Thế giới đã ghi nhận trên 177,5 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kế worldometers.info, tính đến 22h ngày 16/6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 177.509.544 ca bệnh COVID-19, trong đó có 3.840.303 ca tử vong. Hiện trên 161,951 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn trên 11,717 triệu bệnh nhân đang điều trị.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại bệnh viện ở Abuja, Nigeria. Ảnh: THX/TTXVN

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trong tuần tính từ ngày 7 - 13/6, trên thế giới ghi nhận trên 2,6 triệu ca mắc mới COVID-19 và 72.000 ca tử vong, giảm lần lượt 12% và 2% so với tuần trước. Theo WHO, tỷ lệ mắc COVID-19 cũng giảm ở 5/6 khu vực trên thế giới, trong đó Đông Nam Á giảm 27% và châu Âu giảm 13%. Trong khi đó, tại châu Phi, số ca mắc mới và tử vong tăng lần lượt 44% và 20%. Số ca tử vong do COVID-19 ở Đông Nam Á cũng tăng 12%, trong khi châu Âu giảm 17%, khu vực Bắc và Nam Mỹ giảm 7%.

Tại Đông Nam Á, Lào cho biết sẽ cấp chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 bằng tiếng Anh cho người có ý định xuất cảnh, nhưng khuyến cáo quy định về “hộ chiếu vaccine” ở mỗi quốc gia là không giống nhau. Hiện Lào đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và coi đây là chìa khóa để có thể đẩy lùi dịch bệnh. Giới chức Lào đang đang triển khai chương trình tiêm chủng đợt hai với mục tiêu tiêm chủng cho hàng trăm nghìn người. Đợt tiêm chủng mới nhất được bắt đầu từ ngày 15/6, sử dụng vaccine của Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) và Sinopharm (Trung Quốc). Mũi thứ hai sẽ được tiêm sau 21-28 ngày.

Tại Lào, vaccine Pfizer/BioNTech sẽ được tiêm cho 50.300 người ngoài 60 tuổi và những người có bệnh lý nền. Các nhóm ưu tiên khác gồm quan chức chính phủ, nhân viên y tế, những người làm việc ở khu vực biên giới và những người thường xuyên qua lại biên giới. Tính đến ngày 12/6, khoảng 712.793 người đã được tiêm mũi đầu tiên, trong khi 385.921 người đã được tiêm mũi thứ hai. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.033 ca nhiễm bệnh, trong đó đã chữa khỏi cho 1.910 người và 3 người tử vong.

Tại Campuchia, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng ở mức 3 chữ số mỗi ngày và đến ngày 16/6 đã vượt ngưỡng 40.000 ca, trong đó có trên 38.000 ca liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2”. Ngày 16/6, Campuchia xác nhận có thêm 693 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua (bao gồm 33 ca nhập cảnh và 660 ca lây nhiễm cộng đồng). Tính đến nay, Campuchia có tổng cộng 40.157 ca mắc COVID-19, trong đó 34.325 người hồi phục và 368 người tử vong. Chính phủ Campuchia lên kế hoạch tiêm phòng COVID-19 cho trên 1,2 triệu người thuộc 5 tỉnh là Preah Sihanouk, Kampong Speu, Takeo, Kampong Cham và Svay Rieng, sau khi hoàn thành chiến dịch tiêm phòng ở Phnom Penh và Kandal. Tính đến ngày 15/6, Campuchia đã tiêm phòng cho hơn 3 triệu người.

Thái Lan đặt mục tiêu mở cửa đón du khách nước ngoài trở lại trong vòng 120 ngày tới sau một năm áp dụng các biện pháp hạn chế du lịch để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha khẳng định hiện Thái Lan đã đảm bảo đủ 105,5 triệu liều vaccine phòng bệnh trong năm nay và sẽ tiếp tục tìm thêm các nguồn cung vaccine mới cho năm tới. Ông cho biết thêm quốc gia Đông Nam Á này dự định từ tháng 7 tới sẽ tiêm trung bình 10 triệu liều vaccine mỗi tháng và hướng tới mở cửa đón du khách, trong và ngoài nước, đã được tiêm phòng đầy đủ nhằm hỗ trợ nền kinh tế vốn phụ thuộc vào du lịch.

Thái Lan ngày 16/6 ghi nhận thêm 2.331 ca mắc mới COVID-19 và 40 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số các ca bệnh từ trước tới nay lên 204.595 ca, trong đó có 1.525 người không qua khỏi. Kể từ khi bùng phát làn sóng COVID-19 thứ ba từ đầu tháng 4, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 175.732 ca mắc COVID-19 và 1.431 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Yogyakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia ghi nhận thêm 9.944 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ ngày 22/2, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 1.937.652 ca. Quốc gia Đông Nam Á này cũng ghi nhận thêm 196 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 53.476 ca. Chính quyền thủ đô Jakarta đã quyết định gia hạn áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng quy mô nhỏ đến ngày 28/6 tới, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng vọt sau kỳ nghỉ lễ Eid el-Fitr hồi tháng 5 vừa qua. Trong 2 tuần qua, 78% số giường cách ly (5.752 trong tổng số 7.341 giường) và 71% số giường ICU (773 trong tổng số 1.086 giường) đã có bệnh nhân.   

Ấn Độ thông báo trong 24 giờ qua, nước này có thêm 62.224 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 29.633.105 ca. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 2.542 ca lên 379.573 ca. Đây là ngày thứ 9 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới dưới 100.000 ca trên khắp đất nước, sau khi lên tới mức đỉnh là hơn 400.000 ca trong vài ngày hồi tháng 4 và 5. Đã có 28.388.100 bệnh nhân bình phục và được xuất viện, trong đó riêng ngày 15/6 có 107.628 người.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được cải thiện, chính quyền thủ đô New Delhi đã cho phép tất cả các cửa hàng và nhà hàng được phép mở cửa nhưng chỉ hoạt động với 50% công suất. Các trường học, cao đẳng, cơ sở giáo dục khác, hồ bơi và phòng tập thể dục vẫn tiếp tục đóng cửa. Ngày 16/6, đền Taj Mahal - biểu tượng của ngành du lịch Ấn Độ, đã mở cửa đón khách trở lại.

Chú thích ảnh
Người dân tắm nắng trên bãi biển ở Palavas-les-Flots, miền nam nước Pháp, ngày 10/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại đối với hành khách đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ. Danh sách các nước và khu vực được miễn trừ lệnh cấm đi lại này sẽ được mở rộng trong đó có Albania, Bắc Macedonia, Serbia, Liban, Mỹ cũng như các vùng lãnh thổ Đài Loan, Macau và Hong Kong của Trung Quốc.

Pháp sẽ dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm được thực hiện nhằm ứng phó với dịch COVID-19 từ ngày 20/6 tới, tức sớm hơn 10 ngày so với kế hoạch ban đầu, trong khi quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà cũng được dỡ bỏ từ ngày 17/6. Việc điều chỉnh kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế căn cứ trên tình hình dịch bệnh đã có sự chuyển biến tích cực trên khắp cả nước.

Ngược lại, Chính phủ Ba Lan cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 ở nước này, bất chấp tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh gia tăng. Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể là nguyên nhân gây ra làn sóng dịch mới, dù quốc gia 38 triệu dân này đang tiến gần tới mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng. Theo số liệu của Bộ Y tế Ba Lan, nước này đã tiêm được ít nhất 24,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và 9,7 triệu người đã tiêm đủ liều.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Siedlce, Ba Lan. Ảnh: PAP/TTXVN

Chính quyền thủ đô Moskva của Nga ngày 16/6 đã yêu cầu người dân làm việc trong ngành dịch vụ của thành phố này phải tiêm vaccine phòng COVID-19 bắt buộc, trong bối cảnh các ca mắc mới gia tăng "đáng kể". Số ca mắc mới COVID-19 ở Nga trong khoảng 1 tuần trở lại đây có dấu hiệu tăng trở lại đã buộc nhiều địa phương phải thắt chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời tập trung tăng cường năng lực ứng phó cho các bệnh viện trong trường hợp bệnh nhân nhập viện gia tăng.

Tại châu Mỹ, Cuba thông báo có thêm 1.537 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại đảo quốc Caribe này hồi tháng 3/2020, nâng tổng số ca bệnh lên là 160.594 ca. Tại thủ đô La Habana, “điểm nóng” của đại dịch, giới chức y tế đã áp dụng tiêm đại trà cho người dân với vaccine ngừa COVID-19 do Cuba bào chế là Abdala và Soberana 02. Bộ Y tế Cuba cho biết tới nay đã có gần 2 triệu người trong tổng số 11 triệu dân đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.

Trong khi đó, Mexico cho biết đã ghi nhận 4.250 ca mắc mới COVID-19 và 241 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 2.459.601 ca, trong đó có 230.428 ca tử vong. Nước này có kế hoạch thúc đẩy việc tiêm vaccine cho người dân sống tại các khu vực biên giới giáp Mỹ, qua đó góp phần đưa hoạt động biên giới chung giữa hai nước trở lại bình thường.  

Số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ vượt con số 600.000 trong khi giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh. Hiện New York và California đã dỡ bỏ gần như hoàn toàn các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch bệnh.

Đánh giá tình hình dịch bệnh tại Mỹ, giới chuyên gia cho rằng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế, trong khi tỷ lệ tiêm chủng giảm có thể khiến một số khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng như đe dọa tới những thành quả mà nước này đã đạt được. Hiện giới chuyên gia quan ngại biến thể Delta (B.1.617.2) có thể trở thành biến thể chiếm ưu thế tại Mỹ. Do vậy, giới chuyên gia hối thúc người dân đi tiêm phòng càng sớm càng tốt, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và vệ sinh cá nhân vì vaccine không thể mang lại hiệu quả bảo vệ 100%.

Lê Ánh (TTXVN)
WB hỗ trợ triển khai tiêm chủng cho 400 triệu người dân châu Phi
WB hỗ trợ triển khai tiêm chủng cho 400 triệu người dân châu Phi

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 14/6, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đã có cuộc gặp với Nhóm đặc nhiệm mua sắm vaccine COVID-19 (AVATT) của Liên minh châu Phi (AU) để thảo luận về các phương thức hợp tác nhằm thúc đẩy công tác tiêm chủng ngừa COVID-19 tại châu Phi, trong đó WB sẽ hỗ trợ AU triển khai tiêm chủng 400 triệu liều vaccine Johnson & Johnson.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN