Nghị quyết về Xyri bị Nga, Trung Quốc phủ quyết

Nga và Trung Quốc ngày 5/10 đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) do các nước châu Âu soạn thảo, trong đó đe dọa sẽ hành động nếu lãnh đạo Xyri không chấm dứt các vụ bạo lực gây chết người ở nước này. Đây được xem là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Mỹ và châu Âu nhằm cô lập Tổng thống Xyri Bashar al-Assad.

Quang cảnh cuộc bỏ phiếu dự thảo nghị quyết về Xyri tại HĐBA LHQ ngày 5/10. Ảnh: AFP/ TTXVN


Sau gần 6 tháng đàm phán, 9 trong tổng số 15 thành viên của HĐBA đã tham gia bỏ phiếu dự thảo nghị quyết do Pháp, Anh, Đức và Bồ Đào Nha soạn thảo. Trong cuộc bỏ phiếu này, Nga và Trung Quốc đã bỏ phiếu chống và "giết chết" dự thảo nghị quyết này bằng quyền phủ quyết của mình. Nam Phi, Ấn Độ, Braxin và Libăng bỏ phiếu trống. Kết quả này cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong HĐBA kể từ khi Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sử dụng nghị quyết của HĐBA LHQ để biện minh cho các cuộc không kích Libi.

Đây là lần đầu tiên Nga và Trung Quốc bỏ phiếu phủ quyết kể từ khi hai nước phản đối các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Dimbabuê Robert Mugabe tháng 7/2008.

Phản ứng trước quyết định này, bà Bouthaina Shaaban, cố vấn của Tổng thống Assad tuyên bố: “Đây là một ngày lịch sử khi Nga và Trung Quốc là những quốc gia đã đứng lên ủng hộ người dân và chống lại bất công. Tất cả người dân Xyri thấy hạnh phúc vì giờ đây đã có những cường quốc trên thế giới đứng lên chống lại bá quyền, chống lại sự can thiệp quân sự vào nội bộ các quốc gia khác”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe phàn nàn rằng quyết định phủ quyết của Nga và Trung Quốc đánh dấu "một ngày buồn đối với người dân Xyri và cả đối với HĐBA". Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice kêu gọi HĐBA áp đặt "các biện pháp cấm vận cứng rắn, có mục tiêu" và thực hiện lệnh cấm vận vũ khí đối với chính quyền Xyri. Hãng tin AFP trích lời bà Rice: "Mỹ thấy bị xúc phạm khi HĐBA đã không giải quyết được thách thức nhân đạo cấp bách và một mối đe dọa đang gia tăng đối với hòa bình và an ninh khu vực". Bà Rice sau đó đã cùng phái đoàn Mỹ ra khỏi phòng họp hội đồng sau khi Đại sứ Xyri Bashar Jaafari tố cáo Mỹ tội diệt chủng khi đã từng 50 lần dùng quyền phủ quyết để bảo vệ Ixraen.

Về phần mình, Trưởng phái đoàn Nga tại LHQ, Vitaly Churkin, khẳng định, nghị quyết này đã "dựa trên triết lý đối đầu" và việc đe dọa hành động là "không thể chấp nhận được". Phía Trung Quốc thì cho biết, họ sử dụng quyền phủ quyết vì nghị quyết này đã gây sức ép một cách mù quáng chứ không giúp gì cho Xyri. Đại sứ Trung Quốc Lý Bảo Đông nhấn mạnh: "Cộng đồng quốc tế phải tôn trọng hoàn toàn chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Xyri".

Nga trước đó đã đề xuất một dự thảo nghị quyết trong đó lên án hành động bạo lực của cả phe đối lập và chính quyền Xyri, đồng thời kêu gọi đối thoại để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Xyri. Tuy nhiên, các nước châu Âu đe dọa không bỏ phiếu cho một dự thảo nghị quyết như vậy.
Hãng tin AFP nhận định, Nga và Trung Quốc không muốn để xảy ra trường hợp tương tự như ở Libi khi các nước phương Tây đã lạm dụng nghị quyết của LHQ để không kích Libi.

Trong khi đó, dù đã bỏ phiếu phủ quyết dự thảo nghị quyết của châu Âu lên án chính quyền Xyri tại HĐBA, ngày 5/10, Nga cho biết sẽ tiếp đón các phái đoàn của phe đối lập Xyri vào cuối tháng này. Trả lời báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho biết: “Trong tháng 10, chúng tôi dự định tiếp đón ở Mátxcơva hai phái đoàn của phe đối lập Xyri, một phái đoàn hoạt động tại Đamát và phái đoàn khác là những người đã tuyên bố thành lập Hội đồng dân tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ”.

Quang Tuyến

Xyri trước nguy cơ nội chiến
Xyri trước nguy cơ nội chiến

Sáu tháng rưỡi sau cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra ngày 15/3 tại Deraa, Xyri đang lâm vào một tình thế hiểm nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN