09:20 14/09/2017

Thế khó của các nước Trung và Đông Âu trong EU

Trong bài phân tích trên mạng Stratfor.com, chuyên gia Adriano Bosoni nhận định, việc EU thúc đẩy các nội dung cải cách trong chương trình nghị sự của Liên minh đã khiến các nước thành viên Trung và Đông Âu rơi vào thế khó.

Thủ tướng Đức và các nước V4 trong cuộc gặp tại Warsaw, Ba Lan tháng 8/2016. Ảnh: www.vlada.cz

Trong khi một số nước khu vực thể hiện mong muốn tăng cường hội nhập nội khối, tham gia nhóm thành viên “cốt lõi” trong EU như CH Séc, Romania thì một số nước khác lại đang duy trì khoảng cách như Hungary và Ba Lan. Chính phủ Hungary và Ba Lan khẳng định, Liên minh châu Âu không có quyền can dự vào công việc nội bộ của các nước này. Diễn biến này cho thấy, đã đến lúc các nước Trung và Đông Âu cần đưa ra các quyết định chiến lược trong định hướng phát triển.

Theo chuyên gia Bosoni, các nước Trung và Đông Âu có mối quan hệ phức tạp với Liên minh châu Âu. Các nước này vội vã gia nhập EU sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và trở thành các nước thành viên có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong Liên minh. Các nước Trung và Đông Âu nhận được viện trợ lớn từ các quỹ của EU và đa số người dân các nước này ủng hộ quy chế thành viên EU.

Mặc dù vậy, nhiều nước vẫn chỉ hội nhập một cách “nửa vời” vào EU, không tham gia Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và phản đối sự can dự của Brussels vào việc xây dựng và hoạch định chính sách quốc gia. Thậm chí, chính phủ một số nước Trung và Đông Âu còn cáo buộc EU làm suy yếu độc lập, chủ quyền và bản sắc dân tộc. Các nước này coi EU là một nhóm các quốc gia hợp tác trong các lĩnh vực có chung lợi ích và cố gắng duy trì sự độc lập của mình.

Gần đây, một số nước Trung và Đông Âu còn nỗ lực tăng cường hợp tác về kinh tế, quân sự, năng lượng trong khu vực trải dài từ Baltic cho đến Biển Đen nhằm gia tăng quyền tự chủ. Nhóm Visegrad (V4) đã trở thành diễn đàn quan trọng để các nước Trung và Đông Âu thể hiện quan điểm đối với các vấn đề chung của EU.

Ba Lan, Hungary, CH Séc và Slovakia là các thành viên của Nhóm này. Trong một số cuộc họp, V4 còn mời đại diện của cả Romania và Bulgaria.Ba Lan và Hungary là các nước chỉ trích Liên minh châu Âu mạnh mẽ nhất, trong khi đó Tổng thống Séc Milos Zeman cũng từng đề cập đến việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Prague. Thủ tướng Slovakia Robert Fico thì cho rằng giới lãnh đạo EU tại Brussels đang xa rời thực tế.

Cho đến nay, các nước V4 vẫn chưa phải nhận hậu quả tiêu cực lớn nào từ các quan điểm trên. Mặc dù chỉ trích nỗ lực can dự vào công việc nội bộ của Brussels nhưng các nước V4 vẫn nhận được các khoản viện trợ lớn về nông nghiệp và phát triển từ các quỹ của EU. Tuy nhiên, ông Bosoni cho rằng sự kiện Brexit đã buộc các nước Trung và Đông Âu đánh giá lại chiến lược quốc gia của mình.Brexit đã khiến các nước thành viên Trung và Đông Âu mất đi một đồng minh quan trọng liên quan đến các chương trình cải cách của EU.

Cũng giống như các nước trong khu vực, Anh xác định EU là một tổ chức hợp tác thương mại và không cần thiết phải hình thành một “siêu nhà nước”. London hoài nghi đối với các đề xuất về việc liên bang hóa EU và giành được quyền tự quyết trong việc không tham gia nhiều sáng kiến của Liên minh, như khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Khu vực Tự do đi lại Schengen. Đối với Ba Lan và Hungary, việc Anh bảo vệ các quan điểm trên với tư cách thành viên EU có giá trị hơn rất nhiều so với một nước Anh đang trong quá trình rời khỏi EU và không chắc chắn về tương lai của mối quan hệ này.

Ngoài ra, kết quả trưng cầu ý dân ở Anh có tác động rất lớn đối với toàn bộ Liên minh. Đa số các lãnh đạo EU hiểu rằng, họ buộc phải hành động trong bối cảnh hiện nay.

Trong những tháng gần đây, EU đã đưa ra một loạt các đề xuất cải cách. Tuy nhiên, phần lớn các chương trình cải cách này vẫn đang ở giai đoạn ban đầu mà nhiều chương trình sẽ bị loại bỏ hoặc điều chỉnh về sau. Mặc dù vậy, việc đa số các chương trình cải cách đều chỉ liên quan đến khu vực Eurozone, chứ không phải toàn bộ EU đã khiến lãnh đạo các nước Trung và Đông Âu lo ngại.

Dường như các chương trình cải cách này phát đi thông điệp “ngầm” rằng: Liên minh châu Âu chính là khu vực Eurozone và các nước thành viên không sử dụng đồng EU sẽ không liên quan. Đây cũng chính là mối lo ngại của các nước Trung và Âu đối với quan điểm về việc phát triển một mô hình châu Âu “đa tốc độ”, theo đó một số nước thành viên sẽ tăng cường hợp tác với nhau còn các nước thành viên khác thì không.

Trong thực tế, EU cũng đã và đang phát triển với nhiều tốc độ khác nhau, chẳng hạn như một số nước tham gia Eurozone và Schengen trong khi một số nước không tham gia. Tuy nhiên, cho đến nay quan điểm,mục tiêu chính thức của EU vẫn là giúp các nước thành viên có cùng mức độ hội nhập nội khối. Nếu EU từ bỏ cam kết xây dựng “một liên minh ngày càng chặt chẽ”, môi trường chính trị trong EU sẽ biến động lớn. Điều này cũng sẽ đồng nghĩa với việc lần đầu tiên EU chính thức thừa nhận tồn tại của các nước thành viên “hạng nhất” và “hạng hai”.

Đây chính là kịch bản mà các nước thành viên Trung và Đông Âu đang rất lo ngại.Các nước trong khu vực phụ thuộc vào EU về thương mại, đầu tư, trợ cấp và an ninh. Đối với CH Séc và Slovakia, Đức chính là đối tác thương mại quan trọng nhất, trong khi đó Ba Lan và Romania cần sự trợ giúp của các đối tác EU trong đối phó với mối đe dọa từ Nga. Do đó, nếu các nước Trung và Đông Âu bị loại khỏi các chương trình cải cách của EU trong thời gian tới, các nước này sẽ buộc phải dựa vào Mỹ về đầu tư, an ninh và năng lượng.

Tuy nhiên, nhiều khả năng Nhà trắng sẽ không hứng thú đối với việc trợ cấp cho nông dân của Ba Lan hay chi trả cho việc phát triển hạ tầng ở Romania nhưng Brussels đang thực hiện.Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hòa bình và thịnh vượng của các nước Trung và Đông Âu là kết quả của sự kết hợp giữa chính sách tăng cường quan hệ với Mỹ, tham gia EU và trở thành thành viên của NATO. Nếu một trong số các nhân tố này bị loại ra, các nước trong khu vực sẽ buộc phải xem xét, đánh giá lại toàn bộ chiến lược quốc gia.

Cũng có quan điểm cho rằng, trong trường hợp quan hệ giữa các nước Trung và Đông Âu với các nước thành viên khác của EU xấu đi, quy chế thành viên NATO sẽ giúp đảm bảo an ninh khu vực. Tuy nhiên, an ninh không chỉ đơn thuần liên quan đến vấn đề quân sự. Trong hơn hai thập kỷ qua, tư cách thành viên EU đã giúp cho các nước trong khu vực Trung và Đông Âu phát triển vững chắc và giảm dần sự chi phối của Nga.Chuyên gia Bosoni cho rằng, các nước Trung và Đông Âu đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn về mặt chiến lược.

CH Séc và Slovakia đã cho thấy, các nước này mong muốn duy trì mối quan hệ gần gũi nhất có thể với các nước lớn trong EU. Quyết định này xuất phát từ các nguyên nhân kinh tế và lịch sử bởi Prague và Bratislava từng là một phần của đế chế La Mã. Tuy nhiên, sự lựa chọn đối với Ba Lan và Hungary sẽ khó khăn hơn nhiều. Các chính phủ theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa ở Warsaw và Budapest coi việc xây dựng một “siêu quốc gia” ở châu Âu là mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia và bản sắc dân tộc của các nước này.

Đối với Ba Lan, nằm ở trung tâm khu vực đồng bằng Trung Âu và từng bị Nga và Đức xâm lược trong lịch sử, Warsaw buộc phải tìm kiếm càng nhiều các đồng minh càng tốt. Mặc dù hiện Đức không còn bị coi là mối đe dọa đối với Ba Lan nhưng nước này, hơn bất kỳ thành viên nào trong Nhóm V4, vẫn thường xuyên phải đối mặt với các nguy cơ từ Nga.

Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa Ba Lan và Hungary.Có thể các lực lượng dân tộc chủ nghĩa sẽ chỉ cầm quyền ở Ba Lan và Hungary trong một giai đoạn nhất định sau đó các lực lượng ủng hộ EU sẽ quay trở lại. Trong thời gian gần đây cũng đã diễn ra một số cuộc biểu tình lớn phản đối chính sách của chính phủ ở Ba Lan và Hungary.

Trong tương lai, nếu mối quan hệ giữa Ba Lan, Hungary và EU xấu đi kèm theo các hậu quả về kinh tế, chính trị, cử tri các nước này có thể sẽ quay trở lại ủng hộ EU. Tuy nhiên, nếu các tư tưởng dân tộc chủ nghĩa bám rễ ở Ba Lan và Hungary càng sâu, càng khó để thay đổi định hướng phát triển của các nước này trong tương lai.

Không chỉ các nước Trung và Đông Âu phải đối mặt với các lựa chọn chiến lược khó khăn mà các nước Tây Âu cũng đang ở tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Gần đây, Pháp đã chỉ trích Ba Lan và Hungary, cho rằng sự tham gia của các nước này không quan trọng trong các chương trình cải cách EU trong giai đoạn tiếp theo.

Ngoài ra, Pháp cùng Áo đã cam kết sẽ hạn chế việc công dân các nước Trung và Đông Âu tìm kiếm các công việc tạm thời ở Tây Âu. Các quan chức EU cũng đã cảnh báo sẽ hạn chế quyền bỏ phiếu thậm chí cắt giảm trợ cấp đối với các quốc gia không tuân thủ quy định của EU. Mặc dù vậy, chính sách này của EU có nguy cơ thúc đẩy làn sóng dân tộc chủ nghĩa mới ở khu vực Trung và Đông Âu.

Việc suy giảm ảnh hưởng của EU trong khu vực có nguy cơ biến Trung và Đông Âu thành khu vực bất ổn, tạo ra các mối đe dọa về chính trị, kinh tế và thậm chí là an ninh ở biên giới phía Đông.Chuyên gia Bosoni kết luận, việc các nước Trung và Đông Âu ở lại hay rời khỏi EU liên quan trực tiếp tới quyết định của EU về mối quan hệ tương lai đối với các nước khu vực này và việc Berlin, Paris liệu có đạt được thỏa hiệp với các nước trong khu vực hay không.

Hồng Tâm (P/v TTXVN tại Séc)