Châu Âu “đấu” châu Phi

Châu Phi có hai đại diện vượt qua vòng bảng, thì cả hai đều phải đối đầu với những tên tuổi lớn của châu Âu ở vòng 1/8. Bốn năm sau kỳ World Cup lần đầu tiên tại lục địa đen, “giấc mơ Phi châu” lại khắc khoải...

 

Algeria đang bay bổng với lần đầu lọt vào vòng knock-out World Cup. Ảnh: zimbio

Từ rất lâu rồi, bóng đá châu Phi đã được chờ đợi có thể chen chân vào cuộc đua giữa châu Âu và Nam Mỹ. Thế nhưng, tất cả những gì họ có thể làm được là tấm vé vào vòng tứ kết World Cup 1990 của Cameroon, là chiến thắng của Senegal trước Pháp (khi đó là đương kim vô địch) tại trận khai mạc World Cup 2002, là suất vào tứ kết của Ghana tại World Cup 2010...


Tuy vậy, khác với những giải đấu trước đây, các đội bóng châu Phi không còn đơn độc ở vòng knock-out World Cup lần này: Nigeria và Algeria cùng gánh vác sứ mệnh lịch sử cho lục địa đen, sau khi những đội bóng có nhiều ngôi sao hơn là Bờ Biển Ngà, Cameroon và Ghana phải chấp nhận dừng bước ở vòng bảng.


Trên đôi cánh “đại bàng”


So với Ageria, Nigeria được đánh giá cao hơn về kinh nghiệm. “Siêu đại bàng” từng hai lần lọt vào giai đoạn đấu loại trực tiếp của sân chơi World Cup, trong đó Stephen Keshi thuộc thế hệ cầu thủ Nigeria đầu tiên vượt qua vòng bảng World Cup 1994 (lần thứ hai là năm 1998). Bây giờ trên cương vị HLV, Keshi được chờ đợi có thể làm tốt hơn so với chính ông trước đây.

 


Chặng đường tiến vào vòng knock-out lần này của Nigeria “có thể khiến cho châu Phi tự hào”, như tuyên bố của Keshi. Sau khởi đầu nhàn nhạt tại bảng F (hòa Iran không bàn thắng), Nigeria đã giành trận thắng quyết định trước Bosnia - Herzegovina (1 - 0). Ở trận đấu cuối, Nigeria chơi “ăn miếng, trả miếng” trước Argentina của Lionel Messi và chỉ chấp nhận đầu hàng ở những phút cuối (2 - 3).


Tại Brasilia đêm 30/6, lối chơi tốc độ và đầy sức mạnh của “Siêu đại bàng” chắc chắn sẽ là một thách thức lớn đối với Pháp, đội đã cán đích nhất bảng E. Pháp đến Brazil mà không có một ngôi sao thực sự nổi bật trong đội hình, sau khi Franck Ribery bị chấn thương. Tuy nhiên, chính sự trẻ trung và đồng đều đã giúp “Gà trống Gaulois” chơi khởi sắc ở hai trận đầu tiên: Thắng Honduras 3 - 0 và thắng Thụy Sỹ 5 - 2.


Mặc dù vậy, Pháp vẫn có những hạn chế, đặc biệt ở khâu phòng ngự. Sự bế tắc trên hàng công của Pháp cũng đã được thấy ở trận hòa không bàn thắng với Ecuador, dù đối phương phải chơi thiếu người từ đầu hiệp 2. Hơn lúc nào hết, Pháp đang kỳ vọng vào sự trở lại đội hình xuất phát của những cầu thủ có ảnh hưởng quan trọng đến lối chơi là Mathieu Valbuena và Yohan Cabaye.


Món nợ với người Đức


Cũng như Pháp, Đức sẽ phải đối đầu với Algeria đang hết sức hưng phấn. Đây là lần đầu tiên đội bóng Bắc Phi vượt qua vòng bảng World Cup và sức mạnh của họ khiến HLV Fabio Capello phải thốt lên: “Chưa bao giờ tôi thấy một kỳ World Cup ở trình độ như vậy. Không còn những trận đấu dễ dàng và không còn những đội bóng nhỏ nữa”. Đội tuyển Nga của Capello đã không thắng được Algeria (1 - 1) trong trận cầu sinh tử ở bảng H và buộc phải nhường bước vào vòng sau cho đối thủ.


Algeria có lẽ không cần có thêm động lực khi gặp Đức tại Porto Alegre rạng sáng 1/7. Tại World Cup 1982, Algeria từng thắng Tây Đức 2 - 1 nhưng vẫn bị loại ở vòng bảng, do Tây Đức và Áo đã “cò cưa” với nhau ở trận đấu cuối cùng (Tây Đức thắng 1 - 0 và hai đội này dắt tay nhau đi tiếp). Trận đấu tại Tây Ban Nha năm đó vẫn là một vết nhơ trong lịch sử bóng đá thế giới và chính nó đã thúc đẩy FIFA ra quy định về việc loạt trận cuối vòng bảng World Cup phải diễn ra cùng giờ.


“Những con cáo sa mạc” có một món nợ phải thanh toán với người Đức, nhưng dù thế nào, đội quân của Joachim Loew vẫn được đánh giá cao hơn ở trận đấu này. Đẳng cấp của Đức đã được khẳng định ở màn “hủy diệt” Bồ Đào Nha 4 - 0, ở trận hòa 2 - 2 với Ghana và chiến thắng 1 - 0 trước Mỹ tại bảng G. Hình ảnh “lừ lừ xe tăng” của Đức đã mất từ lâu. Họ bây giờ là một trong những đội bóng chơi tấn công hấp dẫn nhất thế giới, với phong cách “Tiqui-taca” kiểu Đức, kết hợp giữa tính khoa học, tốc độ và kỹ thuật.


Nigeria và Algeria hừng hực khí thế, nhưng Pháp và Đức lại hết sức lão luyện, đó là lý do mà giấc mơ Phi châu có thể vẫn chỉ là giấc mơ...

 

Song Long

'Quỷ đỏ' chơi hiệu quả nhất tại World Cup 2014
'Quỷ đỏ' chơi hiệu quả nhất tại World Cup 2014

Với việc hạ Hàn Quốc 1-0 trong thế thiếu người trong loạt trận đấu cuối cùng ở bảng H ngày 26/6, lần đầu tiên Bỉ thắng tất cả các trận ở vòng đấu bảng World Cup.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN