10:23 03/10/2011

Thế hệ “7X” - Lực lượng mới trên chính trường Trung Quốc

Báo "Văn Hối" (Hồng Công) cho biết, tháng 9 vừa qua ở Trung Quốc liên tục diễn ra những cuộc thay đổi lãnh đạo tại các đảng ủy địa phương. Tổng cộng cả nước có trên 70 cuộc điều chuyển bí thư thị ủy, trong đó xuất hiện không ít lãnh đạo thuộc thế hệ 7X, 8X (sinh trong thập kỷ 1970 và 1980).

Báo "Văn Hối" (Hồng Công) ngày 3/10 cho biết, tháng 9 vừa qua ở Trung Quốc liên tục diễn ra những cuộc thay đổi lãnh đạo tại các đảng ủy địa phương. Tổng cộng cả nước có trên 70 cuộc điều chuyển bí thư thị ủy, trong đó xuất hiện không ít lãnh đạo thuộc thế hệ 7X, 8X (sinh trong thập kỷ 1970 và 1980).

Giới phân tích cho rằng lần sắp xếp luân chuyển nhân sự này nhằm đặt nền móng tổ chức tốt cho việc bố trí nhân sự toàn diện của trung ương trước Đại hội Đảng Cộng sản 18 diễn ra vào năm tới, đồng thời là bước quan trọng trong chiến lược chuẩn bị cán bộ của Trung Quốc.

Theo báo "Văn Hối", từ đầu năm trở lại đây, rất nhiều quan chức 7X ở Trung Quốc đã lọt vào tầm mắt của công chúng. Họ trở thành lãnh đạo đứng đầu thành phố, địa khu (cấp hành chính nằm giữa tỉnh và huyện), huyện, hoặc khẳng định tài năng của mình qua những cuộc bầu chọn lãnh đạo địa phương. Tháng 5/2011, Lưu Kiếm nhậm chức Bí thư Khu ủy A Lặc Thái ở Tân Cương, trở thành Bí thư Khu ủy 7X đầu tiên của Trung Quốc.

Sau đó 3 tháng, Trung Quốc lại có thị trưởng 7X đầu tiên, đó là Chu Hồng Ba, 41 tuổi, quyền thị trưởng thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây. Mới đây nhất, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Giang Tô thông báo có kế hoạch bổ nhiệm Vạn Văn Hoa làm Bí thư Tỉnh đoàn. Như vậy, nữ cán bộ sinh năm 1974, có học vị tiến sĩ này đang tràn trề hy vọng trở thành cán bộ cấp vụ trưởng trẻ nhất tỉnh Giang Tô.

Theo các chuyên gia, năm nay là “năm chương trình nhân sự” của Trung Quốc, từ trung ương tới địa phương đang hình thành bố cục xây dựng cán bộ theo thê đội 5X, 6X, 7X và 8X hợp lý hơn, nhằm hoàn thành một cách thuận lợi việc chuyển giao và quá độ quyền lực. Nhìn từ trung ương, người ta thấy đợt sắp xếp luân chuyển cán bộ khóa này ở Trung Quốc tập trung vào vấn đề tăng cường năng lực quản lý và khả năng phối hợp của ê kíp lãnh đạo, ưu việt hóa kết cấu lãnh đạo, không chỉ tính tới sự hợp lý trong kết cấu chuyên môn, năng lực, mà còn xem xét đến vấn đề đặc điểm cá nhân và sự bổ trợ lẫn nhau trong quá trình lẫn kinh nghiệm công tác, vừa đẩy mạnh việc tuyển chọn cán bộ trẻ ưu tú, vừa sử dụng một cách khoa học cán bộ ở các lứa tuổi khác...

Giáo sư Trúc Lập Gia thuộc Học viện Hành chính Quốc gia Trung Quốc cho rằng hiện nay, kết cấu thê đội cán bộ lãnh đạo theo độ tuổi đã cơ bản hình thành và không ngừng được hoàn thiện. Ở cấp tỉnh và cấp bộ, lãnh đạo chủ yếu là cán bộ thuộc thế hệ 5X và 6X. Ở cấp vụ, cấp cục là cán bộ thuộc thế hệ 6X và 7X, trong đó cán bộ thuộc thế hệ 6X đóng vai trò chính, cán bộ thuộc thế hệ 7X làm phụ. Ở cấp huyện, cán bộ thuộc thế hệ 7X đóng vai trò chính, cán bộ thuộc thế hệ 8X làm phụ.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Nghiên cứu Cải cách Thể chế Hành chính Trung Quốc, Giáo sư Uông Ngọc Khải, việc cán bộ 7X bước lên vũ đài chính trị là hiện tượng hết sức bình thường, là tất yếu lịch sử. Thúc đẩy “trẻ hóa, chuyên nghiệp hóa, tri thức hóa, cách mạng hóa” cán bộ luôn là biện pháp chiến lược trong tuyển chọn cán bộ lãnh đạo của trung ương. Tuyển chọn và sử dụng cán bộ của trung ương vẫn tuân thủ nguyên tắc đầy đủ cả đức lẫn tài, trong đó yếu tố đạo đức được đặt lên trước tiên rồi xem xét một cách tổng hợp cả đạo đức lẫn năng lực của cán bộ. Về phương diện kết cấu ê kíp lãnh đạo, Trung Quốc vẫn kiên trì sự kết hợp giữa “nhiều tuổi, trung tuổi và trẻ tuổi”. Việc giao quyền lãnh đạo cho cán bộ trung tuổi khỏe, kinh nghiệm phong phú, giao trọng trách cho cán bộ trẻ tuổi là nhằm mang đến cho họ nhiều cơ hội hơn để rèn luyện.

Ngọc Hà (P/v TTXVN tại Hồng Công)