Tuy nhiên, một số thành viên Quốc hội Mỹ lại đang thúc đẩy việc hạn chế quyền lực của Tổng thống trong vấn đề này.
Chuyên gia Maximilian Hess tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy Research Institute), nói với The Times rằng mức thuế 500% như trong dự thảo luật sẽ tương đương với một lệnh cấm vận toàn cầu đối với dầu mỏ của Liên bang Nga. Tuy nhiên, chuyên gia Hess tỏ ra nghi ngờ việc Tổng thống Trump sẽ tiến xa đến mức đó, do nguy cơ làm tăng vọt giá năng lượng toàn cầu.
“Trừ khi ông Trump trực tiếp tuyên bố rằng ‘chúng ta cần đối mặt với nguy cơ mà Liên bang Nga gây ra cho châu Âu và thế giới, và chấp nhận giá dầu trên 100 USD/thùng’, nếu không thì rất khó để thấy ông ấy ủng hộ hoàn toàn biện pháp này”, chuyên gia Hess nhận định và bổ sung rằng việc mở rộng hệ thống trừng phạt của Mỹ và đưa ra mối đe dọa nghiêm túc về các biện pháp thuế thứ cấp có thể tạo ra hiệu ứng răn đe đáng kể.
Bài báo của The Times cũng đề cập đến gói trừng phạt thứ 18 của Liên minh châu Âu (EU) đang đình trệ, do bị Hungary và Slovakia chặn lại. Gói này bao gồm các đề xuất giảm giá trần áp với dầu xuất khẩu của Liên bang Nga từ 60 USD xuống còn 45 USD/thùng. Tuy nhiên, chuyên gia Hess cho rằng các biện pháp này “quá thận trọng” và lập luận rằng cần có các biện pháp thực thi mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong lĩnh vực tuân thủ hàng hải.
Ông Hess đề xuất rằng việc từ chối quyền tiếp cận các thị trường tài chính và bảo hiểm của Anh và châu Âu đối với các cảng không tuân thủ tiêu chuẩn kiểm tra có thể hạn chế đáng kể khả năng của Liên bang Nga trong việc né tránh các hạn chế hiện tại. “Điều đó sẽ cực kỳ hiệu quả”, chuyên gia Hess nói với báo The Times.
Tờ báo kết luận rằng ngay cả việc thực hiện một phần các biện pháp này, đặc biệt nếu đi kèm với cơ chế giám sát chặt chẽ hơn, cũng có thể gây ra thách thức nghiêm trọng đối với nền kinh tế thời chiến của Liên bang Nga.
Bơm dầu tại giếng dầu Yamashneft ở Almetyevsk, Cộng hoà Tatarstan (Liên bang Nga). Ảnh: AP/TTXVN
Trước đó vào ngày 10/7, báo The Kyiv Independent của Ukraine cho biết lần đầu tiên kể từ khi trở lại nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phê duyệt việc gửi vũ khí cho Kiev theo cơ chế Quyền Rút gọn của tổng thống (PDA), một quyền lực thường xuyên được người tiền nhiệm của ông sử dụng, đánh dấu sự thay đổi tiềm tàng trong cách tiếp cận của chính quyền Trump đối với việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Liên bang Nga.
The Kyiv Independent cho biết theo các nguồn tin am hiểu về quyết định này, tiết lộ với hãng tin Reuters ngày 10/7, nhóm của Tổng thống Trump sẽ xác định các loại vũ khí từ kho dự trữ của Mỹ để chuyển giao cho Ukraine. Một nguồn tin cho biết giá trị của gói viện trợ này có thể vào khoảng 300 triệu USD.
Mặc dù các thiết bị cụ thể chưa được quyết định, nhưng các nguồn tin cho biết gói viện trợ có thể bao gồm các tên lửa phòng không Patriot và các loại tên lửa tấn công tầm trung.