Thị trường thế giới lao đao vì nợ công

Ngày 3/8, các thị trường tài chính và hàng hóa thế giới đã có một phiên biến động mạnh, do nguy cơ khủng hoảng nợ công lan rộng ở châu Âu và nỗi ám ảnh về kinh tế Mỹ, cho dù nước Mỹ đã đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công, thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Sắc đỏ tràn ngập trên các thị trường chứng khoán thế giới trong phiên 3/8. Ảnh: AFP/ TTXVN


Mối lo về tình hình kinh tế của các “đầu tàu” Mỹ và châu Âu đã khiến các thị trường chứng khoán thế giới phiên 3/8 chìm trong sắc đỏ. Lúc 23 giờ 30 (giờ VN), tại thị trường Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm 1,06%; Nasdaq giảm 0,58% và S&P 500 giảm 0,93%. Tại thị trường châu Âu, lúc 23 giờ 10 (giờ VN), chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 2,34%; chỉ số DAX của Đức mất 2,3%; chỉ số CAC 40 của Pháp mất 1,93%. Trước đó, tại thị trường châu Á, kết thúc phiên giao dịch ngày 3/8, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,6%; chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,1%; chỉ số ASX200 của Ôxtrâylia giảm 2,3%,; chỉ số Hang Seng của Hồng Công (Trung Quốc) giảm 1,9% và chỉ số Straits Times của Xinhgapo mất 1,5%.

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tiếp tục lập mức đỉnh mới, do xu hướng tìm đến vàng để bảo toàn tài sản trong bối cảnh triển vọng kinh tế không sáng sủa. Tại thị trường Xinhgapo, giá vàng giao ngay đã lập mức cao kỷ lục của mọi thời đại 1.671,39 USD/ounce (41,46 triệu đồng/lượng). Kết thúc phiên 3/8, giá vàng tại Hồng Công dừng ở mức 1.668,72 USD/ounce (41,39 triệu đồng/lượng) sau khi tăng vọt tới hơn 42 USD/ounce so với phiên trước. Lúc 23 giờ 30 (giờ Việt Nam) tại New York (Mỹ), giá vàng tăng hơn 25 USD/ounce, lên 1.671 USD/ounce (41,43 triệu đồng/lượng).

Chuyên gia phân tích Robin Bhar thuộc Credit Agricole dự báo, giá vàng trong vòng 2-3 tháng tới sẽ đứng ở mức 1.650 USD/ounce.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã giảm mạnh. Lúc 23 giờ 35 (giờ VN), tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9 giảm 1,98 USD, xuống còn 91,81 USD/thùng; dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm 3,02 USD, xuống còn 113,44 USD/thùng. Cùng lúc, tại thị trường giao dịch điện tử Xinhgapo, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,31 USD, xuống còn 110,5 USD/thùng.

Theo các nhà phân tích, nguyên nhân chính dẫn đến biến động của các thị trường là nguy cơ lan rộng của cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu. Chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu chính phủ Italia và Tây Ban Nha với chính phủ Đức bất ngờ tăng lên mức kỷ lục đang làm dấy lên quan ngại rằng hai nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư trong Eurozone phải đối mặt với nguy cơ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Giá vàng trong nước lập kỷ lục mới

Phiên giao dịch hôm qua (3/8), giá vàng trong nước đã liên tục được điều chỉnh tăng nhiều lần theo biến động của giá thế giới. Vào lúc 18 giờ, sau khoảng 30 lần điều chỉnh giá, giá vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín – Minh Châu mua vào - bán ra ở mức 41,08 - 41,22 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 41,10 - 41,20 triệu đồng/lượng. Tuy hạ nhiệt đôi chút so với mức giá đỉnh 41,35 triệu đồng/lượng (thiết lập vào đầu giờ chiều qua), nhưng giá vàng lúc chốt phiên đã tăng tới hơn 1 triệu đồng/lượng so với cùng thời điểm phiên trước. Theo giới phân tích, giá vàng trong nước tăng trong thời gian qua chủ yếu do chịu tác động của giá thế giới. Các yếu tố trong nước như tỷ giá USD/VND, tương quan cung - cầu, tâm lý người dân… không phải là nguyên nhân chính đẩy giá vàng trong nước tăng.

Thu Hường

Tại Tây Ban Nha phiên 2/8, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng lên tới 6,45%, đưa chênh lệch với trái phiếu cùng loại của Đức, vốn được coi là an toàn nhất trong Eurozone, lên 404 điểm cơ bản, mức cao nhất kể từ khi đồng euro được lưu hành đầu năm 1999 và gần bằng lãi suất trái phiếu của Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha vào thời điểm các nước này phải cầu viện cứu trợ quốc tế. Cùng ngày, lãi suất trái phiếu 10 năm của chính phủ Italia cũng lên tới 6,18%, cao hơn mức được ghi nhận vào ngày 21/7, khi Liên minh châu Âu (EU) thông báo về kế hoạch ngăn chặn khủng hoảng nợ. Trên thị trường tài chính, các nhà đầu tư đang bán rẻ trái phiếu của Tây Ban Nha và Italia do lo ngại các khó khăn về nợ công của 2 nước này sẽ trầm trọng thêm vì kinh tế tăng trưởng chậm.


Trong khi đó, tại Mỹ, vấn đề tăng trần nợ công đã được giải quyết, nhưng các chỉ số không mấy sáng sủa của lĩnh vực dịch vụ, số đơn đặt hàng mới và mối lo Mỹ bị đánh tụt hạng tín dụng vẫn khiến các thị trường lo lắng.

Theo Viện Quản lý nguồn cung Mỹ, chỉ số phản ánh tốc độ tăng trưởng trong ngành dịch vụ của Mỹ đã giảm xuống 52,7 điểm trong tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2010. Trong khi số đơn đặt hàng mới của các nhà máy cũng giảm 0,8% vào tháng 6.

Mặc dù cả hai cơ quan xếp hạng tín dụng của Mỹ là Moody's và Fitch khẳng định không đánh tụt mức xếp hạng tín dụng AAA- của Mỹ sau khi Tổng thống Obama ký thành luật việc nâng trần nợ công, nhưng hãng Moody's vẫn cảnh báo rằng bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ bị chậm lại đều có nguy cơ đe dọa tới mức xếp hạng tín dụng. Hãng Fitch thì cho rằng, thỏa thuận nâng trần nợ "chưa phải là giải pháp giúp giảm thâm hụt ngân sách để đảm bảo mức xếp hạng AAA của nước Mỹ trong trung hạn".

Quang Tuyến
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN