Tình hình Ai Cập tiếp tục căng thẳng

Tính đến ngày 30/1, các cuộc biểu tình ở Ai Cập đòi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức đã bước sang ngày thứ sáu, và vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, trong khi số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình đã vượt quá con số 100.

Gia tăng sức ép

Ngay từ sáng sớm 30/1, rất nhiều người biểu tình đã tập trung về quảng trường ở trung tâm thủ đô Cairô, bất chấp lệnh cấm biểu tình và lệnh giới nghiêm.

Cảnh sát tiếp tục đụng độ với những người biểu tình tại Cairô ngày 30/1. Ảnh: AFP – TTXVN


Tình hình an ninh ở Ai Cập càng trở nên nghiêm trọng khi hàng ngàn tù nhân trên khắp cả nước đã trốn khỏi nhà tù đêm 29/1, sau khi giết hại lính canh. Rất nhiều cửa hàng đã phải vội vã đóng cửa, trong khi người dân đang nơm nớp lo sợ về tình hình an ninh bất ổn.

Cũng trong đêm 29/1, trụ sở của đảng Dân chủ quốc gia (NDP) cầm quyền và Câu lạc bộ báo chí quốc gia (NPC) ở trung tâm Cairô đã bị phóng hỏa. Đây là lần thứ hai trong 4 ngày qua, trụ sở của NDP bị người biểu tình phóng hỏa. Rất may Bảo tàng Quốc gia Ai Cập ở bên cạnh tòa nhà NPC không bị ảnh hưởng.

Trước tình hình trên, quân đội Ai Cập đã kéo dài lệnh giới nghiêm tại thủ đô Cairô, các thành phố Alexandria và Suez từ 16 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau. Theo nguồn tin từ Bộ Y tế, các lực lượng an ninh và các bệnh viện, ít nhất 102 người đã thiệt mạng và khoảng 1.100 người bị thương kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra. Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập kêu gọi toàn thể công dân nước này bình tĩnh và bảo vệ tài sản công, phản đối những người âm mưu gây bất ổn.

Chính phủ Ai Cập đã huy động cả xe tăng để ngăn chặn làn sóng biểu tình của dân chúng. Ảnh: AFP – TTXVN


Trong một thông cáo phát trên truyền hình quốc gia, Bộ Quốc phòng cam kết bảo vệ sự an toàn của người dân, quân đội sẽ tăng cường lực lượng để bảo vệ an ninh trên cả nước.

Trong một động thái nhằm cứu vãn tình hình, Tổng thống Hosni Mubarak đã bổ nhiệm Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ahmed Shafiq làm Thủ tướng với nhiệm vụ thành lập nội các mới, đồng thời bổ nhiệm ông Omar Suleiman, người đứng đầu ngành tình báo của Ai Cập, giữ chức Phó Tổng thống.

Cả hai nhân vật này đều có tiếng nói trong quân đội. Ngay sau đó, Tổng thống Mubarak đã đi thăm trụ sở chỉ huy quân sự và tiếp xúc với các tư lệnh hàng đầu trong bối cảnh những người biểu tình vẫn tiếp tục yêu cầu ông phải từ chức. Ngoài ra, chính quyền Ai Cập ngày 30/1 cũng đã ra lệnh cấm hoàn toàn hoạt động của kênh truyền hình Al Jazeera - kênh truyền hình vệ tinh của Cata nổi tiếng nhất trong thế giới Arập, trên lãnh thổ nước này.

Toàn bộ phóng viên, nhà báo của kênh truyền hình này đều bị tịch thu thẻ nhà báo; lý do: Al Jazeera đã dành thời lượng phát sóng cho các thủ lĩnh phe đối lập và những người tham gia biểu tình chống chính phủ cũng như phát tin "nóng" về các vụ đụng độ, cướp bóc và thương vong trong những ngày bất ổn vừa qua tại Ai Cập. Trong khi đó, cựu Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei cho rằng việc bổ nhiệm phó tổng thống và thủ tướng mới không đủ để chấm dứt các cuộc biểu tình chống chính phủ hiện nay.

Cộng đồng quốc tế lo ngại


Trong khi đó, một loạt nước như Mỹ, Ôxtrâylia, Philíppin, Hàn Quốc, Nhật Bản..., đã khuyến cáo các công dân của mình rời khỏi và không nên đến Ai Cập. Đại sứ quán Mỹ tại Cairô ngày 30/1 đã thông báo, sẽ cung cấp phương tiện vận chuyển cho các công dân của mình ở Ai Cập để sang một nước châu Âu.

Philíppin đang thu xếp chỗ nương náu tạm thời đề phòng trường hợp hàng nghìn người lao động nước này tại Ai Cập cần sơ tán. Hãng hàng không Korean Air của Hàn Quốc đã ngừng các chuyến bay tới Ai Cập, trong khi Bộ Ngoại giao nước này cũng tạm đóng cửa một trường học của Hàn Quốc tại Ai Cập và thông báo Đại sứ quán Hàn Quốc tại Ai Cập đang lên kế hoạch sơ tán công dân Hàn Quốc trong trường hợp cần thiết. Trước các diễn biến tại Ai Cập, Quốc vương Arập Xêút Abdullah đã gọi điện thoại bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Mubarak, đồng thời chỉ trích "những thế lực can thiệp vào tình hình an ninh và ổn định của Ai Cập".

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ai Cập, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi ban lãnh đạo Ai Cập cũng như toàn thể xã hội "thể hiện tinh thần trách nhiệm dân tộc cao và làm mọi việc cần thiết để bình ổn tình hình cũng như đảm bảo hòa bình trong nước". Liên minh châu Phi (AU) bày tỏ quan ngại trước tình trạng bất ổn chính trị ở Ai Cập và cân nhắc khả năng hành động khi cần thiết. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gặp nhóm an ninh quốc gia, trong đó có Phó Tổng thống Joe Biden, Cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon cùng các quan chức cấp cao phụ trách đối ngoại và an ninh, để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ai Cập.


Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama đã nhắc lại lời kêu gọi người biểu tình tại Ai Cập tránh bạo lực đồng thời đề nghị chính quyền Cairô thực hiện đường lối cải cách và thể hiện sự kiềm chế đối với những người biểu tình. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 30/1 kêu gọi kiềm chế trước tình hình biểu tình chính trị gây thương vong tại Ai Cập.

Hiệu ứng đôminô tiếp tục lan rộng

Cùng với tình hình căng thẳng ở Ai Cập đang ngày càng gia tăng, các biểu tình và xung đột cũng xảy ra tại Gabông, Gioócdani và Nigiêria. Ngày 30/1 (giờ Việt Nam), cảnh sát chống bạo động ở Gabông đã bắn đạn hơi cay để giải tán một cuộc biểu tình gồm khoảng 5.000 người ủng hộ phe đối lập.

Các nhân chứng cho biết 20 người đã bị thương trong các vụ đụng độ. Đây là cuộc biểu tình thứ hai kiểu này, kể từ khi thủ lĩnh đối lập Andre Mba Obame tự xưng là Tổng thống hôm 25/1 và hối thúc người dân Gabông theo bước cuộc nổi dậy ở Tuynidi. Trong diễn biến khác cùng ngày, các nhà hoạt động Gioócđani đã tụ tập bên ngoài văn phòng chính phủ trong khi tìm cách đẩy mạnh chiến dịch của họ nhằm buộc Thủ tướng Samir Rifai từ chức.

Trong khi đó, tại Nigiêria, hai nhà thờ Cơ đốc giáo và một số thánh đường Hồi giáo, hai trạm xăng, một khu chợ và nhiều ngôi nhà đã bị đốt cháy ngày 29/1 trong các vụ đụng độ giữa cảnh sát và các sinh viên đại học biểu tình tại thành phố Jos, miền trung nước này. Nguồn tin y tế địa phương cho biết ít nhất 4 người thiệt mạng và khoảng 24 người khác bị thương. Theo chính quyền địa phương, xung đột bùng phát ngày 28/1 khi ba sinh viên trường Đại học Jos bị những người Hồi giáo đi xe máy bên ngoài ký túc xá dùng dao đâm bị thương.

Đây là vụ bạo lực mới nhất tiếp theo các vụ đánh bom vào ngày lễ Giáng sinh vừa qua khiến hàng chục người thiệt mạng.

Nam
Hải (tổng hợp)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN