Vác tù và hàng tổng

Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời được xem là bước ngoặt và hy vọng sẽ tạo bước phát triển đột phá đối với bóng đá Việt Nam trong tương lai. Sáng lập ra VPF là những người làm bóng đá có uy tín, đều là những người “vác tù và hàng tổng” và tình nguyện làm việc không lương.

Đặt ra hai mục tiêu lớn là hướng tới nền bóng đá "sạch" và nâng cao chất lượng cầu thủ trẻ, VPF xác định bước đi đầu tiên là tạo điều kiện cho cầu thủ dưới 21 tuổi vào sân ở giải đấu đỉnh cao, nâng cao chất lượng các đội tuyển quốc gia, hạn chế cầu thủ ngoại, thắt chặt kiểm soát tài chính của các câu lạc bộ… Cụ thể, tất cả các câu lạc bộ khi tham gia V-League và hạng Nhất phải có trung tâm đào tạo bóng đá trẻ bao gồm các lứa tuổi từ U11 đến U19. Từ mùa giải 2015, các câu lạc bộ bắt buộc phải có 4 đội tham dự các giải U21, U19, U17 và U15. Đối với câu lạc bộ tham gia giải V-League, từ mùa giải 2013, phải có 3 trong số 4 đội trẻ tham dự giải. Nếu không đủ số lượng đội trẻ tham dự giải theo quy định sẽ phải nộp phạt 200 triệu đồng/đội. Đối với câu lạc bộ tham gia giải hạng Nhất, ngay từ mùa giải 2012 phải có 2 trong số 4 đội trẻ tham dự giải.

Ông Võ Quốc Thắng (phải), Chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT VPF.

Vấn đề được VPF đặc biệt chú trọng ngay từ mùa giải mới, đó là công tác trọng tài. Thay thế Hội đồng trọng tài quốc gia (hoạt động độc lập với VFF) là một ban trọng tài trực thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - VFF (theo đúng quy định của FIFA), nhưng lực lượng giám sát lại thuộc quyền VPF. Quy định này sẽ ngăn chặn được tình trạng thông đồng giữa các trọng tài và bộ phận giám sát các trận đấu (xảy ra thường xuyên ở các mùa giải trước). Ngay sau khi nhậm chức, Tổng Giám đốc VPF, ông Phạm Ngọc Viễn, đã ngay lập tức bay vào Đà Nẵng để gặp mặt đội ngũ trọng tài đang tham gia khóa tập huấn tại đây. Theo ông Phạm Ngọc Viễn, VPF quyết tâm đổi mới công tác tổ chức giải đấu chuyên nghiệp ở từng công việc cụ thể. Không chỉ từ công tác quản lý - điều hành của Ban tổ chức giải, sự đầu tư bài bản từ các câu lạc bộ, mà còn quan tâm tới lực lượng điều khiển, giám sát trận đấu. Nếu không làm tốt công tác trọng tài, thì đừng hy vọng các trận đấu diễn ra thành công như mong đợi. Cũng theo ông Viễn, bước đi đầu tiên đối với công tác này là Hội đồng quản trị VPF đã phê duyệt chế độ thù lao mới cho lực lượng trọng tài. Cụ thể, trọng tài sẽ nhận tất cả các chế độ ăn ở, đi lại, tiền phục vụ khoảng 10 triệu đồng/trận (tính ở giải đấu cao nhất). Mức thù lao trên sẽ là đòn bẩy khích lệ các trọng tài phải cố gắng, nỗ lực trong chuyên môn; đồng thời cũng để các ông “vua sân cỏ” không thể biện minh cho những tiếng còi tiêu cực.

Tuy nhiên, những cám dỗ từ bên ngoài vẫn rất lớn. Ngoài việc các trọng tài tự bảo vệ mình, Ban trọng tài cũng như VPF rất cần một tác động khác vừa để răn đe, vừa để bảo vệ các trọng tài, đó là mời cơ quan an ninh hợp tác giám sát các trận đấu. Trước đây, việc phối hợp giữa cơ quan công an và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam từng được tiến hành và mang lại hiệu quả. Nhờ đó mà một số vụ việc tiêu cực trong bóng đá Việt Nam đã được làm sáng tỏ, lấy lại niềm tin cho người hâm mộ, như vụ dàn xếp tỷ số của một số tuyển thủ U23 Việt Nam tại SEA Games 23; điều tra vụ trọng tài nhận hối lộ "thổi méo" kết quả một số trận đấu ở V-League... "Để đảm bảo không có tiêu cực trong bóng đá, chúng tôi tiếp tục mời cơ quan an ninh tham gia nhằm đảm bảo vấn đề an ninh của các giải đấu. Các giám sát, trọng tài và cả các đội bóng sẽ phải cam kết chống tiêu cực cùng với VPF. Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng cũng đã nhận lời làm cố vấn an ninh cho VPF. Bên cạnh đó, VPF cũng kêu gọi lãnh đạo các câu lạc bộ hãy vì sự trong sạch của bóng đá, kiên quyết nói không với việc lót tay cho các trọng tài”. Có thể nói với hành động quyết liệt này của VPF, hứa hẹn từ mùa giải 2012, những tiêu cực tồn tại lâu nay trong bóng đá Việt Nam sẽ bị đẩy lùi.

Tuy nhiên, việc một công ty đứng ra quản lý, tổ chức, điều hành giải đấu chuyên nghiệp (từng hoạt động rất có hiệu quả ở nhiều quốc gia) vẫn còn khá mới mẻ với VPF và chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh. Trước mắt, VPF sẽ tập trung tháo gỡ một số bất cập đang tồn tại nhằm đảm bảo cho bộ máy hoạt động trơn tru, hiệu quả; đó là giải quyết mâu thuẫn về quyền lợi giữa VPF với các câu lạc bộ, cơ chế vận hành giải đấu, quy định giấy phép hành nghề, nhà tài trợ, quản lý hội cổ động viên, vấn đề thu hút người Việt Nam về nước tham gia các hoạt động bóng đá... Nói tóm lại, có rất nhiều việc cần phải làm nhằm đảm bảo cho bóng đá Việt Nam phát triển theo đúng lộ trình chuyên nghiệp. Vẫn còn quá sớm để khẳng định sự thành công của một mô hình tổ chức mới, nhưng những người quan tâm đến bóng đá nước nhà vẫn kỳ vọng VPF sẽ tạo ra nhiều thay đổi cho bóng đá Việt Nam.

Yến Nhi

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN