06:17 11/06/2013

Thể hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội

Việc bỏ phiếu và lấy phiếu tín nhiệm đã thể hiện quyền giám sát tối cao về công tác nhân sự, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội đối với sự quan tâm và lòng tin của cử tri.

Sáng 11/6, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Bên lề kì họp, phóng viên đã ghi lại ý kiến người dân xung quanh vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Thuận, Tổ dân phố số 3, phường Trung Liệt (Đống Đa, Hà Nội): Đây là lần đầu tiên việc bỏ phiếu và lấy phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện.

Cách làm này đã thể hiện quyền giám sát tối cao về công tác nhân sự, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội đối với sự quan tâm và lòng tin của cử tri. Các đại biểu Quốc hội đã thay mặt cử tri cả nước đánh giá công tâm việc thực hiện nhiệm vụ điều hành và lãnh đạo trong bộ máy nhà nước đối với các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm.


K
ết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá khách quan đối với các lãnh đạo các bộ, ngành trong vai trò “đứng mũi chịu sào”, nhất là những lĩnh vực liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân như: Ngân hàng, xây dựng, y tế, giáo dục, giao thông… Việc lấy phiếu tín nhiệm là cần thiết, vì việc này không chỉ giúp cho người giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt luôn phải nỗ lực, cố gắng, khắc phục những hạn chế, chứng minh rằng họ xứng đáng với việc bầu hoặc phê chuẩn của Quốc hội, mà còn tạo lòng tin đối với cử tri. Số phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp chính là thước đo trách nhiệm cá nhân của từng người giữ vị trí lãnh đạo trước nhân dân.

Trong thời gian tới, trong quá trình tiếp xúc cử tri tại cơ sở, các đại biểu Quốc hội cần tiếp tục lắng nghe ý kiến cử tri phản hồi về chính sách, biện pháp điều hành các vấn đề kinh tế xã hội, để có cơ sở đánh giá chính xác hơn những lá phiếu tín nhiệm.


Nguyễn Tiến  (ghi)