Tân Tổng Giám đốc IMF công bố chương trình nghị sự 5 điểm

Ngày 7/7, tân Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã công bố chương trình nghị sự 5 điểm nhằm tiếp sức sống mới cho thể chế tài chính quốc tế 187 thành viên này nâng cao vai trò then chốt trong nền kinh tế toàn cầu.

Tân Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. Ảnh THX-TTXVN

Tổng Giám đốc Christine Lagarde nhấn mạnh bức tranh nền kinh tế toàn cầu hiện nay tuy sáng sủa hơn hai năm trước đây nhưng vẫn trong quá trình phục hồi không đồng đều. Tỷ lệ thất nghiệp quá cao và nợ chính phủ vẫn đè nặng nhiều nền kinh tế phát triển, trong khi nguy cơ phát triển quá nóng và lạm phát cao đe dọa các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là các nền kinh tế có chỉ số thu nhập thấp. Trong bối cảnh này, bà Lagarde xác định ba vấn đề mà IMF và nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt và hai nội dung IMF cần thúc đẩy để tăng cường hiệu quả hoạt động.

Ba vấn đề đang thách thức IMF và nền kinh tế toàn cầu được các nhà kinh tế IMF gọi tắt là “3 C” bao gồm “Nối kết” (Connectiveness), “Tín nhiệm” (Credibility) và “Toàn diện” (Comprehensive). Tân lãnh đạo IMF nhấn mạnh thể chế này phải theo dõi chặt chẽ sự nối kết ngày càng lớn giữa các nền kinh tế trên toàn cầu, đồng thời cảnh báo kịp thời sự lan truyền các nguy cơ từ nền kinh tế này sang nền kinh tế khác.

Bên cạnh đó, để nâng cao sự tín nhiệm, các phân tích cũng như cách hành xử của IMF cần khách quan, tin cậy và công bằng. Các nước cần được đối xử bình đẳng, công bằng trên cùng một sân chơi bình đẳng. IMF cần đánh giá một nền kinh tế một cách toàn diện không chỉ bằng các biện pháp kinh tế vĩ mô truyền thống như thâm hụt tài chính mà còn phải dựa trên các nhân tố khác như nạn thất nghiệp và các vấn đề xã hội, đồng thời phải phối hợp với các thể chế quốc tế chuyên môn khác về lao động, thương mại.

Bà Lagarde khẳng định, để nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của thể chế tiền tệ quốc tế này, hai vấn đề IMF cần thúc đẩy là tăng cường tính pháp lý và tính đa dạng của thể chế đã gần 70 năm tuổi này. Các nước thành viên IMF cần hoàn tất các cải tổ đã được hoạch định từ năm 2010 nhằm cải thiện vai trò quản trị của IMF và tăng cường vị thế của các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế có chỉ số thu nhập thấp trong IMF. Là nữ lãnh đạo đầu tiên của IMF, bà Lagarde nhấn mạnh đa dạng IMF không chỉ về giới mà còn về sự can dự, về phá vỡ các rào cản để tất cả các bên tham gia có thể ngồi chung một bàn, về địa lý, văn hóa và nền tảng học thuật.

Theo bà Lagarde, mục tiêu của IMF là giúp phục hồi sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1933 và đảm bảo rằng các nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn để cung cấp phúc lợi tốt hơn cho con người.

Anh Tuấn (P/v TTXVN tại LHQ)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN