Tình hình Libi tiếp tục căng thẳng

NTC chuyển Ủy ban hành pháp tới Tripôli

Ngày 26/8, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã mở rộng hoạt động không kích đến Sirte, thị trấn quê hương của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi, cách thủ đô Tripôli 400 km về phía đông. Theo nguồn tin NATO, các máy bay của liên quân đã tấn công 29 xe vũ trang tại Sirte nhằm mở đường cho quân nổi dậy Libi tiến vào thị trấn vốn đang vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ các thành viên bộ tộc và người dân địa phương trung thành với ông Kadhafi. Hiện có nhiều đồn đoán rằng nhà lãnh đạo Kadhafi có thể đang ẩn náu tại thị trấn này.

Giao tranh giữa lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Kadhafi và quân nổi dậy vẫn diễn ra ác liệt tại Tripôli trong ngày 26/8. Ảnh: AFP/ TTXVN


Trong khi đó, kênh truyền hình Al Arabiya đưa tin giao tranh đã diễn ra giữa lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Kadhafi và quân nổi dậy tại khu vực gần sân bay ở thủ đô Tripôli. Lực lượng nổi dậy Libi đã đột kích quận Abu Salim ở Tripôli, một trong những căn cứ quan trọng của quân chính phủ Libi, sau khi NATO không kích một tòa nhà tại khu vực này hôm 25/8.

Cùng ngày, nhà lãnh đạo Kadhafi tiếp tục kêu gọi những người ủng hộ tiến về Tripôli và “quét sạch” lực lượng nổi dậy ra khỏi thủ đô. Trong một bài phát biểu ngắn được thu âm và phát trên các kênh truyền hình trung thành với mình, ông Kadhafi kêu gọi tất cả các bộ lạc ở Libi tập hợp lại và đuổi khỏi đất nước những người mà ông gọi là “gián điệp nước ngoài”. Trả lời báo chí qua điện thoại, người phát ngôn chính phủ Libi, ông Moussa Ibrahim, nói rằng nhà lãnh đạo Kadhafi “vẫn đang ở Libi”, vẫn an toàn, khỏe mạnh và đang chỉ đạo các cuộc chiến đấu chống lại lực lượng đối lập.

Trong một diễn biến khác, Hội đồng Chuyển tiếp Dân tộc (NTC) của phe đối lập tại Libi ngày 26/8 đã chuyển Ủy ban hành pháp (có chức năng như chính phủ) từ thành trì Benghazi ở miền đông tới Tripôli. Theo phát ngôn viên NTC, ông Mahmud Shamman, một nửa số thành viên Ủy ban hành pháp, trong đó có tất cả các chức vụ quan trọng trong các lĩnh vực y tế, truyền thông, nội vụ, tư pháp, thông tin và quốc phòng, đã đến Tripôli để bắt đầu quá trình chuyển tiếp thời “hậu Kadhafi”. Phó Chủ tịch Ủy ban hành pháp Ali Tarhuni kêu gọi các tay súng trung thành với ông Kadhafi hạ vũ khí, đồng thời đề nghị lực lượng cảnh sát quay trở lại làm việc và cam kết đảm bảo an toàn, không trả thù lực lượng này.

Liên minh châu Phi (AU) - tại cuộc họp đặc biệt của các nguyên thủ, bộ trưởng, thứ trưởng các quốc gia thành viên AU do Ủy ban hòa bình và an ninh AU tổ chức tại thủ đô Ađi Abêba (Êtiôpia) để bàn về vấn đề Libi - ngày 26/8 đã tuyên bố không công nhận NTC. AU kêu gọi thành lập một chính phủ chuyển tiếp bao gồm đại diện của tất cả bên ở Libi trước khi tiến hành các cuộc bầu cử. Trước thềm cuộc họp, Phó Tổng thư ký LHQ Asha - Rose Migiro đã vận động AU tiếp tục hợp tác, ủng hộ cho chính quyền tương lai tại Libi. Tuy nhiên, các nguồn tin ngoại giao phương Tây cho biết AU sẽ không công nhận NTC. Thông tin từ các cuộc thảo luận kín trong cuộc họp trên khẳng định “Ủy ban hòa bình và an ninh AU có những cam kết với các quốc gia thành viên đã ủng hộ ông Kadhafi, vì vậy AU sẽ không công nhận NTC”.

Trong bối cảnh nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của phương Tây, thủ lĩnh chính trị phe đối lập Libi, Mahmoud Jibril, cho biết chính phủ chuyển tiếp trong tương lai của Libi sẽ đề nghị được công nhận là thành viên LHQ vào tháng tới. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) sau hội nghị của Nhóm Tiếp xúc quốc tế về Libi, ông Jibril bày tỏ hy vọng NTC sẽ nhận được hỗ trợ tài chính nhằm duy trì hoạt động, đồng thời xây dựng lại lực lượng vũ trang và cảnh sát để tái thiết lập an ninh. Ông Jibril cũng kêu gọi phương Tây cần gỡ bỏ phong tỏa các tài sản của Libi để quốc gia Bắc Phi này có thể xây dựng thành công chính phủ mới.

Trước đó, tại hội nghị ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nhóm tiếp xúc về Libi đã nhất trí sẽ giải tỏa 2,5 tỉ USD tài sản của Libi bị phong tỏa và trao cho NTC vào cuối tháng này. Cùng ngày, 15 thành viên HĐBA LHQ đã nhất trí từ nay đến cuối năm 2011 sẽ giải tỏa 1,5 tỷ USD trong tổng số hơn 30 tỷ USD tài sản của Libi bị phong tỏa tại Mỹ và sử dụng số tiền này cho mục đích nhân đạo hỗ trợ người dân Libi.

Dương Hạnh

Mùi dầu trong cuộc chiến mới ở Libi
Mùi dầu trong cuộc chiến mới ở Libi

Giữa lúc tiếng súng vẫn còn nổ ở nhiều nơi trong thủ đô Tripôli, các quốc gia phương Tây - những người dùng bom đạn để tự cho mình là ân nhân của phe đối lập ở Libi- đã bắt đầu lao vào một cuộc chiến khác, không kém phần quyết liệt, đó là giành giật nguồn dầu khí của quốc gia Bắc Phi này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN