Mỹ chưa muốn can thiệp vào Xyri

Vào thời điểm này Mỹ sẽ không can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào vào Xyri như đã làm với Libi. Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc trả lời phỏng vấn được kênh CBS News phát ngày 27/3.

Bà Clinton nhấn mạnh, Mỹ phản đối những hành động bạo lực đang diễn ra tại Xyri nhưng mỗi nước có bối cảnh riêng của mình. Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi chính phủ Xyri không sử dụng vũ lực, nên đối thoại và đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình.

Những người ủng hộ Tổng thống Xyri, Bashar al-Assad bày tỏ sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo của họ tại Thành Cổ ở Damascus(Xyri) ngày 26/3. AFP/TTXVN


Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra trong bối cảnh bạo lực tiếp tục leo thang tại các thành phố ở Xyri làm ít nhất 3 người chết và 2 người bị thương.

Hãng thông tấn quốc gia SANA cho biết, các lực lượng an ninh Xyri cáo buộc một số người nước ngoài đang kích động bạo lực tại quốc gia này. Theo đó, các thế lực bên ngoài đang cung cấp tài chính và trang bị vũ khí cho một số nhóm người ở Daraa để tìm cách chia cắt Xyri.

Trong khi đó, hàng ngàn người vẫn tiếp tục xuống đường tuần hành ở thủ đô Đamát của Xyri để bày tỏ ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad của nước này. Cuộc tuần hành diễn ra hai ngày sau khi chính phủ cam kết thực hiện gói cải cách, trong đó có khả năng cấp phép hoạt động cho các chính đảng. Nhằm xoa dịu phe phản đối chính phủ, Tổng thống Assad đã quyết định rút lực lượng cảnh sát và quân đội khỏi thành phố Daraa và trả tự do cho 260 tù nhân. Cũng trong ngày 27/3, Cố vấn Buthaina Shaaban của Tổng thống Xyri cho biết quyết định dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp được áp đặt từ năm 1963 ở nước này "đã được đưa ra".

Căng thẳng nội bộ tại các quốc gia khác

Cùng ngày 27/3, tại Gioócđani, Mặt trận hành động Hồi giáo Gioócđani (IAF) đã kêu gọi Thủ tướng Maaruf Bakhit từ chức sau khi để xảy ra cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và người ủng hộ chính phủ, làm 1 người thiệt mạng và 160 người bị thương. Bạo lực đã xảy ra lần đầu tiên kể từ sau khi các cuộc biểu tình nổ ra cách đây 3 tháng, khi khoảng 200 người ủng hộ chính phủ ném đá vào đoàn biểu tình gồm 2.000 người. Các lực lượng an ninh đã sử dụng vòi rồng để chấm dứt đụng độ và bắt giữ nhiều người biểu tình.

IAF, một bộ phận của tổ chức Muslim Brotherhood, còn yêu cầu giải tán hạ viện, cải cách hiến pháp, thành lập một chính phủ cải cách và đoàn kết dân tộc. Đồng thời, nhóm thanh niên 24/3 Shabab, nhóm tổ chức cuộc biểu tình ngồi ở gần trụ sở Bộ Nội vụ Gioócđani, cũng yêu cầu thành lập một ủy ban quốc gia độc lập để điều tra về cuộc đụng độ ngày 25/3 và đòi thả những người biểu tình bị bắt.

*  Ngày 27/3, Văn phòng tổng thống Yêmen đã bác bỏ tin nói rằng Tổng thống Ali Abdullah Saleh của nước này sẽ từ chức ngay trong ngày, đồng thời khẳng định ông Saleh sẽ không từ bỏ quyền lực ít nhất là trong vòng 60 ngày tới do Đảng Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GPC) cầm quyền và phe đối lập chưa đạt được thỏa thuận nào. Ông Saleh cảnh báo rằng chỉ có đối thoại mới tránh cho Yêmen khỏi một cuộc "nội chiến".

Theo GPC, quyền lực sẽ được trao cho người được nhân dân bầu ra thông qua bầu cử và đó là cách duy nhất để chuyển giao quyền lực hòa bình. GPC cáo buộc phe đối lập thiếu thiện chí trong việc ổn định tình hình, đồng thời cho biết số người tham gia biểu tình ủng hộ ông Saleh đã lên tới 3 triệu người. Cùng ngày, chỉ huy căn cứ không quân Taiz, ông Yahya Eisa đã bác bỏ tin đồn rằng ông cùng các binh sĩ đã "đào ngũ" và tham gia các cuộc biểu tình của phe đối lập.

Trong khi đó, ít nhất 6 binh sĩ đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong một cuộc tấn công của tổ chức khủng bố al-Qaeda tại tỉnh Marib ở đông bắc Yêmen. Vụ tấn công nhằm vào một chốt quân sự ở phía bắc Marib, khu vực có nhiều cơ sở sản xuất dầu mỏ của nước này.

Nam Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN