Nam Phi:

Khi người chết chung "nhà"

Durban - một thành phố nhỏ ở Nam Phi - đang phải đối mặt với một vấn đề đau đầu là thiếu trầm trọng đất dành cho người chết. Trong cái khó đó, chính quyền thành phố này đã nảy ra một ý tưởng táo bạo, đó là "tái chế" mộ, tức là sửa lại các ngôi mộ thành "nhà nhiều tầng" cho nhiều người chết. Tuy nhiên, ý tưởng này bị không ít người dân xem là "báng bổ" người đã khuất.

Những ngôi mộ như thế này ở Durban có thể là "nhà" của không chỉ một người đã khuất.

Thành phố Durban nằm ở tỉnh KwaZulu-Natal là thành phố có tỷ lệ người dân nhiễm HIV cao nhất Nam Phi với 5,2 triệu trường hợp mắc AIDS. Hàng năm, số người chết vì căn bệnh này cứ tăng dần và đồng nghĩa với điều đó là quỹ đất nghĩa trang cũng cạn kiệt. Mỗi năm, Durban có khoảng 20.000 người từ giã cuộc sống và để đáp ứng nhu cầu về "nhà ở" cho những người đã khuất, thành phố này sẽ phải xây thêm một số nghĩa trang mới với chi phí gần 3 triệu USD/nghĩa trang. Chi phí này vượt quá khả năng tài chính của chính quyền thành phố và giả sử có đủ kinh phí đi chăng nữa thì Durban cũng khó có thể tìm được đất cho những nghĩa trang mới khi diện tích của thành phố nằm kẹp giữa Ấn Độ Dương và vùng đồi núi Zululand này vô cùng khiêm tốn. Còn những nghĩa trang hiện có thì chỉ 2 năm nữa cũng không còn một tấc đất trống.

Không có đất, không có tiền nên thành phố Durban đã thực hiện dự án thí điểm "tái chế" mộ tại một nghĩa trang và dự kiến sau đó sẽ dần dần nhân rộng ra toàn bộ 60 nghĩa trang trong thành phố. Theo dự án này, người chết đã chôn từ 10 năm trở lên sẽ được chôn lại xuống sâu hơn để nhường "tầng trên" cho những cư dân mới của nghĩa trang.

Về ý tưởng có một không hai này, ông Pepe Dass, một quan chức thành phố chịu trách nhiệm quản lý các nghĩa trang, giãi bày: "Chúng tôi buộc phải làm thế, không chỉ để giải bài toán thiếu đất mà cả bài toán phát triển bền vững". Theo ông Dass, Durban cũng rất cần quỹ đất cho các dự án nông nghiệp và các chương trình phát triển khác. Hơn nữa, tìm được vị trí thích hợp để xây dựng nghĩa trang mới không phải là điều đơn giản, bởi nguồn nước ngầm rất có thể bị ô nhiễm do các xác chết phân hủy.

Đó là lập luận của chính quyền thành phố, còn người dân Durban thì không nghĩ như vậy. Phần lớn người dân Durban là người Zulu và họ rất kính trọng tổ tiên. Không ít người có chung suy nghĩ như bà Thandi - một góa phụ 63 tuổi thường đến nghĩa trang Stella Wood thăm người chồng quá cố - rằng để người chết chung mộ là "ý tưởng rất tồi". Bà Thandi còn khẳng định bà sẽ ngăn cản bất cứ ai có ý định "tái chế" ngôi mộ của chồng bà.

Giải thích về thái độ của người dân Durban với ý tưởng "tái chế" mộ, ông Sihawu Ngubane, một giáo sư về văn hóa Zulu thuộc Trường Đại học Durban, cho biết: Người dân Durban có thói quen "giao lưu" với linh hồn những người đã khuất. Họ cho rằng việc nhiều người chết ở chung một nhà có thể làm xáo trộn hoặc gây ra xung đột giữa các linh hồn. Khi đó, người chết sẽ trừng phạt người sống.

Trong khi chính quyền thành phố Durban chưa đưa ra được câu trả lời cuối cùng cho bài toán "thiếu đất nghĩa trang", các "cò" mộ trên thị trường chợ đen đã ráo riết hoạt động. Một số bảo vệ nghĩa trang rao bán những mộ phần đã lâu không có ai thăm viếng. Một số người thì đào mộ bên ngoài khu đất đã được cấp phép. Thậm chí, có nơi còn xảy ra hiện tượng cướp bia mộ khiến các nghĩa trang phải chăng dây thép gai và hàng rào điện xung quanh.

Thùy Dương (Theo AFP)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN