Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 30/3: Trên 8.400 ca nhiễm bệnh, Campuchia dừng xuất khẩu gạo, đóng cửa tất cả sòng bài

Trong 24 giờ qua, các nước ASEAN ghi nhận thêm gần 600 ca nhiễm COVID-19 mới. Các bệnh viện dã chiến của quân đội Thái Lan sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân, trong khi Campuchia đóng cửa các sòng bạc và hạn chế xuất khẩu gạo nhằm giữ ổn định trong nước.

Chú thích ảnh
Nhân viên Hội Chữ thập Đỏ Indonesia phun thuốc khử trùng trên đường phố Jakarta, Indonesia ngà 28/3. Ảnh: Reuters 

Tính tới rạng sáng 31/3, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 8.429 ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 590 ca mới. Số người thiệt mạng vì dịch bệnh nguy hiểm đã tăng lên 250 người, nhiều hơn 20 ca so với một ngày trước đó. Các nước trong khu vực cũng thông báo 1.131 người đã được điều trị thành công và xuất viện.

Tổng hợp số liệu dịch bệnh COVID-19 tại các nước thành viên ASEAN hết ngày 30/3

Quốc gia Tổng ca nhiễm Ca nhiễm mới Ca tử vong Ca tử vong mới Ca hồi phục
Malaysia 2626 156 37 2 479
Philippines 1540 128 78 7 29
Thái Lan 1524 136 9 2 229
Indonesia 1414 119 122 8 75
Singapore 879 35 3 0 228
Việt Nam 203 9 0 0 55
Brunei 127 1 1 0 15
Campuchia 107 4 0 0 21
Myanmar 14 4 0 0 0
Lào 8 0 0 0 0
Timor Leste 1 0 0 0 0

Thái Lan: Quân đội sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19

Ngày 30/3, các cơ sở y tế và bệnh viện dã chiến của quân đội Thái Lan được lệnh chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong bối cảnh số lượng ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh này tiếp tục tăng. Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Prayut Chan-o-cha đã ra lệnh cho các lượng lượng vũ trang Thái Lan mở cửa các bệnh viện do quân đội quản lý nhằm giúp ngăn chặn tình trạng thiếu giường cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Như vậy, tất cả các bệnh viện do quân đội điều hành sẽ tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nếu các cơ sở y tế công lập hết giường.

Hiện tại, quân đội Thái Lan cũng đang hỗ trợ giới chức y tế công cộng tiến hành kiểm tra y tế đối với người Thái hồi hương tại các sân bay, cảng biển và các chốt kiểm soát biên giới trên toàn quốc. Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, các binh sĩ đã được lệnh tham gia chiến dịch khử trùng nhằm giảm bớt nguy cơ tiếp xúc với virus gây bệnh tại những khu vực công cộng trên cả nước. Các quân nhân Thái Lan cũng đang sản xuất khẩu trang vải dùng nhiều lần để phân phát cho các cộng đồng thiếu khẩu trang. 

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt của người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 26/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong ngày 30/3, Thái Lan ghi nhận thêm 136 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 2 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca  nhiễm bệnh và tử vong lên lần lượt là 1.524 và 9 ca. Trong 1.524 ca mắc COVID-19 nói trên có 1.297 là người Thái Lan và 227 trường hợp người nước ngoài. Thủ đô Bangkok là nơi có số lượng bệnh nhân COVID-19 lớn nhất cả nước với 715 người. Thống kê cho thấy độ tuổi trung bình của tất cả các bệnh nhân là 40.

Cùng ngày, chính quyền tỉnh Phuket - hòn đảo du lịch nổi tiếng của Thái Lan trên biển Andaman - đã ra lệnh cấm người dân và phương tiện ra vào nhằm đối phó với sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Malaysia: Cứng rắn hơn trong giai đoạn 2 

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngày 30/3 khẳng định nước này sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn trong giai đoạn hai thực hiện lệnh hạn chế đi lại (MCO) từ ngày 1-14/4 nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan Bộ trưởng Yaakob cho biết Hội đồng An ninh quốc gia đã quyết định từ ngày 1/4, tất cả các siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm và cây xăng sẽ chỉ được hoạt động từ 8-20h hằng ngày, trong khi các phương tiện giao thông công cộng vẫn tiếp tục duy trì khung giờ hoạt động như trong giai đoạn 1, từ 6-10h và 17-22h. Cảnh sát và quân đội nước này sẽ tăng cường các chốt kiểm soát giao thông và hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo người dân thực hiện nghiêm chỉnh MCO. 

Cùng ngày, Hội đồng An ninh quốc gia Malaysia đã quyết định áp dụng mức trần giá bán khẩu trang ở mức 1,5 ringgit/chiếc (tương đương 8.200 đồng/chiếc). Trước đó, do nhu cầu tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng, giá khẩu trang tại Malaysia đã được đẩy lên mức 2 ringgit/chiếc (11.000 đ/chiếc), gấp 150% so với giá bán trước thời điểm dịch bệnh xảy ra là 80 cent (4.300 đ)/chiếc. 

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng đường phố ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 30/3. Ảnh: AFP

Theo worldometers.info, đến cuối ngày 30/3, Malaysia đã ghi nhận 2.626 ca nhiễm bệnh, tăng 156 ca so với một ngày trước, trong đó có 37 trường hợp đã tử vong, tăng 2 ca.

Campuchia đóng cửa các sòng bạc và hạn chế xuất khẩu gạo

Ngày 30/3, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã yêu cầu đóng cửa tất cả các sòng bạc tại quốc gia này để ngăn chặn lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo chỉ thị của Thủ tướng Hun Sen, tất cả các sòng bạc trên cả nước phải đóng cửa từ 23h59 đêm 1/4. Ông nêu rõ đây là biện pháp tạm thời, các sòng bạc có thể hoạt động trở lại khi tình hình ổn định. 

Campuchia cũng quyết định cấm các hoạt động xuất khẩu gạo trắng hoặc thóc từ ngày 5/4 để đảm bảo dự trữ gạo cho nhu cầu trong nước trong đợt đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gạo thơm của quốc gia này vẫn được duy trì do giá thành cao khiến nhu cầu trong nước thấp. Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia đã kêu gọi người dân không nên hoảng loạn, đồng thời khẳng định nước này có đủ nguồn cung lương thực-thực phẩm chủ yếu như gạo, thịt, rau và cá để đáp ứng nhu cầu trong nước. 

Chú thích ảnh
Một đại lý gạo ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Thủ tướng Hun Sen cho biết đã chỉ thị cho giới chức các cấp thu giữ mọi thiết bị xét nghiệm và thuốc chữa COVID-19 chưa được cấp phép, bày bán trôi nổi trên thị trường và bắt giữ, truy tố người có hành vi buôn bán những sản phẩm này. Chính phủ Campuchia kêu gọi người dân, mới trở về từ nước ngoài, đặc biệt là từ Thái Lan, tự cách ly tại nhà trong 14 ngày và liên hệ với cơ quan y tế nếu có triệu chứng nghi mắc COVID-19. 

 Thủ tướng Campuchia cũng kêu gọi các ngân hàng hoãn đòi nợ của những người vay đang chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch bệnh. Ông cho biết chính phủ chuẩn bị điều phối khoản tín dụng từ 500 hoặc 600 triệu USD cho các ngân hàng và các thể chế tài chính nhỏ với lãi suất thấp để những đơn vị này có thể cung cấp các khoản cho vay lãi suất thấp hơn cho người dân và doanh nghiệp.

 Tới hết ngày 30/3, Campuchia ghi nhận tổng cộng 107 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19, trong đó 23 ca đã điều trị thành công.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 25/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm đối mặt với suy thoái sâu

Ngày 30/3, Ngân hàng Trung ương Singapore đã nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh nước này có nguy cơ đối mặt với một đợt suy thoái sâu do đại dịch COVID-19. Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore cho biết đã tiến hành hạ tỷ giá tham chiếu, qua đó cho phép đồng nội tệ đô-la Singapore (SGD) yếu hơn so với các đồng ngoại tệ của các đối tác thương mại chính nhằm hỗ trợ tăng trưởng theo hướng xuất khẩu. Ngân hàng này nhận định bất ổn lớn vẫn còn tồn tại và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh cũng như mức độ hiệu quả của các biện pháp chính sách.

Singapore là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới song thường chịu tác động nặng nề nhất và sớm nhất khi xảy ra bất kỳ "cú sốc" toàn cầu nào. Trong 3 tháng đầu năm, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore đã giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm thấp nhấp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Bộ Thương mại Singapore dự báo tăng trưởng GDP của nước này sẽ giảm tới 4% trong năm nay.

Indonesia chuẩn bị bước vào giai đoạn mới chống dịch

Tại Indonesia, ngày 30/3/2020, Tổng thống Joko Widodo thông báo chính phủ sẽ công bố các biện pháp hạn chế đi lại giữa các địa phương trong nước và áp dụng chính sách giãn cách xã hội nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Theo người phát ngôn của Tổng thống Widodo, việc Indonesia áp dụng các quy định về dãn cách xã hội đánh dấu "giai đoạn mới của cuộc chiến chống COVID-19". 

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 27/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu trong cuộc họp nội các ngày 30/3, Tổng thống Widodo cho rằng hàng ngàn người lao động ở Jakarta và vùng lân cận đã trở về quê sau khi mất thu nhập vì đình trệ kinh doanh trong mùa dịch. Đây là một mối đe dọa lớn về nguy cơ lây nhiễm từ Jakarta, tâm dịch của Indonesia, về các vùng nông thôn. Ông Widodo cũng cho biết chính phủ đang chuẩn bị áp đặt lệnh cách ly với Thủ đô Jakarta. 

Cũng trong ngày 30/3, các nước Brunei, Campuchia, Myanmar ghi nhận số ca nhiễm mới thấp, lần lượt 1, 4, 4 ca. Hai nước còn lại là Lào và Timor Lester không có ca nhiễm mới nào.

Ngày 30/3, Việt Nam ghi nhận thêm 9 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 203 trường hợp. Trong các ca mới có 7 người là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh,, 1 bệnh nhân tới khám tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai và 1 bệnh nhân từ nước ngoài về được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Tây Ban Nha đề xuất tăng ngân sách EU để đối phó khủng hoảng COVID-19
Tây Ban Nha đề xuất tăng ngân sách EU để đối phó khủng hoảng COVID-19

Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez ngày 31/3 đã đề xuất tăng ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) để đối phó cuộc khủng hoảng do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN