Khủng hoảng tài chính tại Ailen:

Liệu có trở thành một Hy Lạp tiếp theo?

Cuối cùng, Bộ trưởng Tài chính Ailen, ông Brian Lenihan, ngày 19/11 (giờ Việt Nam) cũng phải lần đầu tiên thừa nhận rằng Ailen hoan nghênh một kế hoạch giải cứu nhằm "xốc" lại ngành ngân hàng của nước này. Tuy nhiên, bất chấp việc các quốc gia khu vực đồng euro gây áp lực để Ailen nhanh chóng chấp nhận gói cứu trợ khẩn cấp ngành ngân hàng, quốc gia này vẫn chần chừ và chưa quyết định được mức độ, quy mô của gói cứu trợ.

Một cuộc biểu tình tại thủ đô Đablin phản đối chính sách kinh tế của chính phủ Ailen.

Phát biểu trước Quốc hội Ailen, ông Lenihan nói, nếu có thể hình thành được một gói cứu trợ sau các cuộc đàm phán thì đó sẽ là một kết quả đáng mong đợi. Tuy nhiên, ông một lần nữa nhấn mạnh rằng, gói cứu trợ nào cũng sẽ chỉ tập trung vào chấn chỉnh ngành ngân hàng chứ không phải để giúp chính phủ trả nợ.

Ngay sau thông tin trên, các thị trường trái phiếu, chứng khoán ở châu Âu cùng với đồng euro đã đồng loạt tăng trở lại nhờ thị trường dự đoán Ailen sẽ trở thành nước thứ hai trong khu vực sử dụng đồng euro (sau Hy Lạp) nhận được gói cứu trợ để đối phó với thâm hụt ngân sách, nợ nần cao ngất.

Các ngân hàng của Ailen hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Con số này đã lên tới 130 tỷ euro tính đến cuối tháng 10/2010. Các nguồn tin từ EU cho biết, Ailen có thể cần hỗ trợ từ 45 tới 90 tỷ euro. Ailen cho rằng số tiền cần hỗ trợ các ngân hàng nước này có thể ở mức 50 tỷ euro. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng con số cuối cùng sẽ còn cao hơn nhiều.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch cho biết sẽ xem xét lại mức đánh giá tín dụng quốc gia này nếu có một gói giải cứu từ IMF và EU. Hiện xếp hạng tín dụng của Ailen ở mức A+.

Chưa sẵn sàng nhận cứu trợ

Theo hãng tin Reuters, các quan chức Ủy ban châu Âu (EC), ECB và IMF đã có mặt ở thủ đô Đablin để đàm phán về gói giải cứu Ailen. Các cuộc đàm phán có thể kéo dài sang tuần tới. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nhu cầu vay tiền của Ailen chưa đến mức bức thiết do nước này vẫn có thể trang trải cho các hoạt động đến giữa năm 2011. Vì vậy, trước mắt, các cuộc đàm phán sẽ chỉ đề cập đến những vấn đề cơ bản, làm nền tảng cho một khoản vay trong tương lai.

Trong khi đó, các nước trong khu vực đồng euro lo ngại nếu mớ hỗn độn trong ngành tài chính ở Ailen không sớm được "dọn dẹp", nó sẽ lan ra và ảnh hưởng đến cả khu vực. Mặc dù chịu sức ép từ cộng đồng quốc tế, song Ailen vẫn chưa sẵn sàng cho một gói cứu trợ. Bộ trưởng Cộng đồng Ailen, ông Pat Carey cho biết, chưa thể biết Ailen cần bao nhiêu tiền cứu trợ nếu IMF, ECB và EC chưa đánh giá được xem tình trạng của ngành ngân hàng nước này nghiêm trọng đến mức nào.

Hơn nữa, một lý do khiến Ailen còn chần chừ chính là những lo ngại về các điều kiện đi kèm với gói cứu trợ có thể ảnh hưởng tới các vấn đề nội bộ. Một trong những điều kiện đó có liên quan đến mức thuế doanh nghiệp ở Ailen - vốn đang ở mức thấp nhất châu Âu. Đây một lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài của Ailen nhưng bị các quốc gia như Đức, Anh phản đối vì cho rằng nó tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng. Các nước châu Âu ngày càng gây áp lực buộc Ailen phải tăng mức thuế doanh nghiệp hiện đang ở 12,5% và coi đây là một điều kiện của gói giải cứu. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Ailen, Mary Coughlan, khẳng định vấn đề thuế doanh nghiệp là "không thể thương lượng".

Một vấn đề nữa khiến Ailen lo ngại là vấn đề mất chủ quyền và IMF/EU có thể can thiệp vào các biện pháp ngân sách của mình. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Lenihan khẳng định sẽ không có chuyện đó, mặc dù theo quy tắc của EU, bất kỳ chương trình hỗ trợ nào cũng phải đi kèm với một thỏa thuận nghiêm ngặt về điều kiện tài khóa. Về vấn đề này, Thủ tướng Ailen Brian Cowen cũng bác bỏ khả năng Ailen sẽ mất chủ quyền nếu nhận cứu trợ. Ông khẳng định, chính phủ Ailen sẽ quyết định về chủ quyền thay mặt cho người dân Ailen và sẽ quyết định hình thức một gói cứu trợ mang lại lợi ích nhiều nhất.

Hãng tin Xinhua nhận định, mặc dù tình hình hiện nay ở Ailen khiến không ít người so sánh với cuộc khủng hoảng gần đây ở Hy Lạp, nhưng hai quốc gia hoàn toàn khác nhau. Điểm khác nhau nằm ở chỗ Ailen không cần hỗ trợ đến giữa năm 2011 và mức thâm hụt cao chủ yếu do quốc gia này giải cứu ngành ngân hàng. Do đó, có thể dự đoán rằng, EU sẽ xử lý cuộc khủng hoảng ở Ailen theo một cách khác.

Thùy Dương (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN