Thế giới trước thách thức 7 tỷ người

Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) ước tính vào tháng 10/2011, dân số thế giới sẽ đạt 7 tỷ người, đánh một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho Hành tinh Xanh.

Sự gia tăng chóng mặt

Theo UNFPA, dân số thế giới đã tăng từ 5 tỷ người năm 1987 lên 6 tỷ người năm 1998 và sẽ đạt 7 tỷ vào tháng 10/2011. Dự đoán con số này sẽ vượt qua ngưỡng 9 tỷ trước năm 2050 và đến cuối thế kỷ 21 sẽ đạt kỷ lục 10 tỷ người. Theo các chuyên gia, nếu không giảm được tỷ lệ sinh, dân số thế giới có thể tăng gần gấp đôi so với dự kiến, đạt mức kinh hoàng 15,8 tỷ người vào năm 2100. Nhưng nếu làm tốt công tác này, dân số toàn cầu sẽ được giữ ở mức 8,1 tỷ vào năm 2050, sau đó giảm dần và đến cuối thế kỷ này sẽ còn 6,2 tỷ người.

Ngày Dân số Thế giới 11/7 hàng năm là dịp để mỗi quốc gia và cả nhân loại nhìn lại những nỗ lực trong việc kiểm soát sự phát triển dân số, từ đó đề ra các chính sách, giải pháp hữu hiệu. Lấy chủ đề “Thế giới 7 tỷ người” cho ngày Dân số Thế giới năm nay, UNFPA muốn hướng sự chú ý tới những thách thức trong việc đảm bảo nguồn lương thực, cung ứng dịch vụ và các mục tiêu an sinh xã hội khi dân số toàn cầu vượt ngưỡng 7 tỷ người. UNFPA kêu gọi tập trung vào các biện pháp nhằm giảm tốc độ tăng trưởng dân số như giảm đói nghèo và xóa bỏ bất bình đẳng giới..., đồng thời kêu gọi các gia đình nên có kế hoạch trước khi sinh con, để đảm bảo quy mô gia đình nhỏ và khỏe mạnh hơn, góp phần xây dựng một hành tinh khỏe mạnh.

7 tỷ người - 3 thách thức

Đội ngũ dân số đông với lực lượng lao động trẻ là một tiềm năng phát triển kinh tế, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức to lớn liên quan đến vấn đề đô thị hóa, lương thực và môi trường.

Dân số thế giới tăng nhanh đang đặt ra nhiều thách thức lớn.
Ảnh: Internet

Dân số tăng mạnh đi đôi với việc hình thành nhiều đô thị khổng lồ, kéo theo nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khó giải quyết. Nếu năm 1990, toàn thế giới có 13% dân số sống ở đô thị, thì hiện nay con số này là 50% và đến giữa thế kỷ 21, sẽ bằng tổng dân số thế giới năm 2004. Làn sóng di dân và đô thị hóa diễn ra với tốc độ quá mạnh và trong một thời gian quá ngắn sẽ để lại những hậu quả lâu dài, tạo ra sức ép lớn đối với tất cả các quốc gia khi phải tạo thêm chỗ ở, công việc - thu nhập, trường lớp, bệnh viện, nơi vui chơi giải trí... Đó là chưa kể tới vấn đề giao thông đô thị luôn quá tải.

Nhân khẩu tăng đòi hỏi nguồn lương thực, thực phẩm cũng phải tăng, khiến việc cung cấp đủ lương thực cho 7 tỷ người sẽ là vấn đề nan giải, đặc biệt trong bối cảnh nguồn tài nguyên có hạn. Các chuyên gia nghiên cứu cho biết, hiện nay nguồn nước, diện tích đất canh tác và tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt. Vấn đề biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. UNFPA ước tính trên thế giới có khoảng 1 tỷ người bị thiếu lương thực, nghĩa là cứ 7 người thì có 1 người bị đói.

Bên cạnh đó là thách thức về ô nhiễm môi trường. Để đáp ứng lương thực và nhiều nhu cầu khác cho số dân ngày càng tăng, nhiều diện tích rừng đã bị phá hủy trong khi diện tích đất bạc màu gia tăng do bị khai thác quá mức. Theo số liệu của Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), hơn 20% diện tích đất canh tác, 30% diện tích rừng và 10% diện tích đồng cỏ đang bị xuống cấp, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của 1/4 dân số toàn cầu. Trong khi đó, dầu mỏ - nguồn nhiên liệu quan trọng của nhân loại - đang cạn kiệt và giá dầu tăng phi mã do thiếu nguồn cung đang đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh nghèo đói. Thách thức đặt ra trong thế kỷ này là phải đáp ứng nhu cầu của gần 7 tỷ người trong khi đảm bảo sự cân bằng phức tạp của tự nhiên để duy trì sự sống.

Các thách thức dân số với Việt Nam

Việt Nam là nước đông dân thứ 13 trên thế giới. Với khoảng 53/87 triệu người trong độ tuổi lao động, nước ta đang bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng". Đây là cơ hội phát triển của một quốc gia, và hiện tượng này chỉ xuất hiện một lần trong quá trình phát triển dân số.

Tuy nhiên, chất lượng dân số thấp đang là yếu tố cản trở sự phát triển và đặt Việt Nam trước nguy cơ tụt hậu. Chỉ số phát triển con người của nước ta tuy từng bước cải thiện nhưng vẫn kém so với nhiều nước trong khu vực và thua xa các nước công nghiệp. Theo UNFPA, Việt Nam hiện xếp thứ 108/177 nước về chỉ số phát triển con người và các chỉ tiêu về chất lượng dân số; tuổi thọ bình quân xếp thứ 116/174. Một số chỉ tiêu phản ánh về sức khỏe bà mẹ, trẻ em cũng ở mức thấp.

Đáng quan tâm hơn, Tổng cục Thống kê cảnh báo sau năm 2017, dân số nước ta sẽ bước vào thời kỳ già hóa. Tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy số người cao tuổi đang tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm dân số nào khác, nên chỉ số già hóa cũng gia tăng nhanh chóng, trong khi tỷ số hỗ trợ tiềm năng giảm đáng kể. Quá trình già hóa dân số thực sự bắt đầu từ năm 2010, khi tỷ lệ người trên 60 tuổi tiệm cận mức 10%. Đây là điều đáng lưu tâm bởi ở đa số các nước, cơ cấu dân số già thường đến sau khi kinh tế đã phát triển, còn ở Việt Nam, tình trạng này xảy đến khi đất nước vừa bước vào nhóm có thu nhập trung bình ở mức thấp và đang có "cơ cấu dân số vàng”. Chính vì vậy, già hóa dân số đang được coi là một trong những vấn đề ưu tiên trong Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản của Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Bạch Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN