Iran tuyên bố có thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trong vài tuần tới

Ngày 22/6, hãng thông tấn RT dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao Iran tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này có thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Nhóm P5+1.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi. Ảnh: Press-TV

Kênh Press-TV dẫn phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi ngày 22/6 nêu rõ Tehran không loại trừ khả năng rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) trong mấy tuần tới.

Theo ông
Abbas Araqchi, Iran có thể buộc phải rút khỏi JCPOA nếu không đạt được sự đồng thuận với các cường quốc châu Âu. Ông nêu rõ Tehran muốn tuân thủ JCPOA nhưng thỏa thuận này cũng cần có thêm những điều chỉnh sau khi Mỹ rút, khiến thỏa thuận lịch sử này không còn cân bằng nữa.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Iran Javad Zarif viết trong một bài báo rằng Iran sẽ quay lại bàn đàm phán với Mỹ nếu Washington tôn trọng thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 tại Vienne (Áo) giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cộng thêm Đức).


Ngày 9/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút nước này khỏi thỏa thuận hạt nhân do Nhóm P5+1 ký với Iran vào năm 2015. Tổng thống Trump cho rằng JCPOA là “một thỏa thuận tồi”, nên ông quyết định rút khỏi thỏa thuận và Mỹ quyết định khôi phục các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là một thỏa thuận "một chiều, thảm họa và không có ích gì cho hòa bình". Tổng thống Trump cho biết thêm, dựa trên các thông tin tình báo của Israel, Chính phủ Iran đã gian dối về chương trình hạt nhân của nước này. Theo ông chủ Nhà Trắng, Iran vẫn tiếp tục là một nước bảo trợ khủng bố. 

JCPOA được Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và thêm Đức) ký năm 2015. Theo thỏa thuận, Iran đồng ý giảm quy mô của kho urani làm giàu, vốn được sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân khoa học song cũng có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân - trong vòng 15 năm và giảm số lượng máy ly tâm để làm giàu urani trong 10 năm.

Iran cũng đồng ý chuyển các thanh nhiên liệu urani làm giàu cấp độ cao của nước này ra nước ngoài, đồng thời biến đổi một cơ sở hạt nhân nước nặng để nơi này không thể sản xuất plutoni ở cấp độ vũ khí. Đổi lại, các lệnh trừng phạt do Liên hợp quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt nhằm vào nền kinh tế Iran được dỡ bỏ.

Việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi
JCPOA sau đó đã vấp phải sự chỉ trích của các đồng minh phương Tây như Đức và Pháp, trong khi chính quyền Tehran tuyên bố Iran sẵn sàng khôi phục hoạt động của các cơ sở làm giàu urani.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Trung Quốc có thể lo lắng nếu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc?
Trung Quốc có thể lo lắng nếu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc?

Một học giả đánh gá rằng mặc dù Trung Quốc luôn cảnh giác về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại châu Á nhưng trong trường hợp Lầu Năm Góc rút quân khỏi Hàn Quốc thì Bắc Kinh sẽ đối mặt với diễn biến mới không mong muốn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN