Thư viện và nhà xuất bản cho người khiếm thị ở Séc

Tại thủ đô Prague của CH Séc có một thư viện và một nhà xuất bản đặc biệt, với tuổi thọ gần 1 thế kỷ, dành cho người khiếm thị. “Cha đẻ” của hai cơ sở văn hóa này là nhạc sĩ kiêm nhà sư phạm Karel Emanuel Matsan.

Được xây dựng vào cùng năm ra đời nhà nước Tiệp Khắc, cho đến nay, thư viện này đã có 6.000 cuốn sách và tuyển tập nhạc cũng như hơn 8.000 “sách nói”, với các thể loại bao gồm cả văn học cũng như chuyên ngành.

Sự ra đời của các thư viện và nhà xuất bản đặc thù cung cấp dịch vụ cho người khiếm thị liên quan chặt chẽ tới sự tồn tại của thiết chế đặc biệt dành cho người khiếm thị tại Séc.

Thư viện mang tên Karel Emanuel Matsan ở Prague.


Vào cuối những năm 70 của thế kỷ 19, việc sử dụng bảng chữ nổi Braille đã bắt đầu được phổ biến trên lãnh thổ Séc. Tuy nhiên, việc áp dụng phát minh này đôi khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của một số giáo viên bảo thủ dạy chữ cho người khiếm thị. Khi đó, có thể nói một trong những “cú hích” trực tiếp giúp cho bảng chữ nổi Braille được sử dụng rộng rãi tại Séc chính là sự xuất hiện các thư viện và nhà in chuyên biệt, ban đầu hoạt động không công khai.

Tuy nhiên, do nhu cầu khao khát tiếp cận thông tin và tri thức của người khiếm thị ngày càng cao, hội Báo chí cho người khiếm thị Séc đã chính thức lập ra một thư viện của hội vào tháng 6/1918. Người có công lớn trong việc này là nhà sư phạm khiếm thị Karel Emanuel Matsan, một nhạc sĩ và là nhà hoạt động tích cực cho sự nghiệp giáo dục.

Ông Karel Emanuel Matsan.


Ngoài ra, “cha đẻ” của thư viện và nhà xuất bản chuyên biệt dành cho người khiếm thị Karel Matsan cũng góp phần không nhỏ vào việc cải cách bảng chữ nổi Braille, trước hết là trong việc sử dụng bảng chữ này để ghi nốt nhạc. Ông cũng thành lập một tạp chí cho người khiếm thị mà cho đến nay vẫn tiếp tục được ấn hành.

Ông Bogdan Roule, Giám đốc Thư viện và nhà xuất bản cho người khiếm thị mang tên Karel Emanuel Matsan ở Prague, cho biết Matsan còn là người lập ra ủy ban trù bị thành lập hội Báo chí dành cho người khiếm thị Séc năm 1915. Matsan đồng thời là biên tập viên đầu tiên của tạp chí dành cho người khiếm thị “ZORA” năm 1917. Ông cũng là người ra mắt cuốn sách đầu tiên dành cho người khiếm thị tại Séc mang tên “Ngôi sao mai” (Jitřenka) vào năm 1916.

Thư viện chuyên biệt dành cho người khiếm thị tại Prague không chỉ chú trọng mở rộng quỹ các ấn phẩm và sách nhạc, mà còn nỗ lực làm phong phú thêm cả vốn “sách nói”, được hình thành từ thế kỷ trước.

Kho sách Thư viện Karel Emanuel Matsan.


Giám đốc Thư viện Bogdan Roule cho biết: “Những cuốn “sách nói” ở đây rất được ưa chuộng. Chúng được thu âm từ năm 1960, ban đầu được ghi vào băng cối, sau đó là băng casset và trong vài năm gần đây được ghi dưới định dạng mp3.

“Sách nói” được ghi âm trong hai studio, mỗi năm có khoảng 100 – 120 đầu sách được “ra lò”. Mỗi ngày chúng tôi dành ra gần 3 tiếng đồng hồ chỉ để thu âm. Các diễn viên và phát thanh viên chuyên nghiệp rất nhiệt tình đến để thu âm “sách nói” cho thư viện của chúng tôi”.

Theo ông Roule, thư viện phục vụ hoàn toàn miễn phí cho những người khiếm thị và thị lực yếu. Luật về tác quyền dành cho thư viện và nhà xuất bản cho người khiếm thị một ngoại lệ khi ấn hành những cuốn sách kinh điển in bằng chữ nổi Braille và ghi âm “sách nói”. Hơn thế nữa, nhà xuất bản cũng không phải trả tiền tác quyền cho việc sử dụng các tác phẩm này.

Thư viện và nhà xuất bản dành cho người khiếm thị thường xuyên nhận được sự hỗ trợ từ các nhà xuất bản và xưởng thu âm khác trong việc bổ sung nguồn sách, trong đó có các tên tuổi lớn trong ngành truyền thanh và xuất bản như Tympanum, Suprafon, Radioservis. Thư viện và nhà xuất bản dành cho người khiếm thị mang tên Karel Emanuel Matsan hiện nằm dưới quyền quản lý của Bộ Văn hóa CH Séc.


Ngọc Mai








Nga chế tạo thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị
Nga chế tạo thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị

Các nhà khoa học thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Astrakhan (Nga) đã phát minh ra thiết bị định vị độc đáo dành cho những người mù và khiếm thị. Với sự hỗ trợ của thiết bị này, những người có vấn đề hạn chế về thị lực có thể dễ dàng nhận biết các vật thể trong cuộc sống thường nhật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN