Giáo sư Kim Xán Vinh cho rằng việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin cùng đứng trên lễ đài duyệt binh sẽ phát đi một tín hiệu tích cực lớn tới toàn thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Bắc Kinh ngày 16/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo The Times, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã được xác nhận sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh trong sự kiện kỷ niệm Chiến thắng Thế chiến II sắp tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có thể sẽ gặp lãnh đạo hai nước Liên bang Nga và Trung Quốc tại một sự kiện đánh dấu 80 năm chiến thắng phát xít Nhật trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Dẫn lại thông tin trên The Times, kênh RT của Liên bang Nga tối 18/7, theo giờ địa phương, cho biết thêm Trung Quốc đã công bố kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm ngày này bằng một cuộc duyệt binh quân sự tại Bắc Kinh vào tháng 9, và Moskva đã xác nhận rằng ông Putin sẽ tham dự.
Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ từng hợp tác chống lại Nhật Bản.
Theo bài báo của The Times đăng ngày thứ Sáu (18/7), cả giới phân tích lẫn dư luận Trung Quốc đều đã kêu gọi ông Tập Cận Bình “nắm bắt cơ hội” mời người đồng cấp Donald Trump và tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ba bên nhân dịp lễ kỷ niệm sắp tới.
Vào tháng trước, Giáo sư Kim Xán Vinh (Jin Canrong) thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, đồng thời là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong dư luận Trung Quốc, phát biểu với trang tin Quan sát (Guancha) rằng: “Vì sao lại không kết hợp chuyến thăm của ông Trump với lễ kỷ niệm vào ngày 3/9?”.
Giáo sư Kim Xán Vinh đề xuất: “Nếu lãnh đạo của Trung Quốc, Mỹ và Liên bang Nga cùng đứng trên lễ đài duyệt binh, đó sẽ là một tín hiệu tích cực lớn tới toàn thế giới”.
Theo The Times, Bắc Kinh đã “ngầm khuyến khích các đồn đoán” về khả năng diễn ra cuộc gặp này bằng cách từ chối phủ nhận một bản tin của hãng Kyodo News (Nhật Bản) đăng tháng trước, trong đó tuyên bố rằng quyết định mời ông Trump đã được đưa ra.
Quan hệ giữa Washington, Bắc Kinh và Moskva (Moscow) đã xấu đi trong những năm gần đây vì cuộc xung đột ở Ukraine, các cáo buộc về chiến tranh mạng do Trung Quốc thực hiện, và điều mà Mỹ gọi là “thực hành thị trường không công bằng.”
Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào tháng 1, ông Trump đã có động thái nhằm hâm nóng quan hệ ngoại giao với Liên bang Nga và thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine.
Dẫu vậy, vào thứ Hai (14/7) vừa qua, ông Trump đã bày tỏ sự thất vọng với tiến độ đàm phán hoà bình giữa Liên bang Nga và Ukraine, đồng thời cảnh báo sẽ áp thuế trừng phạt thứ cấp 100% đối với các đối tác thương mại của Liên bang Nga nếu chiến sự không chấm dứt trong vòng 50 ngày.
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin (phải) và ông Donald Trump, khi đương chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ đầu tiên, tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6/2019. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Sau đó một hôm, vào ngày 15/7, kênh RT dẫn nhận định của ông Ivan Timofeev, Giám đốc chương trình tại Câu lạc bộ Valdai, cho rằng sau khi ông Trump đưa ra tối hậu thư thì dự luật trừng phạt Nga do Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đề xuất có khả năng được thông qua cao hơn.
Dự luật này cho phép áp đặt mức thuế thứ cấp lên tới 500% đối với các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ và nguyên liệu thô của Nga.
Nếu dự luật được thông qua, ông Trump sẽ có toàn quyền quyết định mức thuế thứ cấp này, có thể là 100%, 500% hoặc bất kỳ mức nào khác – và ông Trump có thể điều chỉnh tùy theo tình hình trong quan hệ song phương.
Ví dụ, Ấn Độ có thể bị áp mức thuế thấp hơn, còn Trung Quốc cao hơn – hoặc ông Trump cũng có thể áp dụng đồng đều. Tiền lệ từ các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran cho thấy các quốc gia giảm mua dầu mỏ đã được miễn trừ như một phần thưởng cho “hành vi tốt”.
Về phía Nga, nhiều quan chức đã lên tiếng chỉ trích tối hậu thư của ông Trump. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Moskva không quan tâm đến “tối hậu thư kịch tính” của Tổng thống Mỹ.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nhấn mạnh "bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa ra yêu sách, chứ chưa nói đến việc đưa ra tối hậu thư, đều không thể chấp nhận được đối với Mátxcơva”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thì lưu ý rằng "những quyết định như vậy, được đưa ra tại Washington, tại các nước NATO và tại Brussels, được phía Ukraine coi không phải là một tín hiệu hướng tới hòa bình, mà là một tín hiệu để tiếp tục chiến tranh”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản năm 2019. Ảnh tư liệu: REUTERS/TTXVN
Đối với Trung Quốc, theo RT ngày 18/7, ông Trump cũng đã làm bùng phát trở lại cuộc chiến thương mại với nước này – điều từng khiến các thị trường tài chính toàn cầu chao đảo hồi đầu năm.
Cuộc đối đầu thuế quan ăn miếng trả miếng lên đến đỉnh điểm khi Mỹ áp mức thuế 145% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế 125%.
Tuy nhiên, căng thẳng dường như đã dịu lại sau một thỏa thuận thương mại đạt được hồi tháng trước.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Nhà Trắng ngày 26/6 cho biết Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một “thỏa thuận khung” nhằm thực hiện các điều khoản từ vòng đàm phán thương mại bắt đầu tại Geneva (Thụy Sĩ) hồi tháng trước.
Thông báo được đưa ra sau khi ông Trump bất ngờ tuyên bố rằng hai bên “đã ký thỏa thuận với Trung Quốc vào hôm qua (25/6)”, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Trước đó vào ngày 11/6, trên nền tảng mạng xã hội Truth Social, ông tuyên bố thỏa thuận với Trung Quốc đã hoàn tất, chỉ còn chờ ông và Chủ tịch Tập Cận Bình phê duyệt cuối cùng.
Ông cho biết Trung Quốc sẽ cung cấp toàn bộ nam châm và đất hiếm cần thiết, và phía Mỹ cũng sẽ thực hiện các cam kết của mình, trong đó có việc cho phép sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học Mỹ. Về thuế quan, ông Trump cho biết Mỹ sẽ áp thuế quan 55% lên hàng hóa Trung Quốc, và Trung Quốc áp thuế quan 10% lên hàng hóa Mỹ.