New York, trở lại sau 3 năm

Thoáng cái, đã 3 năm có lẻ tôi mới được trở lại New York, nơi mà người này gọi là “Trung tâm của thế giới”, hay “Thành phố đáng sống nhất trần gian”, kẻ khác lại bảo đấy là “Bộ mặt đầy trắc ẩn của nhân loại”, là “Quá nhiều thứ trong một chiếc bao tải”,...


Vâng, mặc thiên hạ yêu, ghét, muốn đến, hay thích bỏ đi, kệ! Với tôi, được đến đây để chiêm ngưỡng, suy ngẫm về thành phố xấp xỉ 20 triệu dân, nơi “nói” bằng 170 ngôn ngữ của hàng trăm dân tộc đến từ khắp năm châu, là điều lý thú không dễ kiếm. Được đến đây để so sánh với hơn ba năm trước, để có những đoán định về tương lai của nó, của nước Mỹ, và rộng ra là của toàn thế giới này, bởi nơi đây có trụ sở chính của Liên hợp quốc, nơi tụ tập gần 200 quốc gia thành viên, là điều may mắn không phải ai cũng có.


Một góc thành phố New York.


Với số dân như vậy, New York lớn nhất nước Mỹ, do người Hà Lan thành lập vào năm 1624 với tên gọi ban đầu là New Amsterdam, và khi là thuộc địa của Anh, nó từng là thủ đô của Mỹ. Từ lúc không giữ vai trò này nữa vào năm 1790 cho đến tận bây giờ, nó luôn là thành phố lớn nhất nước Mỹ trên mọi phương diện.


New York nằm ở bờ Đông, tiếp giáp với Đại Tây dương, là nơi có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng toàn cầu, ví như Tượng Nữ Thần tự do, Quảng trường Thời đại, hay Phố Wall, được coi là trung tâm tài chính không có đối thủ của toàn thế giới.


Chưa hết, nơi đây còn được biết đến như chốn hội tụ của những tòa nhà chọc trời, nằm san sát nhau, chẳng những không “triệt hạ” nhau, mà lại tôn vẻ đẹp cho nhau trong cái đẹp, cái sầm uất, cái náo nhiệt chung của toàn thành phố.


Vâng, New York là thế, và tưởng chừng như đấy là những thứ bất biến của nó! Thế nhưng, nếu so sánh “dài hơi” ra, thì hơn chục năm qua, những tòa nhà chọc trời mang hình bao diêm của thành phố này, vừa chưa thêm được cái nào, lại còn “teo” đi hai cái, đấy là Tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới.


Đáng nói hơn là cái ngày mà nó “teo” đi vào hôm 11/9/2001 ấy dưới bàn tay của tổ chức khủng bố khét tiếng Al-Qaeda, như nhiều người Mỹ nói, mãi mãi là nỗi đau, là cục hận không thể ấn nó nằm lại trong lòng của nhiều thế hệ nữa. Với hơn ba năm vừa rồi, nói là nhà cửa nơi đây vẫn thế thì chưa hẳn đúng, nhưng không sai khi bảo nó chưa có thêm được những tòa cao ốc, những cây cầu hay công trình văn hóa, kiến trúc được cả thế giới biết đến như New York từng có, bởi lẽ ở đây cũng đang trong cảnh “gạo châu, củi quế” như muôn nơi.


Cũng vì phải chắt chiu từng đồng, mà ba năm qua, bắt đầu từ New York, sau đó lan ra các thành phố khác, người Mỹ rần rần xuống đường đòi “chiếm lấy Phố Wall”, tấn công trực diện vào trung tâm đầu não kinh tế Mỹ. So với ba năm trước, tỷ lệ người “không có việc gì để làm” vẫn là xấp xỉ hai con số, và những gánh hát rong, những đứa trẻ nhập cư tự nhiên… chìa tay ra trước mặt người khác không hề giảm đi.


Rồi nữa, 3 năm trước, tôi để ý thấy đa số là ông bà già (chắc là sống cô đơn) mới chọn mua dưa hấu theo miếng, có miếng chỉ đáng dăm lạng, còn bây giờ, có không ít người, dáng thì “đại gia” đấy, nhưng cùng con cái tạt vào quán, cũng chỉ dám nhặt những miếng dưa hấu như thế.


Xa nhà, nhìn cảnh ấy, tôi lại nhớ như in lời bà mẹ nghèo nói với anh em tôi năm nảo, năm nào, rằng ăn “lấy hương, lấy hoa”, ăn “cho qua mùa”, mỗi khi bà chia cho vài ba múi mít, dăm quả vải chua…


Vẫn còn đó lời một ông già người New York nói cách đây hơn 3 năm ở Ground Zero (Vùng đất số không), nơi từng sừng sững tòa tháp đôi nọ, đại ý rằng chắc chắn nước Mỹ của Tổng thống Barack Obama, trong đó có New York, sẽ sớm thay đổi trong quan hệ với bên ngoài, đặc biệt là với thế giới Hồi giáo, theo hướng tất cả đều là bạn. Và lúc ấy, chữ “Change!”(Thay đổi!- Khẩu hiệu tranh cử của Tổng thống Obama) viết cỡ lớn được dán khắp nơi trong thành phố này.


Hơn 3 năm sau, không dễ tìm được những chữ như thế. Và một lần, biết tôi sống bằng nghề viết lách, cũng một người đàn ông Mỹ, nhưng trẻ hơn nhiều, đã nói trong buổi chiều muộn trên đường Grand ở quận Queens, nơi Văn phòng đại diện TTXVN của chúng tôi tại Liên hợp quốc đặt trụ sở, rằng “Change” đâu chưa thấy, chỉ biết rằng 3 năm qua, dân số New York đã vơi đi một ít do không ít chiến binh từ thành phố này bị tử trận ở Irắc hay Ápganixtan, còn người ở lại, phải đóng thuế nhiều hơn, sống khó khăn thêm một phần, vì nước Mỹ đã đổ tiền của vào những cuộc chiến ở Libi, Yêmen, và bây giờ là Xyri.


Nói đoạn, anh bạn trẻ nọ đặt câu hỏi vu vơ rằng phải chăng tất cả những cái đó để giúp nước Mỹ “chìa tay ra” với người Hồi giáo, để người Mỹ mở sang trang mới với đạo Hồi? Biết anh chẳng hỏi ai, nhưng tôi vẫn an ủi người đối thoại rằng cổ nhân đã bảo “Ngôn dị, hành nan” (Nói thì dễ, làm mới khó) là thế mà!


Trở lại sau hơn 3 năm, điều tôi ngạc nhiên đến choáng là sao mà người Trung Quốc, rồi hàng hóa, văn hóa, tiếng nói, chữ viết của họ lại tăng nhanh, tăng mạnh, tăng vững chắc như thế ở chốn này. Vì mới nhận nhiệm sở, chưa có dịp tìm kiếm số liệu cụ thể, song tôi chỉ biết rằng ở New York bây giờ đi đâu cũng gặp người Hoa, hàng Tàu và nghe tiếng nói của mọi vùng miền ở Trung Quốc, rồi nhìn khá nhiều biển hiệu quán xá, trường học, nhà thờ,... đều bằng… tiếng Trung, may mà còn “chua” thêm tiếng Anh, kẻo những ông bà chủ đích thực của chốn này hẳn cũng không thể biết đấy là cơ sở gì(?!).


Còn nói là “tăng vững chắc” vì những khu phố Tàu nghe nói trước kia chỉ đóng gọn ở đảo Manhattan, một quận trung tâm đủ loại của New York, còn bây giờ, cả 4 quận còn lại là The Bronx, Brooklyn, Queens và Staten, hầu như chỗ nào cũng có thể coi là của người Hoa được.


Mà không chỉ có ở đây thế đâu, nhiều người bảo khắp nước Mỹ cũng đang như thế, rộng ra là rất nhiều nơi khác trên thế giới này đều đang na ná như vậy. Vốn hay lo xa, nhìn thực tế ấy, tôi thầm tự hỏi rồi đây tương lai của những nơi đó sẽ ra sao nhỉ? Chịu! 



Bài, ảnh:Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại LHQ)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN