Lao động châu Á tại Nhật Bản - Bài 4: Thách thức và giải pháp đối với lao động Việt Nam  

Thực tập sinh đi theo chương trình TITP chiếm phần lớn số lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Tuy nhiên, đây cũng là chương trình nảy sinh nhiều vấn đề bất cập nhất. 

Chú thích ảnh
Tu nghiệp sinh Việt Nam cùng đồng nghiệp Nhật Bản tại nơi làm việc ở tỉnh Iwate.

Theo Giáo sư Asato Wako của Đại học Kyoto, Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao nhất trong số các nước thực hiện TITP với Nhật Bản. Lý giải điều này, Giáo sư Asato Wako cho rằng những lao động bỏ trốn là do lương thấp trong khi họ muốn kiếm được nhiều tiền để bù đắp lại khoản tiền nộp cho các công ty trung gian tại quê nhà trước khi sang Nhật Bản.

Theo số liệu chính thức, trong số các nước ký TITP với Nhật Bản, Việt Nam và Myanmar có khoản phí dịch vụ, trong đó số tiền phía Việt Nam thu là 3.600 USD (tương đương với 3 tháng lương cơ bản của lao động tại Nhật Bản).

Giải thích về khoản phí này, ông Phan Tiến Hoàng, Bí thư thứ nhất, Trưởng ban quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết khoản phí dịch vụ trên được thu theo luật định của Việt Nam, với mục tiêu doanh nghiệp phái cử hỗ trợ cho người lao động Việt Nam trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Ông Hoàng cho rằng vấn đề là ngoài khoản phí trên, có thực trạng doanh nghiệp phái cử tại Việt Nam thu từ lao động nhiều khoản tiền khác, khiến cho tổng mức tiền mà lao động phải trả trước khi sang Nhật có khi lên đến từ 150-200 triệu đồng. Để giải quyết thực trạng này, hiện nay Chính phủ Việt Nam cũng như phía Nhật Bản đang thực hiện những biện pháp kiên quyết. Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam niêm yết công khai danh sách những doanh nghiệp phái cử bị cấm đưa lao động sang Nhật Bản. Về phía Việt Nam, chính phủ thường xuyên kiểm tra các doanh nghiệp phái cử để có hình thức xử lý kịp thời.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam đã triển khai Dự án xây dựng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Một số điểm đáng chú ý trong dự án sửa đổi luật xuất khẩu lao động là tập trung vào việc minh bạch hóa quy định và chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với thực tế thị trường, xu hướng quốc tế, đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động. Ngoài ra, dự án còn tập trung vào các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đối với chương trình kỹ năng đặc định, theo nhận định của ông Phan Tiến Hoàng, đây là chương trình nhằm thu hút lao động nước ngoài có trình độ tiếng Nhật và tay nghề nhất định đến làm việc. Tuy nhiên, thực tế khi triển khai, số lượng người tham dự kiểm tra tiếng, tay nghề và số người được cấp tư cách lưu trú đặc định quá ít so với kỳ vọng. Đến hết tháng 10/2019, chỉ có tổng cộng 895 lao động nước ngoài nhận được tư cách lưu trú kỹ năng đặc định số 1. 

Cuối tháng 12 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi phương châm mở rộng tiếp nhận lao động nước ngoài và xây dựng xã hội cộng sinh. Theo đó, từ ngày 1/1/2020, lao động nước ngoài nhập cảnh Nhật Bản có thời hạn dưới 3 tháng có quyền tham dự kiểm tra tay nghề và tiếng. Tuy nhiên, tiếng Nhật khó và yêu cầu cao về tay nghề khiến cho không có nhiều lao động có đủ khả năng đáp ứng các tiêu chí của chương trình Kỹ năng đặc định 1. 

Ông Phan Tiến Hoàng nhận định đối tượng mà chương trình kỹ năng đặc định nhắm đến chủ yếu là thực tập sinh và du học sinh nước ngoài đã về nước có mong muốn quay lại Nhật Bản. Trong số này, với số lượng thực tập sinh và du học sinh về nước ngày càng tăng trong thời gian gần đây, lao động Việt Nam là một trong những đối tượng thu hút mà chương trình này hướng đến.

Hiện tại, thời hạn làm việc của một tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản theo chương trình TITP có thể được kéo dài lên 5 năm thay vì chỉ 3 năm như trước kia. Để có thể được làm việc tại Nhật Bản 5 năm theo TITP, các thực tập sinh phải tham gia các kỳ kiểm tra tay nghề và tiếng trong từng năm gồm từ năm thứ nhất đến năm thứ ba. Thực tập sinh sau khi vượt qua kỳ kiểm tra của năm thứ ba sẽ được làm việc tại Nhật Bản thêm hai năm. 

Đặc biệt, đối với những thực tập sinh năm thứ tư và thứ năm, sau khi nhận thấy rõ cơ hội được làm việc lâu dài tại Nhật Bản, nhiều người đã cố gắng học tập, trau dồi tay nghề và tiếng Nhật và tham gia kiểm tra, đạt các trình độ cao về tay nghề và tiếng Nhật. Riêng trong năm 2019, đã có 3 thực tập sinh đỗ trình độ tiếng Nhật N1 (trình độ cao nhất trong kỳ thi năng lực tiếng Nhật), hơn 10 người đỗ N2 và nhiều tu nghiệp sinh Việt Nam đỗ N3.

Chú thích ảnh
Lao động Việt Nam thu hoạch xà lách vào lúc 3 giờ sáng tại làng Kawakami.

Ông Phan Tiến Hoàng cho biết nhìn chung, đại bộ phận thực tập sinh Việt Nam có công việc và thu nhập ổn định, thu nhập cầm tay bình quân khoảng 1.000 -1.200 USD/tháng (22 đến 24 triệu đồng/tháng). Hầu hết lao động Việt Nam sau khi làm việc tại Nhật Bản đều hài lòng vì những kết quả đạt được sau một thời gian dài nỗ lực. Đại đa số đều tích lũy được một khoản tiết kiệm, có thêm tay nghề và vốn tiếng Nhật, đủ để họ có thể mở riêng một doanh nghiệp nhỏ cho mình, hoặc xin vào làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam. 

Lao động Việt Nam được đánh giá là chăm chỉ, cầu tiến, có khả năng nắm bắt nhanh kỹ thuật, công nghệ, đang ngày càng được các doanh nghiệp Nhật Bản ưa chuộng. Để phát huy được ưu thế của lao động Việt Nam tại Nhật Bản, hai nước đang phối hợp chặt chẽ, nỗ lực nghiên cứu, tham vấn nhằm đưa ra những quyết sách phù hợp, phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực lao động.

Bài cuối: Những 'chú ong thợ' Việt Nam đầy nghị lực

Bài và ảnh: Nguyễn Tuyến (TTXVN)
Lao động châu Á tại Nhật Bản - Bài cuối: Những 'chú ong thợ' Việt Nam đầy nghị lực
Lao động châu Á tại Nhật Bản - Bài cuối: Những 'chú ong thợ' Việt Nam đầy nghị lực

Vẫn còn một số bất cập, song không thể phủ nhận những kết quả đáng khích lệ mà chương trình TITP đem lại cho các tu nghiệp sinh Việt Nam cũng như doanh nghiệp Nhật Bản. Không ít tu nghiệp sinh Việt Nam sau những năm chăm chỉ, nỗ lực tại xứ người đã trở thành những lao động nòng cốt của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN