Trung Đông và Bắc Phi vẫn “nóng”

Ngày 17/2, xung đột giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình tại Libi đã làm ít nhất 6 người thiệt mạng trong "Ngày nổi giận" nhằm phản đối chính quyền của Tổng thống Muamer Kadhafi, nhà lãnh đạo đã cầm quyền hơn 40 năm qua ở nước này.

Hãng tin AFP (Pháp) cho biết, lực lượng an ninh nội địa và dân quân của Libi đã can thiệp để giải tán đám đông biểu tình gần 20.000 người. Theo giới phân tích, mặc dù một số người biểu tình Libi không hài lòng về tình trạng thất nghiệp và sự bất bình đẳng trong xã hội, song các hoạt động chống đối tương tự như ở Ai Cập và Tuynidi khó có thể xảy ra tại Libi do chính phủ nước này có thể sử dụng các nguồn thu từ dầu mỏ để giải quyết hầu hết các vấn đề xã hội.

Cùng ngày, tại thủ đô Cairô và các thành phố Alexandria, Ismailiya, Aswan, Qaljubiya của Ai Cập, công nhân, nhân viên các ngành ngân hàng, vận tải, dầu khí, dệt may tiếp tục đình công bất chấp việc Hội đồng quân sự cầm quyền kêu gọi họ trở lại làm việc. Những người đình công đưa ra các yêu sách tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, đồng thời yêu cầu những người bị cáo buộc tham nhũng từ chức.

Hội đồng quân sự một lần nữa cảnh báo về những hậu quả kinh tế nghiêm trọng có thể xảy ra nếu đình công tiếp tục kéo dài và khẳng định không thể giải quyết những yêu sách của giới công nhân khi đình công chưa chấm dứt. Thủ lĩnh công đoàn Ai Cập Hussein Megawer cam kết sẽ đối thoại với công nhân và kêu gọi chấm dứt đình công.

Quân đội Baranh triển khai xe tăng ở thủ đô Manama để ngăn chặn biểu tình. Ảnh: AFP - TTXVN


Ngày 17/2, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về những diễn biến gần đây tại Ai Cập, bà Nguyễn Phương Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Việt Nam quan tâm theo dõi tình hình Ai Cập và hy vọng với các nỗ lực của chính quyền và nhân dân Ai Cập, Ai Cập sẽ ổn định và tiếp tục phát triển. Chúng tôi tin tưởng rằng quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Ai Cập sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp”.

Trong khi đó, đã có ít nhất 4 người thiệt mạng và 95 người khác bị thương tại Baranh khi lực lượng an ninh dùng hơi cay và đạn cao su giải tán những người biểu tình tại quảng trường ở trung tâm thủ đô Manama. Cảnh sát đã thu dọn lều trại của những người biểu tình tại quảng trường, đồng thời triển khai chốt kiểm soát trên các tuyến đường ở khắp thủ đô.

Tại Yêmen, đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình chống chính phủ đã xảy ra khi khoảng 3.000 người biểu tình tìm cách xông vào trụ sở hội đồng quận Al-Mansoura ở thành phố cảng Aden, khiến 2 người thiệt mạng và 7 người khác bị thương.

Tại Gioócđani, khoảng 1.500 người đã xuống đường biểu tình tại thành phố Irbid ở miền bắc, yêu cầu thực hiện các chương trình cải cách, chống tham nhũng, đòi sửa đổi hiến pháp và ban hành luật bầu cử mới. Tại thủ đô Amman, một nhóm sinh viên đã ngồi bên ngoài Tòa án Hoàng gia, kêu gọi hạn chế quyền lực của Quốc vương Abdullah II.

Tại Irắc, khoảng 2.000 người biểu tình đã tấn công các cơ quan chính quyền tỉnh Wasit ở miền nam để phản đối tình trạng thiếu các dịch vụ công cộng, tỷ lệ thất nghiệp cao và giá cả tăng. Xung đột giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh tại thành phố Kut thuộc tỉnh này đã khiến 2 người thiệt mạng và 55 người khác bị thương.

Trong một diễn biến liên quan, tàu sân bay USS Enterprise của hải quân Mỹ hiện đang trên đường tới vùng Vịnh nhằm tăng cường hiện diện quân sự của nước này tại khu vực. Hộ tống tàu sân bay này còn có tàu khu trục USS Leyte Gulf và tàu hỗ trợ chiến đấu USNS Arctic. Hải quân Mỹ tuyên bố hạm đội tàu sân bay USS Enterprise sẽ tiến hành "các chiến dịch an ninh trên biển" và hỗ trợ các chiến dịch do Mỹ dẫn đầu tại Ápganixtan và Irắc.

Quang Minh (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN