Hungary muốn EU tài trợ các nước láng giềng Syria

Ngày 12/9, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đề xuất Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ 3 tỷ euro cho các nước láng giềng của Syria là Thổ Nhĩ Kỳ, Liban và Jordan.


Người di cư tại thị trấn Gevgelija sau khi qua biên giới Macedonia - Hy Lạp ngày 11/9. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo Hungary, đây là một biện pháp để đối phó với dòng người tị nạn từ Syria đang dổ về châu Âu, gây nên những hỗn loạn trong xã hội cũng như tạo nhiều khó khăn lúng túng cho nhà chức trách trong biện pháp xử lý. Ba nước trên là những cửa ngõ đầu tiên mà người dân Syria đi qua trên con đường di cư để trốn khỏi cuộc chiến tranh kéo dài suốt 4 năm qua ở quê hương.

Hàng nghìn người Syria đã chạy sang tị nạn tại các nước láng giềng, bao gồm 3 nước trên. Tuy nhiên, hiện dòng người Syria lại đổ về châu Âu. Thủ tướng Orban cho rằng người tị nạn Syria tìm đến châu Âu không phải để tìm kiếm cuộc sống an toàn, mà muốn có một cuộc sống chất lượng cao hơn so với trong các trại tị nạn ở các nước láng giềng, nơi họ vốn đã được an toàn. Ông nhấn mạnh những người này không phải tới từ khu vực có chiến tranh, mà là từ các trại tị nạn, nơi họ hoàn toàn không gặp nguy hiểm.

Hungary cùng với ba nước Đông Âu khác là CH Séc, Ba Lan và Slovakia kiên quyết phản đối kế hoạch phân bổ 160.000 người di cư cho tất cả các nước thành viên EU theo cơ chế hạn ngạch. Trong tuần qua, Hungary đã tăng quân số binh lính để xây dựng hàng rào ngăn chặn tại biên giới với Serbia, khi số người di cư muốn vượt biên tăng đến mức kỷ lục, thậm chí từ ngày 15/9 Hungary còn ban hành luật cho phép bắt giữ người di cư vượt biên trái phép.

Liên quan vấn đề người di cư, ngày 11/9, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã đình chỉ công tác lãnh sự danh dự Pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi phát hiện bà này bán xuồng cao su và áo phao cứu hộ cho người di cư vượt biển Địa Trung Hải tới châu Âu. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Romain Nadal cho biết, Ngoại trưởng Fabius đã ra lệnh đình chỉ công tác của lãnh sự danh dự Francoise Olcay sau khi xem một phóng sự truyền hình quay cửa hàng bán thiết bị đi biển của bà này ở thành phố nghỉ mát Bodrum, phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ, có treo quốc kỳ Pháp và tấm biển "Cơ quan lãnh sự Pháp" bên ngoài. 

Đoạn băng do kênh truyền hình 2 của Pháp quay từ camera được giấu kín cho thấy bà Francoise Olcay đang bán các xuồng bơm hơi và áo pháo cứu hộ cho người di cư và người tị nạn muốn vượt biển đến các đảo của Hy Lạp. Bà Olcay đã thừa nhận việc làm của mình, song tố cáo các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng có tham gia vào việc kinh doanh dựa trên mạo hiểm tính mạng của người di cư này.

Bodrum trở nên "nổi tiếng" hồi tháng trước qua bức ảnh chụp thi thể bé trai 3 tuổi người Syria đã thiệt mạng khi vượt biển cùng gia đình và bị sóng đánh giạt vào bờ biển của thành phố. Bức ảnh đã gây nên làn sóng phẫn nộ về nguy cơ đe dọa người di cư cũng như thúc đẩy phải hành động để ngăn chặn cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.

Lãnh sự danh dự là chức danh không được trả lương và không phải là nhà ngoại giao chuyên nghiệp. 

Theo báo cáo mới nhất ngày 11/9 của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), hơn 430.000 người di cư đã đến châu Âu trong năm nay qua đường biển Địa Trung Hải, trong đó IOM thống kê được 309.356 người tới Hy Lạp, 12.139 người tới Italy, 2.166 người tới Tây Ban Nha và 100 người tới đảo quốc Malta. Tuy nhiên, 2.750 người đã thiệt mạng trên con đường vượt biển.

Trong một diễn biến khác, phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn nguồn tin địa bàn cho biết Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn vào ngày 13/9 tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia để thảo luận về cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria và huy động các nỗ lực giải quyết vấn đề này.

Theo chương trình nghị sự, nội dung chính của cuộc họp là xem xét các cách thức và phương tiện để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo mà những người tị nạn Syria trong khu vực đang phải hứng chịu. Đầu tuần này, Tổng Thư ký OIC Iyad Madani Ameen đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đặt sang một bên tất cả các tính toán để tập trung những nỗ lực giải quyết vấn đề nhân đạo của cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria.

OIC cho biết tổ chức này đã theo dõi từ đầu và bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ mà những người di cư Syria đang phải đối mặt. Nhiều quốc gia thành viên của OIC như Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Jordan, Iraq và Ai Cập đang phải gánh vác trọng trách hỗ trợ những người tị nạn từ Syria. Các nước này đã phân bổ nguồn lực lớn nhằm cung cấp nơi ở cho hơn 4 triệu người tị nạn trên lãnh thổ của mình.

OIC cùng với Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (UNCHA) và các đối tác nhân đạo khác đã được phép mở rộng hoạt động giúp đỡ cho các nạn nhân của cuộc xung đột Syria.

TTXVN/Tin Tức
EU có thể tiếp tục họp thượng đỉnh khẩn cấp về vấn đề di cư
EU có thể tiếp tục họp thượng đỉnh khẩn cấp về vấn đề di cư

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 11/9 tuyên bố ông sẽ triệu tập hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngay trong tháng này nếu các bộ trưởng của khối không đạt được thỏa thuận về phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư trong cuộc họp vào tuần tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN