Iran phản đối báo cáo của IAEA

* Nga, Trung Quốc phản đối dùng vũ lực chống Iran

Báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về chương trình hạt nhân của Iran công bố ngày 8/11 đã vấp phải phản ứng dữ dội của Têhêran cũng như sự chỉ trích gay gắt từ Nga và Trung Quốc. Trong báo cáo này, IAEA bày tỏ “những quan ngại sâu sắc” về các hoạt động hạt nhân của Têhêran, đồng thời khẳng định IAEA có thông tin “đáng tin cậy” rằng Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân.

Ngày 9/11, phát biểu tại thành phố Shahr-e-Kord (miền trung Iran), Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã bác bỏ bản báo cáo trên, cho rằng văn bản này "thiên vị, không chuyên nghiệp và có động cơ chính trị". Ông cũng khẳng định: "Iran không cần bom hạt nhân và sẽ không lùi dù chỉ một bước nhỏ trên con đường đã chọn".

Cùng ngày, đại diện của Iran tại IAEA, ông Ali Asghar Soltanieh, tuyên bố với hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran rằng Têhêran “sẽ không bao giờ thỏa hiệp các quyền hợp pháp” trong việc theo đuổi chương trình hạt nhân của nước này. Trước đó, phát biểu với hãng thông tấn quốc gia Fars, ông Soltanieh khẳng định các tư liệu trong phụ lục của báo cáo của IAEA “không chứa đựng thông tin gì mới”. Theo ông Soltanieh, cộng đồng quốc tế sẽ coi những cáo buộc mới này mang động cơ chính trị.

Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran cũng ra tuyên bố khẳng định, những thông tin mà IAEA đưa ra đều lấy từ một máy tính cá nhân của một quan chức Iran bị mất cắp năm 2004 và những thông tin này không hề được cập nhật. IRNA cho rằng báo cáo của IAEA là một báo cáo tình báo, là sản phẩm được các cơ quan tình báo phương Tây nhào nặn. Trong khi đó, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cho rằng IAEA đang bị biến thành một công cụ để một số nước dùng để kiểm soát thế giới.

Tổng thống Iran Ahmadinejad phát biểu trước đám đông tại thành phố Shahr-e-Kord ngày 9/11. Ảnh: AFP-TTXVN

Nga ngày 9/11 cho rằng báo cáo trên của IAEA đang gây thêm căng thẳng trong cuộc đối đầu giữa các cường quốc phương Tây với Iran. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tỏ ý thất vọng khi cho rằng báo cáo của IAEA, ngay cả trước khi được công bố trong nội bộ các nước thành viên, đã gây ra những phỏng đoán và tin đồn, càng làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Têhêran và phương Tây. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cùng ngày cũng bày tỏ sự lo ngại về những đe dọa sử dụng vũ lực chống Iran, cho rằng lời đe dọa đó có thể dẫn tới chiến tranh, gây thảm họa cho cả Trung Đông.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết Bắc Kinh chính thức phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực đối với Iran, đồng thời đề nghị Têhêran mềm dẻo, thẳng thắn để tạo môi trường thúc đẩy nối lại tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân.

Về phía Mỹ, hãng AFP ngày 9/11 đưa tin, Oasinhtơn cảnh báo sẽ tìm cách gia tăng sức ép và có thể tìm kiếm những biện pháp trừng phạt mới đối với Iran. Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ nói rằng Têhêran phải giải tỏa những quan ngại mà IAEA nêu ra, đồng thời cho biết Oasinhtơn sẽ tham vấn các đối tác về việc gia tăng sức ép và bổ sung các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ Iran.

Theo nhận định của giới phân tích, báo cáo mới của IAEA vẫn chưa đủ “sức nặng” để Mỹ và các đồng minh có thể thuyết phục được Trung Quốc và Nga, hai nước thành viên thường trực trong HĐBA LHQ, về nhu cầu áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt chống Iran. Ông Peter Crail, nhà phân tích về chống phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí có trụ sở tại Oasinhtơn, cho biết: “Báo cáo này không chứa đựng những thông tin ‘bom tấn’ và không thể chứng minh rằng Iran sắp sản xuất vũ khí hạt nhân”. Tuy nhiên, ông cho rằng Oasinhtơn có thể lấy báo cáo này làm cái cớ để đẩy mạnh các lệnh trừng phạt Iran. Các chuyên gia cho rằng Nga và Trung Quốc có thể phong tỏa mọi nỗ lực của ban lãnh đạo IAEA đệ trình trường hợp của Iran lên Đại Hội đồng LHQ, khi ủy ban này nhóm họp vào hai ngày 10 và 11/11 tại Viên (Áo).

H.H (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN