V.League Eximbank 2012: Vấn nạn trọng tài

Một lần nữa, chuyện trọng tài lại trở thành đề tài gây bức xúc cho các đội bóng và người hâm mộ khi V.League đã diễn ra được 8 vòng đấu. Những nhận định sai lầm của trọng tài khiến HLV cũng như các lãnh đạo đội phản ứng gay gắt. Đã mười hai năm Việt Nam phát triển bóng đá chuyên nghiệp, những "điều ong, tiếng ve" trong giới trọng tài không phải là ít. Nhưng chưa bao giờ, sự yếu kém của công tác trọng tài lại đáng báo động như mùa giải năm nay.

Có quá nhiều sai sót của các trọng tài trong những vòng đấu gần đây.


So với những mùa giải trước, thì mùa giải này, thu nhập của trọng tài đã được cải thiện đáng kể. Trước mùa giải mới, để hạn chế sai sót cũng như ngăn chặn tiêu cực từ các tiếng còi “méo”, Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã quyết định tăng lương cho các trọng tài. Theo đó, trọng tài bắt chính nhận thù lao 8 triệu đồng/trận, trợ lý trọng tài 5 triệu đồng/trận, chưa kể các khoản khác như tiền thưởng, tiền ăn hàng ngày… Tính trung bình, thu nhập của trọng tài làm nhiệm vụ ở V.League dao động trên dưới 30 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, trọng tài còn được trang bị các thiết bị kỹ thuật để trọng tài chính và các trợ lý trọng tài có thể trao đổi với nhau khi điều khiển trận đấu.

Cho dù thu nhập tăng, điều kiện hỗ trợ cũng tăng, nhưng chất lượng trọng tài vẫn có vấn đề. Đáng chú ý, sau sự cố của trọng tài Kiều Việt Hùng và Nguyễn Quốc Hùng ở cúp quốc gia, vòng đấu thứ ở V.League, một loạt quyết định gây tranh cãi của các trọng tài Bùi Quang Thông, Nguyễn Trọng Thư, Vũ Bảo Linh đã bị các đội bóng phản ứng dữ dội. Trận CLB BĐ Hà Nội gặp K.Khánh Hòa, cách điều khiển trận đấu khó hiểu của trọng tài Bùi Quang Thông khiến trận đấu suýt vỡ. Có ít nhất 3 tình huống trọng tài Thông bắt thiếu chính xác, gây ức chế cho đội khách. Trên sân Thanh Hóa, một khung cảnh hỗn loạn đã diễn ra khi rất nhiều cầu thủ B.Bình Dương lao vào đường pits để phản đối quyết định của trọng tài chính Nguyễn Trọng Thư. Ống kính truyền hình cho thấy, lực lượng bảo vệ sân đã phải ra sức can thiệp khi nhiều cánh tay và những khuôn mặt phẫn uất của các thành viên B.Bình Dương lao tới hòng “ăn thua” với trọng tài Thư. Tất cả xuất phát từ tình huống trọng tài này tưởng tượng ra quả phạt đền ở phút 48 mang lại lợi thế cho chủ nhà, khi trung vệ Chí Công của đội khách tung người móc bóng hợp lệ. Trên sân Vinh, kết thúc trận đấu giữa chủ nhà SL.NA với Hà Nội T&T, trọng tài Vũ Bảo Linh cũng phải nhờ đến sự bảo vệ của lực lượng an ninh mới có thể đi vào đường hầm trong cơn mưa vật thể lạ từ các khán đài. Chưa hết, gần 1.000 khán giả còn bao vây trước cửa khán đài A và trọng tài Linh đã phải ngụy trang để lên xe cứu thương rời sân Vinh.

Yếu kém của trọng tài còn bị nghi ngờ về tư tưởng. Dù đây là vấn đề nhạy cảm và cũng khó đưa ra kết luận chính xác, nhưng dư luận lo ngại đang có một thế 1ực ngầm trong giới trọng tài thao túng các trận đấu. Không phải ngẫu nhiên mà có ít nhất 4/7 trọng tài chính ở vòng 7 vừa qua đã bị các đội bóng khiếu kiện, phần lớn đều rơi vào những trọng tài có kinh nghiệm. Đỉnh điểm là ở vòng 7 vừa qua, khi có rất nhiều đội ca thán về các quyết định sai lầm của trọng tài, làm ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn của trận đấu. Cụ thể, ở trận V-Ninh Bình gặp Hà Nội T&T trên sân Ninh Bình, trọng tài Nguyễn Văn Đông đã tưởng tượng ra một quả penalty cho đội nhà khi Văn Duyệt bị phạm lỗi ở ngoài vòng cấm. Ở tình huống này, trọng tài Đông còn mắc thêm lỗi thiếu quan sát, khi người phạm lỗi là Quốc Long, nhưng lại rút thẻ phạt Văn Lâm. Ở trận đấu giữa SHB Đà Nẵng và chủ nhà CLB BĐ Hà Nội trên sân Hàng Đẫy, trọng tài Ngô Quốc Hưng dường như có vẻ ưu ái cho đội nhà khi quá nặng tay với các cầu thủ của SHB Đà Nẵng.

Trường hợp đáng nói nhất là của trợ lý trọng tài Đỗ Mạnh Hà. Ông Hà đã có một quyết định đến chính bản thân sau đó cũng không hiểu được vì sao, khi không công nhận bàn thắng của cầu thủ Bebbe (SLNA) trong trận gặp V.Hải Phòng trên sân Lạch Tray. Tình huống diễn ra phút 49, hai đội đang hòa 1-1. Bebbe thoát xuống từ cánh trái và sút bóng thẳng vào khung thành thủ môn Hải Phòng. Trọng tài chính Trần Trung Hiếu ban đầu đã chỉ tay lên giữa sân công nhận bàn thắng, nhưng sau khi tham khảo ý kiến của trợ lý Mạnh Hà, ông Hiếu đã thay đổi quyết định. Kết quả băng ghi hình cho thấy, quyết định của ông Hà là hoàn toàn sai. Kết cục, ông Hà đã bị treo cờ 6 trận, nộp phạt 3 triệu đồng và phải xuống làm nhiệm vụ ở giải hạng Nhất.

Một vấn đề khác không thể không đề cập, đó là đạo đức của các ông “vua sân cỏ”. Không ít trọng tài đã tự cho mình cái quyền được chửi mắng cầu thủ trên sân. Trận CLB BĐ Hà Nội gặp K.Khánh Hòa ở vòng đấu thứ 3, trọng tài Bùi Quang Thông bị các cầu thủ K.Khánh Hòa tố cáo là xưng hô và dọa nạt họ theo kiểu “đầu đường xó chợ”. "Trọng tài nói với tôi là mày thích bị đuổi ra khỏi sân không, tao cho mày ra?!" - Đội trưởng K.Khánh Hòa Tấn Tài cho biết.


Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cuối tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ cho biết, theo báo cáo của Ban trọng tài, chất lượng trọng tài mùa giải năm nay, một số tốt nhưng một số chưa được tốt. Trong khi giải đấu diễn ra ngày một quyết liệt, tốc độ nhanh hơn nên trọng tài không theo kịp diễn biến, dẫn đến xử lý sai.

Còn theo Trưởng ban Trọng tài Dương Vũ Lâm, các trọng tài đã làm hết khả năng, sai sót chủ yếu do vấn đề chuyên môn chứ không phải tư tưởng. Dư luận chưa thật đồng tình với đánh giá của ông Trưởng ban Trọng tài. Vấn đề cốt lõi cần được mổ xẻ là đạo đức của các ông “vua sân cỏ” thì chưa được tính đến. Bên cạnh đó, Ban trọng tài cũng chưa thật khách quan trong việc phân công cũng như xử lý sai phạm, nên dẫn đến nhiều trường hợp gây khó cho các đội bóng và tạo ra dư luận không tốt đối với cách cầm cân nẩy mực của các ông “vua sân cỏ”.

Yến Nhi
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN