Vui buồn ở “điểm nóng” Trung Đông

Các sự kiện diễn ra tại Trung Đông luôn là đề tài nóng hổi thu hút sự quan tâm của thế giới, song việc cánh phóng viên tác nghiệp tại khu vực này cũng gặp không ít thách thức và rủi ro. Khi làn sóng biểu tình và bạo loạn từ Tuynidi tràn qua Ai Cập, đất nước Kim tự tháp đã chứng kiến những cảnh tượng chưa từng có với "chiến sự" nổ ra khắp các thành phố. Đường phố hoang tàn, nhà cửa bị đốt phá, du khách nước ngoài đổ xô tới các sân bay để chạy loạn. Những người ngoài cuộc duy nhất can đảm lao vào "tâm bão" chính là cánh phóng viên.

Gian nan "săn" tin

Cuộc bạo loạn tại Ai Cập nổ ra đúng vào ngày Đại sứ quán Việt Nam ở Cairô tổ chức gặp mặt nhân dịp Xuân Tân Mão, tối 25/1/2011. Khi đang ghi hình cuộc gặp mặt của bà con ta, chúng tôi nhận được thông tin khoảng 10.000 người biểu tình đang đổ về Quảng trường trung tâm Tahrir ở Cairô. Tại một đất nước mà các cuộc biểu tình diễn ra thường xuyên, nhưng chỉ với số lượng vài chục đến vài trăm người và nhanh chóng tự giải tán thì sự kiện lần này khá bất ngờ, báo hiệu những biến động lớn tại quốc gia đông dân nhất thế giới Arập này. Nhận định "sức nóng" của sự kiện, chúng tôi nhanh chóng rời Đại sứ quán lên đường hướng tới Quảng trường Tahrir.

Xe tăng và xe bọc thép chặn lối vào Quảng trường Tahrir ở Cairô, Ai Cập.

Đường phố Cairô 8 giờ tối vắng vẻ khác thường, chứ không đông đúc và kẹt xe như những ngày thường. Hầu hết cửa hàng và nhà trên phố đều đóng cửa, tắt đèn. Đến đường Qasr el-Ainy, sát tòa nhà Quốc hội, chúng tôi bị cảnh sát yêu cầu quay lại. Tôi vờ như không hiểu và hỏi lý do, song đáp lại chỉ là một khuôn mặt lạnh lùng. Không bỏ cuộc, tôi cho xe quay ra đường bờ sông để tìm lối khác vào trung tâm, nhưng tất cả các ngả đường đều đã bị cảnh sát phong tỏa. Loanh quanh khá lâu, cuối cùng chúng tôi bị mắc kẹt tại khu phố nghèo phía Nam Cairô. Chúng tôi không khỏi chột dạ khi xung quanh là những ngõ phố tối om, tồi tàn, rất nhiều bóng người đang lặng lẽ rảo bước về hướng trung tâm thành phố với vẻ căng thẳng hiện rõ trên nét mặt. Tình hình khá bất lợi cho chúng tôi, ba người nước ngoài duy nhất có mặt ở đó. Chúng tôi muốn thoát khỏi nơi này, nhưng các ngả đổ về trung tâm thành phố đều đã bị phong tỏa.

Rất may là sau một hồi loay hoay, chúng tôi cũng tìm được đường thoát ra khu phía đông bắc của Cairô rồi quay ngược về. Về tới trụ sở phân xã đã hơn 1 giờ sáng. Mặc dù lái xe hơn 100 km, khá mệt và căng thẳng song chúng tôi vẫn cảm thấy vui mừng vì đã thu được khá nhiều thông tin hữu ích.

Sáng hôm sau, chúng tôi lại vượt hơn 40 km vào trung tâm thành phố. Điều bất ngờ là khu vực Quảng trường Tahrir đã trở lại bình thường và không hề có dấu hiệu nào về cuộc biểu tình của hàng nghìn người vào đêm trước. Tuy nhiên, các tuyến phố đổ vào quảng trường được bố trí khá nhiều cảnh sát chống bạo động. Khi chúng tôi vừa dựng chân máy, chỉnh ống kính hướng về phía một số xe cảnh sát chống bạo động đỗ dọc bên hông tòa nhà Bộ Nội vụ, một viên cảnh sát từ đâu bất ngờ xuất hiện và thu máy quay của chúng tôi. Lập tức hai nhân viên an ninh mặc thường phục dẫn chúng tôi tới gặp một sĩ quan an ninh cấp cao. Không bất ngờ vì đã hiểu những nguy cơ mà cánh phóng viên quốc tế tác nghiệp tại những điểm nóng ở Trung Đông phải đối mặt nên chúng tôi bình tĩnh giải thích rằng chúng tôi chỉ có ý định thông tin về việc tình hình khu vực trung tâm Cairô đã trở lại bình thường. Nghe xong, viên sĩ quan đồng ý trả lại máy quay cho chúng tôi kèm theo lời cảnh báo không được tác nghiệp ở khu vực quảng trường. Đúng là hú vía vì chỉ mấy phút sau, chúng tôi chứng kiến một phóng viên vác máy quay bị 4 người mặc thường phục đánh túi bụi ở ngay gần đó. Trong ngày hôm đó cũng đã có không ít phóng viên bị bắt giam và tịch thu phương tiện tác nghiệp.

Những ngày sau đó, tình hình Ai Cập càng trở nên phức tạp hơn. Trong khi đó, một số phương tiện truyền thông Ai Cập buộc tội người nước ngoài đứng đằng sau tình hình bất ổn tại quốc gia này. Người nước ngoài, nhất là các phóng viên, bỗng chốc trở thành mục tiêu tấn công. Hàng chục nhà báo bị bắt giữ, đánh đập và phá hoại phương tiện tác nghiệp. Tình hình hỗn loạn đến mức, một số người Ai Cập cũng bị tấn công chỉ vì "trông giống người nước ngoài". Trong bối cảnh như vậy, chúng tôi càng phải đối mặt với nhiều rủi ro, bất trắc và áp lực hơn khi tác nghiệp.

Ngày 3/2 (mùng 1 Tết Tân Mão), chúng tôi vào trung tâm Cairô để thực hiện phóng sự về việc đón Tết của bà con ta trong cảnh loạn lạc ở Cairô. Trên đường về, khi còn cách trụ sở phân xã vài km, xe của chúng tôi bị xe của hai thanh niên đuổi theo và ép vào lề đường. Tôi vừa kịp ra hiệu cho đồng nghiệp cất máy quay thì một thanh niên ập tới với vẻ mặt rất căng thẳng. Người này yêu cầu tôi xuất trình giấy tờ tùy thân. Nếu không xuất trình thì chắc chắn sẽ bị giữ lại và thậm chí đánh đập, nhưng nếu đưa thẻ nhà báo thì còn nguy hiểm hơn. Tôi bình tĩnh giải thích rằng giấy tờ tôi để ở nhà và đề nghị họ theo tôi về lấy. Sau một hồi thuyết phục, cũng may là họ đồng ý. Khi về đến cổng khu nhà, lực lượng bảo vệ phát hiện có chiếc xe lạ theo sát xe của chúng tôi nên đã lập tức ùa ra "giải vây".

Và những niềm vui

Tình hình Ai Cập chưa kịp lắng xuống thì quốc gia Libi láng giềng lại rơi vào cuộc nội chiến. Hơn 10.000 lao động Việt Nam phải sơ tán về nước, trong đó hơn 1.000 người quá cảnh qua cửa khẩu Salloum của Ai Cập để về nước từ sân bay quốc tế Cairô. Nhận được thông tin khoảng 17 giờ ngày 25/2, xe chở đoàn lao động Việt Nam đầu tiên từ Libi sang Ai Cập sẽ về tới sân bay, chúng tôi vội vã lên đường. Sau 5 tiếng chầu chực ở sân bay cùng với cái rét và mệt, chúng tôi nhận được tin đoàn sắp đến nơi. Nhưng khi tôi vừa xách máy quay xuống xe, nhân viên an ninh xuất hiện yêu cầu tôi không được quay phim, chụp ảnh vì "không phải thời điểm thích hợp". Tình huống quá bất ngờ, trong khi đoàn của ta sắp đến nơi. Tôi cố gắng giải thích với họ là chỉ ghi hình lao động của ta từ Libi về nước, nhưng không lay chuyển được. Rất may, lúc đó Đại sứ Phạm Sỹ Tam cũng có mặt tại sân bay đã đứng ra thuyết phục phía bạn. Vì thế, an ninh sân bay mới đồng ý cho chúng tôi tác nghiệp, song "chỉ được phép ở bên ngoài sân bay chứ không được mang máy vào trong nhà chờ". Thế là quá may mắn rồi, chúng tôi thở phào, vừa lúc đoàn xe chở lao động của ta đến nơi. Chúng tôi vội lao vào lấy thông tin, ghi hình, chụp ảnh. Nhìn ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của lao động ta sắp được trở về nhà sau hành trình đầy gian nan, chúng tôi không khỏi xúc động. Chặng đường 50 km từ sân bay về trụ sở phân xã trong giờ giới nghiêm tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng cũng không còn khiến tôi bận tâm nữa vì biết rằng sáng mai, báo chí cả nước sẽ có "món ăn tinh thần” quan trọng để phục vụ độc giả.

Tại những điểm nóng ở Trung Đông, cánh phóng viên thường trú luôn phải sẵn sàng đối phó với những tình huống bất ngờ và cả những thách thức, rủi ro khi tác nghiệp. Bên cạnh khả năng ngoại ngữ, vốn hiểu biết về khu vực, một số kỹ năng và bản lĩnh, thì hình như điều không thể thiếu là sự may mắn.

Bài và ảnh: Bùi Hoàn (P/v TTXVN tại Trung Đông)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN