Thêm một vaccine được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Philippines

Ngày 28/1, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Philippines đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine phòng COVID-19 của hãng dược AstraZeneca.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo, Giám đốc FDA Philippines Rolando Enrique khẳng định dựa trên những bằng chứng được ghi nhận cho tới nay, cơ quan này tin tưởng vaccine AstraZeneca có hiệu quả ngăn ngừa COVID-19, với những lợi ích đã được kiểm định và tiềm năng lớn hơn nhiều so với những nguy cơ tiềm ẩn. Đây là loại vaccine thứ hai được cấp phép tại quốc gia Đông Nam Á này. Trước đó, ngày 14/1, FDA Philippines đã cấp phép cho vaccine của Pfizer/BioNTech.

Hiện Phillipines đang trong quá trình đàm phán với ít nhất 7 nhà sản xuất vaccine để đặt mua khoảng 148 triệu liều vaccine COVID-19 trong năm 2021. Manila đặt mục tiêu sẽ tiêm cho 50 triệu đến 70 triệu người dân, tương đương hơn 60% dân số, trong năm 2021 để đạt miễn dịch cộng đồng. Tới nay, Philippines ghi nhận 518.407 ca mắc bệnh, trong đó có 10.481 ca tử vong.

Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Lào, tại thủ đô Viêng Chăn, giới chức y tế đã tiến hành tiêm vaccine COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên là cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu ở các cửa khẩu biên giới, trung tâm cách ly tập trung. Bộ trưởng Y tế Lào Bounkong Syhavong cho biết đợt tiêm chủng lần này sử dụng 2.000 liều vaccine của hãng dược Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất. Trước đó, tại Lào đã có 298 người được tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó có 173 người được tiêm nhắc lại mũi thứ hai, tất cả đều không ghi nhận tác dụng phụ. Như vậy, đã có tổng số 423 liều được sử dụng.

Theo Bộ Y tế Lào, dự kiến trong năm 2021, Lào sẽ tiêm vaccine COVID-19 cho 1,5 triệu dân, tương đương 22% dân số. Bộ trên cũng dự kiến đến năm 2023, khoảng 70% dân số Lào sẽ được chủng ngừa COVID-19. Lào cũng vừa nhận lô vaccine COVID-19 Sputnik V đầu tiên trong tổng số 2 triệu liều đã thỏa thuận với Nga vào tuần trước.

Nước này cũng sẽ tiếp nhận số vaccine tài trợ từ sáng kiến COVAX từ tháng 4 tới, với tổng số khoảng 1,4 triệu liều. Theo Bộ Y tế, những nhóm có nguy cơ sẽ được tiêm phòng trước, bao gồm nhân viên y tế, người cao tuổi, những người mắc bệnh mãn tính và người lao động nhập cư.

Phạm Kiên – Thu Phương (TTXVN)
Châu Âu tính kế gì khi bị các hãng vaccine 'lỡ hẹn'
Châu Âu tính kế gì khi bị các hãng vaccine 'lỡ hẹn'

Các trung tâm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại châu Âu đã sẵn sàng nhưng “nhân vật chính” chưa xuất hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN