Khi đội Đức sợ "hiệu ứng Chelsea"

Sự trỗi dậy một cách ngoạn mục nhưng sau đó tỏ ra là vô ích của Đan Mạch. Một vài pha bóng phản ứng mạnh mẽ của Cộng hòa Ailen. Sự xuất sắc một cách ngoan cường của Hy Lạp. Và nữa, sự hồi sinh của Anh cũng như phong độ tuyệt vời ở giai đoạn cuối của Bồ Đào Nha.

 

Nhào trộn tất cả những điều đó lại và chúng ta sẽ có một cái mà người Anh gọi là "hiệu ứng Chelsea", thuật ngữ đã sinh ra sau khi đội bóng của Di Matteo giành được chức vô địch Champions League trong một hoàn cảnh ngặt nghèo mà không ai tin là họ sẽ chiến thắng. Đấy là thứ bóng đá sản sinh từ chiến thuật phòng ngự chặt chẽ và phản công sắc sảo đã góp phần bắn gục Barcelona ở bán kết và Bayern Munich ở chung kết.


Trong khi Italia của HLV Prandelli đã đoạn tuyệt với truyền thống "trước tiên là không để thủng lưới" và rốt cục thì đội Anh cũng đã tìm lại được Rooney sau 2 trận đấu với Pháp và Thụy Điển không thực sự thuyết phục, thì có một đối thủ khác đi sâu nhờ lối đá ấy. Hy Lạp đã làm điều đó và giờ bỗng dưng trở thành một nỗi đe dọa lớn đối với Đức, một trong những ứng cử viên hàng đầu của giải. Sau trận thắng Nga 1-0, hậu vệ Hy Lạp Sokratis Papatathopoulos đã khẳng định đội tuyển của anh là một dạng Chelsea mới, bởi "chúng tôi biết cách đóng chặt cửa khung thành và biết cách gây nguy hại cho đối phương ở phía trên". Sau 2 trận đầu tiếp cận không tốt với Ba Lan và Séc, trong trận cuối có ý nghĩa quyết định với Nga, Hy Lạp đã tìm lại được sự chắc chắn đã có trong giai đoạn vòng loại (chỉ thủng lưới 5 bàn). Sau bàn thắng chết chóc của Karagounis, họ đã đóng chặt mọi con đường đến khung thành của mình từ một đối thủ đã sút về phía họ đến 25 lần trong cả trận (!).


Với một lối chơi phòng ngự, thậm chí còn kinh khủng hơn thế nữa ở EURO 2004, Hy Lạp đã làm cả thế giới choáng nặng thực sự khi họ giành chức vô địch trong giải đấu năm ấy. 8 năm sau, trận thắng Nga của họ đã khiến không ít người nghĩ rằng, điều tương tự có khả năng lặp lại, dù HLV người Đức Otto Rehhagel không còn ngồi trên băng ghế dẫn dắt nữa, dù Karagounis sẽ vắng mặt trong trận đấu với Đức vì bị kỷ luật, và dù cặp trung vệ Sokratis-Papadopoulos (những người đang chơi ở Werder Bremen và Schalke 04) còn rất trẻ.

 

Trong khi HLV người Bồ Đào Nha của họ là Fernando Santos đã nói một cách hết sức "ý nhị" và sâu sắc, là "trận tứ kết Đức-Hy Lạp có thể kéo dài đến 120 phút", ám chỉ rằng Hy Lạp sẽ không để cho người Đức nghĩ rằng trận này sẽ dễ dàng, thì nhiều cầu thủ Đức, mà hầu hết trong đó là các cầu thủ đang chơi cho Bayern Munich, vốn đã thua Chelsea hôm 19/5 vừa rồi sau loạt luân lưu dù cả trận chơi áp đảo, tỏ ra cảnh giác. Thomas Mueller, người đã ghi bàn cho Bayern trong trận chung kết trên sân Allianz Arena hôm đó, cho rằng: "Hy Lạp sẽ phòng ngự thật sâu và chỉ chờ cơ hội để phản công. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể để đánh bại họ".


Ngoài "hội chứng Chelsea", họ còn phải đối đầu với một cái dớp nữa. Luôn là một trong số những ứng viên lớn nhất của EURO, nhưng họ chưa vô địch giải nào kể từ năm 1996. Mueller bảo: "Tôi không muốn nhìn lại quá khứ, bởi vì áp lực lên chúng tôi lúc này đã rất lớn rồi. Chơi trận này với Hy Lạp ở Gdansk là một lợi thế lớn, vì ở đây có nhiều cổ động viên của Đức. Chúng tôi muốn đi thật sâu để thỏa nguyện ước mơ: vô địch EURO". Xóa đi những bàn thắng từ các tình huống phản công chớp nhoáng của Hy Lạp chắc chắn sẽ là cách tốt nhất để quên đi hội chứng Chelsea và xây nên những viên gạch đầu tiên cho cầu thang dẫn đến chức vô địch.

Anh Ngọc (từ Donetsk)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN