02:09 04/02/2011

Thế mạnh nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế

Cùng với sự phát triển của đất nước, ngành nông nghiệp Việt Nam có thể tự hào vì đã và đang làm tốt vai trò của mình trong việc xây dựng và phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia.

Cùng với sự phát triển của đất nước, ngành nông nghiệp Việt Nam có thể tự hào vì đã và đang làm tốt vai trò của mình trong việc xây dựng và phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia. Nông nghiệp cũng là một trong những ngành có giá trị xuất khẩu lớn, thu ngoại tệ về cho đất nước.


Nhân dịp “Năm hết, Tết đến”, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Lê Huy Ngọ (ảnh), Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Nông thôn mới, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - người đã có nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp về những đổi mới của ngành này trong thời gian qua.

Ông có suy nghĩ gì về sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây?

Nông nghiệp Việt Nam đã có sự trưởng thành vượt bậc, từ chỗ chỉ đủ lương thực phục vụ đời sống hàng ngày, nhiều khi nhân dân phải chịu cảnh thiếu đói, đến nay chúng ta không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ mà còn trở thành là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, cà phê, cao su, hạt tiêu... cũng thuộc hạng nhất nhì trên thế giới.

Đặc biệt, từ năm 2005 tới nay, ngành nông nghiệp đã đạt nhiều thành tựu to lớn, cả nước xuất khẩu gần 25 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD; vượt chỉ tiêu kế hoạch bình quân 1 triệu tấn và 1,1 tỷ USD/năm. Giá trị gia tăng của ngành bình quân đạt khoảng 3,7-4%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm Chính phủ đề ra 3 - 3,2%/năm. An ninh lương thực quốc gia được đảm bảo.

Điều đáng ghi nhận là kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề đã góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Năm 2009, thu nhập bình quân mỗi hộ nông thôn đạt 26 triệu đồng, tăng 11 triệu đồng so với năm 2003; tích lũy bình quân tăng từ 3,5 triệu đồng năm 2005 lên 6,7 triệu đồng năm 2009.


Cả nước hiện có gần 3.000 làng nghề với 1,4 triệu hộ, thu hút trên 11 triệu lao động; có 120.000 trang trại, quy mô ngày càng mở rộng, góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất và tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn…

Thu hoạch cà phê ở vùng chuyên canh cà phê huyện Đắk Hà. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN


Qua những con số thống kê trên đủ thấy ngành nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh. Sự phát triển này bắt nguồn trước hết từ giai cấp nông dân Việt Nam có truyền thống yêu nước, yêu làng xóm, yêu quê hương, yêu đồng ruộng và thứ hai là có chính sách kịp thời của Nhà nước như chính sách đổi mới cơ chế quản lý, mở rộng thị trường để nông dân từ lựa chọn thị trường tiêu thụ... đến các cơ chế từng bước được cải tiến phù hợp.


Từng bước xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, giống cây trồng vật nuôi, mở rộng quan hệ hợp tác và đặc biệt với lòng yêu nước, nông dân đã làm được kết quả ngày hôm nay. Trở thành nền nông nghiệp hàng hóa, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia, trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, nhiều mặt hàng có vị thế trên trường quốc tế như gạo, cà phê, tiêu, điều, thủy sản…

Tuy nhiên, hàng Việt Nam xuất ra quốc tế với khối lượng lớn nhưng giá trị còn thấp, người tiêu dùng băn khoăn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và độ đồng đều của nông sản. Công sức và nhiệt huyết của người nông dân không được xác nhận bằng các thương hiệu và giá cả xứng đáng.

Qua những chuyến đi thực tế, ông có nhận xét gì về sự đổi thay của đời sống người nông dân và bộ mặt nông thôn hiện nay?

Bộ mặt nông thôn hiện nay đã có sự đổi thay hơn trước rất nhiều nhưng theo yêu cầu của sự phát triển thì vẫn còn nhiều khó khăn đặt ra, cả về khoảng cách thu nhập giàu nghèo, thành thị, nông thôn lẫn khoảng cách cơ sở hạ tầng…

Năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 18 tỷ USD, đưa nước ta thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn trên thế giới. Hạt điều, hạt tiêu có giá trị xuất khẩu cao nhất thế giới và được đánh giá cao về chất lượng; gạo, cà phê đứng thứ hai, cao su đứng thứ 4, thủy sản đứng thứ 5, chè đứng thứ 7... Đã có 5 mặt hàng kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên là gạo, thủy sản, đồ gỗ, cà phê và cao su.

Chúng tôi đi nhiều, nghĩ nhiều và vẫn còn băn khoăn lắm về cái sự nghèo ở nông thôn, đời sống của bà con nông thôn vẫn còn cách xa thành thị. Dù biết, đất nước còn nghèo, chưa thể thay đổi ngay toàn diện bộ mặt nông thôn nhưng phải làm từng bước một. Đảng ta đã có nghị quyết về “Tam nông” để nâng cao thu nhập cho người nông dân, nâng cao cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn, cải thiện điều kiện sống, cải thiện dân trí...

Cùng với nghị quyết về “Tam nông”, để nâng cao thu nhập cho người dân, ngành nông nghiệp cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 là: Đạt được sự tăng trưởng bền vững, chất lượng, cải thiện cơ bản điều kiện sống của dân cư nông thôn, nhất là người nghèo, bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Theo ông, ngành nông nghiệp nên làm gì cụ thể để nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân?

Đầu tiên là tiếp tục đổi mới thể chế, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, doanh nhân các thành phần kinh tế làm ăn có hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu sắc; đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật làm cơ sở để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh phát triển thuỷ lợi và cơ sở hạ tầng nông thôn làm nền tảng phát triển nông nghiệp bền vững.

Đồng thời tạo điều kiện phát triển bền vững các ngành xã hội khác, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đào tạo nhân lực, nâng cao hàm lượng tri thức trong tất cả hoạt động của ngành để tiếp tục thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện phải nhanh chóng rút bớt lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp; cải cách bộ máy hành chính để ngày càng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, tăng cường chống tham nhũng, lãng phí.

Tôi tin với truyền thống vượt khó đi lên, trong thời gian tới, cùng với những nỗ lực của nông dân cả nước, đội ngũ cán bộ của ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục chung tay, đoàn kết đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.


Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch...

Xin cảm ơn ông!

Hữu Vinh
(thực hiện)