Bóng đá Việt Nam: Những câu chuyện... đã cũ!

Một tuần nghỉ giữa mùa, trái bóng Việt chỉ "lăn" trên bàn hội nghị, trong cuộc bầu chọn thường niên và các bản kế hoạch của thì tương lai. Tại đó, những câu chuyện cũ thêm một lần nữa được nhắc đến.

Cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Minh Phương vẫn là gương mặt sáng giá cho danh hiệu Quả bóng Vàng 2010.

1. Hãy bắt đầu với Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 mùa giải 2011 do VFF tổ chức. Cuộc hội nghị được dự báo là "nóng" sau nửa chặng đường đầy rẫy những biến động từ tổ chức tới chuyên môn, nhưng lại diễn ra trong bầu không khí cực kỳ... êm ả!

Không hề có những lời phát biểu gay gắt và buổi sơ kết gói gọn trong 3 tiếng đồng hồ biến thành màn "độc thoại" với các bản báo cáo đầy "màu hồng" từ phía VFF, BTC giải cùng những bộ phận chức năng của Liên đoàn. Nào là: “Chất lượng chuyên môn, tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức đã tăng rõ rệt”, rồi “bên cạnh điểm sáng chuyên môn còn ghi nhận sự ổn định về số lượng khán giả”, “số trận đấu được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình tăng rất ấn tượng”... Ngay cả cái điểm nóng liên quan đến công tác trọng tài cũng được đích thân ông Chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia “chốt hạ” bằng lời khẳng định chắc nịch - Lực lượng trọng tài và trợ lý trọng tài đã hoàn thành tương đối tốt nhiệm vụ!

Nhưng đằng sau cái bầu không khí êm ả đó, không khó để nhận ra... chỉ có bóng đá Việt Nam là chịu thiệt bởi chính những người đang chịu trách nhiệm chính về nó. VFF cùng BTC giải thì... đúng và luôn đúng (!?), còn các đội bóng - nhân vật chính của cuộc chơi ”im lặng là vàng” bởi xét cho cùng, mùa giải vẫn còn ở phía trước và "tránh voi chả xấu mặt nào". Vậy nên, từ sự sa sút của hàng loạt đại gia, tới việc lên ngôi của thứ bóng đá bạo lực xấu xí và vấn nạn trọng tài kéo dài qua mỗi vòng đấu, hay cảnh nhiều khán đài đang trở nên nguội lạnh... bị lấp đi bởi cái thứ gọi là "tín hiệu tích cực". Những chuyện chẳng có gì là mới với bóng đá Việt Nam luôn được bao bọc bởi toàn những lời tốt đẹp.

2. Sau nhiều hồi lần lữa vì những lý do khác nhau, cuối cùng thì vào sáng 12/5 này, danh hiệu cá nhân cao quý nhất của bóng đá Việt - Quả bóng Vàng Việt Nam 2010 sẽ tìm thấy chủ nhân. Thế nhưng, chẳng thể phủ nhận rằng, việc "chậm tiến độ" kia cùng những kết quả đã sớm nằm trong dự báo khiến tất cả... kém vui.

Ở cuộc đua giữa các cầu thủ nam, VCK của lần bầu chọn thứ 16 đã có 5 cái tên được xướng lên với số phiếu cao nhất. Tuy nhiên, tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) sáng 12/5, có đến 99,99% khả năng, người nâng cao Quả bóng Vàng sẽ là cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Minh Phương. Trong năm 2010, dù ĐTQG thất bại khá cay đắng tại AFF Cup, nhưng với những gì đã đóng góp, cùng nhiều lần lỡ hẹn với danh hiệu này và cả quyết định chia tay đã khiến tiền vệ này nhận được sự ưu ái từ báo giới. Cũng như thế với các cô gái, khi sau thế hệ Vàng của Ngọc Châm, Văn Thị Thanh... lúc này nổi lên cũng chỉ là những gương mặt còn khá trẻ, trong đó ấn tượng nhất là Nguyễn Thị Ngọc Anh (Hà Nội), cầu thủ chơi ổn định cả trong màu áo CLB lẫn ĐTQG. Hay ở phần giải thưởng giành cho cầu thủ nước ngoài xuất sắc nhất, chung kết chỉ là cuộc đấu tay đôi giữa Samson Kayode (TĐCS. Đồng Tháp) và Gaston Merlo (SHB Đà Nẵng) mà nếu xét chung cả phương diện chuyên môn lẫn tư cách đạo đức thì chả khó nhận ra chân sút người Áchentina đang chơi cho đội bóng sông Hàn sẽ được chọn.

Sự lựa chọn khó khăn chỉ ở mục Cầu thủ trẻ, nhưng giải thưởng này chưa bao giờ được coi trọng. Vì thế, lần này, nếu Minh Phương bước lên bục cao nhất để nhận danh hiệu Quả bóng Vàng thì có lẽ đó chỉ là sự tưởng thưởng cho 1 cá nhân nhiều hơn là phản ảnh sức sống của cả một nền bóng đá vốn ngày càng khan hiếm những tài năng thực sự.

3. Cuối cùng vẫn là cuộc tìm kiếm ông thầy ngoại thứ 8 của bóng đá Việt Nam. Cuộc tìm kiếm đã kéo quá dài khiến nó trở nên nhàm chán và chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn khiến VFF buộc lòng phải tính đến phương án đã cũ - Xài thầy nội.

Cựu ngôi sao bóng đá người Bungari Hristo Stoichkov đã chính thức bị từ chối khi VFF sớm nhận ra không thể "đánh đu" cùng chiếc ghế HLV trưởng thông qua túi tiền của vị tỷ phú nào đó. Nhưng cho đến tận lúc này, màn tiếp cận của Liên đoàn với ứng cử viên được xem là khả thi nhất là Falko Goetz, vẫn chưa tới hồi chót bởi đơn giản vẫn còn nhiều chi tiết trong bản hợp đồng cần phải hoàn tất. Tháng 5 cũng đã sắp qua nửa đường và theo lịch trình, thì cũng chỉ còn hơn 2 tuần nữa, cả ĐTQG lẫn Olympic sẽ được tập trung để chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2016 lẫn Olympic London 2012. "Nước đã tới chân" và chẳng còn cách nào khác, VFF buộc phải dùng tới thầy nội.

Ông Mai Đức Chung (N. Sài Gòn) sẽ tạm ngồi vào chiếc ghế nóng của đội tuyển, còn người chèo lái con thuyền Olympic là HLV Phan Thanh Hùng (Hà Nội T&T). Đó chẳng phải là những gương mặt mới, bởi cả 2 ông thầy này đã từng gánh vác những cương vị đó, thậm chí họ còn có được cả thành công chẳng thua gì thầy ngoại. Lẽ tất nhiên, cả ông Chung lẫn ông Hùng đều chỉ là "ngồi tạm", nhưng nhỡ họ lại... thành công, thì xem ra thêm một lần nữa VFF sẽ phải khó xử! Đó cũng lại là một câu chuyện cũ khác.

Vũ Minh

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN