Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham dự 4 phiên họp tại WEF 2011

Ngày 27/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự 4 phiên họp và thảo luận quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 41 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ.

Bên lề hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi gặp song phương với Phó Thủ tướng thứ nhất Liên bang Nga Shuvalov Igor Ivanovivh, Hoàng tử Vương quốc Anh Andrew, Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ Johann Schneider – Ammann và Chủ tịch WEF Klaus Schwab.

Tại phiên thảo luận với chủ đề “Đạt được các mục tiêu đề ra: Chiến lược vĩ mô và vi mô”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có bài phát biểu quan trọng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam xác định công nghệ thông tin là lĩnh vực ưu tiên và có nhiều chính sách khuyến khích, trong đó đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho công nghệ thông tin và phát triển nguồn nhân lực. Việt Nam hiện nằm trong số 20 quốc gia có tỷ lệ sử dụng Internet cao nhất, ứng dụng công nghệ hiện đại nhất.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (trái) gặp Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sỹ J. Ammann. Ảnh: Đức Hùng – TTXVN


Chính phủ Việt Nam đã thông qua Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông, trong đó xác định công nghệ phần mềm, nội dung và dịch vụ công nghệ thông tin là ngành kinh tế mũi nhọn được đặc biệt quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển. Một trong những giải pháp quan trọng là phát triển nguồn nhân lực, theo đó Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 1 triệu nhân lực chất lượng cao làm việc trong ngành công nghệ thông tin, trong đó 80% có đủ kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã thông báo về việc 100% các trường từ tiểu học trở lên ở Việt Nam đã được kết nối Internet. Đây là điều kiện thiết yếu cho phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin trước mắt và lâu dài. Hiện có khoảng 226.000 lao động làm việc trong ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam, trong đó khoảng 121.000 lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ phần cứng, 64.000 trong công nghệ phần mềm và hơn 41.000 lao động trong công nghệ nội dung số.

Tại cuộc gặp Phó Thủ tướng thứ nhất LB Nga Ivanovivh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ mong muốn Nga và Việt Nam tiếp tục quan tâm triển khai các thỏa thuận song phương, sớm hoàn tất đàm phán ký kết Hiệp định về cấp tín dụng cho dự án nhà máy điện hạt nhân để bảo đảm thực hiện dự án đúng tiến độ, sớm đàm phán ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt - Nga nhằm tạo điều kiện nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 3 tỷ USD vào năm 2012.

Vui mừng gặp lại Hoàng tử Vương quốc Anh Andrew, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao vai trò quan trọng và sự đóng góp tích cực của Hoàng tử Andrew trong phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian qua; Hoàng tử luôn là người bạn thân thiết của Việt Nam và mong muốn sớm được đón tiếp Hoàng tử sang thăm Việt Nam. Phó Thủ tướng đề nghị Hoàng tử, trên cương vị là Đại diện cấp cao của chính phủ về thương mại và đầu tư, tạo điều kiện cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mở đường bay trực tiếp đến sân bay quốc tế Heathrow.

Hoàng tử Andrew bày tỏ những tình cảm tốt đẹp dành cho Việt Nam và hy vọng sớm có dịp trở lại thăm Việt Nam. Hoàng tử hoan nghênh và đánh giá cao việc hai bên nhanh chóng hoàn tất xây dựng nội dung và ký kết “Kế hoạch hành động Việt Nam – Anh năm 2011”, đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh thực sự đi vào cuộc sống.

Trong cuộc gặp Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Johann Schneider - Ammann, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao tiềm năng và cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, đề nghị ông Ammann tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ sang đầu tư, làm ăn tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như dịch vụ tài chính, bảo hiểm, hóa dược…


Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài tại Việt Nam trên cơ sở cùng có lợi, đồng thời bày tỏ mong muốn Chính phủ Thụy Sĩ tiếp tục duy trì cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam trong những năm tới.

Trong khuôn khổ hội nghị WEF, các nhà lãnh đạo thế giới đã cảnh báo, giá cả lương thực tăng vọt có thể sinh ra bạo loạn, bất ổn, thậm chí là chiến tranh. Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh giá lúa mỳ ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 29 tháng qua trong phiên 27/1. Người mua tranh nhau nguồn cung lương thực khan hiếm do thời tiết bất thường, thiên tai hoành hành tại các nước sản xuất lớn như Nga, Ôxtrâylia… Không chỉ thế, giá cả tăng đã dấy lên làn sóng biểu tình mạnh mẽ ở tại Ai Cập, Angiêri, Tuynidi.

Bàn về các giải pháp, Chủ tịch tập đoàn Nestle, ông Peter Braback, cho rằng chính phủ các nước nên ngừng lấy cây lương thực để sản xuất nhiên liệu sinh học. Còn Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Pascal Lamy đề xuất hoàn tất vòng đàm phán Doha để mở cửa thị trường nông nghiệp, giúp giảm căng thẳng về giá lương thực. Trong khi Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng giải pháp tốt nhất là hỗ trợ nông dân châu Phi tăng sản lượng.

Vấn đề biến đổi khí hậu cũng được WEF bàn luận sôi nổi, trong đó diễn đàn kêu gọi các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Mỹ, phải nỗ lực hơn nữa nhằm hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu và thúc giục chính phủ thông qua các chính sách khuyến khích tăng trưởng xanh. Nếu Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ không chung tay vì Trái Đất, hiệu quả đạt được trong chống biến đổi khí hậu sẽ rất thấp. Theo các đại biểu, chính phủ có thể tạo điều kiện phát triển xanh nhưng giải pháp cho biến đổi khí hậu phải xuất phát từ các doanh nghiệp.

Đức Hùng (P/v TTXVN tại Thụy Sỹ) - Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN