03:14 24/03/2017

Thể thao quần chúng – nền tảng phát triển thể thao bền vững

Là một mảng quan trọng trong lĩnh vực thể thao nước nhà, thể thao quần chúng luôn đã góp phần cổ vũ phong trào tập luyện thể dục thể thao phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân...

Các đội dự thi tham gia trò chơi “Tải quân”. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Thể thao quần chúng phát triển rộng khắp

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng tầm quan trọng của việc luyện tập thể dục thể thao. Người đã viết: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi một người dân mạnh khỏe là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.

Vậy luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ, ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe. Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta, ai cũng cố gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào cũng tập”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Dưới chế độ dân chủ, thể thao và thể dục phải trở thành hoạt động chung của quần chúng, nhằm mục đích tăng cường sức khỏe của nhân dân. Nhân dân có sức khỏe thì mọi công việc đều được làm tốt”. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương “Chúng ta nên phát triển phong trào thể dục thể thao rộng khắp”...

Phó Vụ trưởng Vụ thể dục thể thao quần chúng Đặng Danh Tuấn cho biết, trong những năm qua, ngành thể dục thể thao nước nhà luôn chú trọng phát triển thể dục thể thao sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Tính đến hết năm 2016, hầu hết các xã, phường, thị trấn có câu lạc bộ hoặc nhà văn hóa thể thao; các xã, phường, thị trấn có sân chơi, bãi tập.

Thể dục thể thao quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có bước tiến đáng kể. Phong trào thể dục thể thao người cao tuổi phát triển mạnh và được duy trì thường xuyên với khoảng trên 10.000 câu lạc bộ.

Các phong trào thể dục thể thao tại địa phương luôn gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, vận động người dân tự chọn một môn thể thao, một hình thức tập luyện phù hợp với mục tiêu nâng cao sức khỏe.

Phong trào Thể dục thể thao đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng được nhiều quan tâm. Thể dục thể thao ở các vùng dân tộc thiểu số cũng được nhiều địa phương triển khai sâu, rộng đến làng, thôn, bản, ấp giúp cho đồng bào dân tộc hiểu rõ lợi ích tác dụng của tập luyện thể dục thể thao.

Các môn tập luyện và thi đấu thể thao của đồng bào dân tộc ngày càng phát triển đa dạng, phong phú, hấp dẫn: Bóng chuyền, bóng chuyền hơi, bóng đá, võ cổ truyền, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tó má lẹ, đánh quay…

Năm 2017, thể dục thể thao quần chúng tiếp tục đề ra các mục tiêu, trong đó tập trung vào số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên sẽ được nâng cao đạt 30,3%; số gia đình tập luyện thể thao thường xuyên đạt 21,9%; có 100% số trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất chính khóa và được tập huấn, hướng dẫn, triển khai bài thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và bài võ cổ truyền, 75% số trường thường xuyên hoạt động thể thao ngoại khóa.

Thể thao Việt Nam luôn xác định: Từ các phong trào phát triển thể dục thể thao quần chúng trong nhân dân sẽ là tiền đề để phát hiện, bổ sung thêm tài năng, những nhân tố mới trong lĩnh vực thể dục thể thao để bồi dưỡng, đào tạo trở thành tuyển thủ quốc gia, hướng tới các giải đấu trong nước, dần tiếp cận với thành tích cao ở đấu trường quốc tế.

Trước mắt, hưởng ứng Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, năm 2017, Vụ Thể dục Thể thao quần chúng hướng tới huy động 7,2 triệu người tham gia; Thể thao người khuyết tật Việt Nam phấn đấu nằm trong nhóm 4 tại ASEAN Paragames 9 tại Malaysia, top 10 tại Đại hội Thể thao người khuyết tật trẻ châu Á tại Indonesia năm 2017...

Bén duyên từ thể thao phong trào

Trò chơi “Nhảy sạp”. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Cũng từ thể thao phong trào, thể thao quần chúng mà ngành Thể dục Thể thao nước nhà đã phát hiện để bồi dưỡng những gương mặt tiêu biểu, giành được thành tích nổi bật trên đấu trường quốc.

Trong đó phải kể đến xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - bén duyên với sự nghiệp bắn súng chuyên nghiệp từ các giải phong trào. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Công binh, Hoàng Xuân Vinh về làm việc tại Lữ đoàn 239 Công binh tại Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội). Tại đây, anh được cử đi tham dự các giải phong trào và thường mang thành tích tốt về cho đơn vị. Tiếp đến, năm 1998, anh giành vị trí quán quân tại Giải bắn súng toàn quân.

Từ những thành tích trên, năm 1999, được Câu lạc bộ Quân đội mời về, anh chính thức được gọi vào Đội tuyển quốc gia năm 26 tuổi. Cùng năm đó, Hoàng Xuân Vinh giành Huy chương Đồng đồng đội đầu tiên trong sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp tại Cúp quốc gia nội dung súng ngắn hơi nam. Sang năm 2000, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành Huy chương Vàng và phá kỷ lục quốc gia nội dung súng ngắn hơi 10m nam và trở thành tuyển thủ quốc gia.

Tại đấu trường quốc tế, 6 kỳ SEA Games liên tiếp kể từ năm 2001 - 2011, năm nào xạ thủ này cũng giành ít nhất một Huy chương Vàng. Đặc biệt, trong năm 2016, Hoàng Xuân Vinh đã làm nên kỳ tích cho thể thao Việt Nam khi anh giành Huy chương Vàng ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam tại Thế vận hội Mùa hè 2016.

Thành tích này đã giúp anh trở thành vận động viên thể thao Việt Nam đầu tiên và duy nhất tính đến nay giành được Huy chương Vàng tại đấu trường Thế vận hội.

Cũng như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, nữ kình ngư số 1 Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên sinh năm 1996 cũng bén duyên với thể thao thành tích cao từ phong trào tập luyện thể dục thể thao gia đình. Ban đầu, em được ông nội dạy bơi.

Đến năm 2006, Ánh Viên được nhà trường chọn đi thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện và gây ấn tượng mạnh tại hội thi. Đến năm 2007, Ánh Viên tiếp tục được chọn đi thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố.

Tại đây, Ánh Viên đã được các huấn luyện viên của Trung tâm Thể dục Thể thao Quốc phòng 4 (Quân khu 9) phát hiện và lựa chọn. Chỉ sau 3 tháng tập luyện tại Trung tâm mới, Ánh Viên đã giành được Huy chương Vàng đầu tiên trong sự nghiệp chuyên nghiệp tại Giải Câu lạc bộ Đồng Tháp mở rộng.

Ở đấu trường quốc tế, khi 19 tuổi, Ánh Viên đã giành 8 huy chương Vàng, một Huy chương Bạc, một huy chương Đồng cho Thể thao Việt Nam và phá 8 kỷ lục tại SEA Games 28 năm 2015. Cô còn đứng thứ 25 thế giới cự ly 400m tự do của nữ và thứ 32 thế giới nội dung 400m hỗn hợp. Năm 2015, cô là đại úy quân đội trẻ nhất tại Việt Nam và được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì...

Nguyễn Quốc Trị (TTXVN)