Gọng kìm siết chặt Tripôli

Ngày 18/3, với 10 phiếu thuận và 5 phiếu trắng (trong đó có Trung Quốc, Nga, Đức, Braxin và Ấn Độ), HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để áp đặt vùng cấm bay, bảo vệ các khu vực dân sự và gây sức ép buộc Tổng thống Libi Moamer Kadhafi chấp nhận ngừng bắn.

Đây được xem là động thái “bật đèn xanh” cho hành động can thiệp quân sự vào Libi với mục tiêu chặn đứng thế tấn công của lực lượng trung thành với ông Kadhafi nhằm vào phe đối lập.

Sắp xảy ra chiến dịch tấn công Libi?

Ngay sau khi HĐBA LHQ thông qua nghị quyết áp đặt vùng cấm bay tại Libi, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18/3 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron. Hãng tin AFP dẫn tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, các nhà lãnh đạo đã thống nhất rằng, Libi phải ngay lập tức tuân thủ tất cả các điều khoản của nghị quyết và ngừng các hành động bạo lực chống lại thường dân.

Tuyên bố khẳng định, lãnh đạo ba nước Mỹ, Anh và Pháp nhất trí “sẽ phối hợp chặt chẽ về các bước đi tiếp theo, tiếp tục hợp tác với các nước Arập cũng như những đối tác quốc tế khác nhằm đảm bảo thực thi nghị quyết của HĐBA về Libi”. Trước đó, đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice nói với báo giới rằng Oasinhtơn “vô cùng hài lòng” với động thái của HĐBA.

Toàn cảnh phiên họp bỏ phiếu của HĐBA LHQ để thông qua nghị quyết áp đặt vùng cấm bay tại Libi. Ảnh: AFP/ TTXVN


Tại Luân Đôn, Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố nghị quyết của HĐBA LHQ có ý nghĩa quan trọng trong việc “tránh đổ máu hơn nữa” tại Libi và Anh “có trách nhiệm” phải tuân theo nghị quyết này. Theo hãng AFP, Thủ tướng Anh David Cameron đã tổ chức một cuộc họp nội các khẩn cấp trong ngày 18/3 nhằm thảo luận về vai trò của các lực lượng Anh trong việc thực thi nghị quyết của HĐBA. Trong khi đó, người phát ngôn chính phủ Pháp Francois Baroin tuyên bố một hành động quân sự chống Libi dự kiến diễn ra trong “vài giờ tới” và Pháp sẽ tham gia chiến dịch tấn công này.

Hoan nghênh nghị quyết áp đặt vùng cấm bay tại Libi của HĐBA, Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/3 tuyên bố “sẵn sàng thực thi nghị quyết trong phạm vi quyền hạn và khả năng”. Cũng trong ngày 18/3, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng nhóm họp về vấn đề Libi. Theo người phát ngôn NATO Oana Lungescu, nội dung cuộc họp “thảo luận về việc thực thi nghị quyết của HĐBA và đưa ra các kế hoạch đối phó với những tình huống có thể xảy ra”.

Giới ngoại giao cho rằng, chiến dịch không kích do liên quân các nước Anh, Pháp và Mỹ thực hiện có thể sắp diễn ra trong bối cảnh quân đội của Tổng thống Kadhafi đang tiến tới thành trì của phe đối lập ở thành phố Benghazi. Một số quan chức Mỹ tiết lộ hành động quân sự “có thể bắt đầu từ ngày 20 hoặc 21/3 bằng máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay trinh sát”.

Tripôli quyết định thực hiện lệnh ngừng bắn

Phản ứng trước việc HĐBA LHQ thông qua nghị quyết cho phép thiết lập vùng cấm bay ở Libi, chính phủ Libi cũng tuyên bố sẵn sàng tuân thủ Nghị quyết của HĐBA. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tripôli, Ngoại trưởng Libi Mussa Kussa khẳng định Libi sẽ ngay lập tức ngừng tất cả các chiến dịch quân sự với lý do là Libi là một thành viên của LHQ, do đó nước này "buộc phải chấp nhận các nghị quyết của HĐBA".

Tuy nhiên, ông Kussa cũng bày tỏ lấy làm tiếc về nghị quyết của HĐBA LHQ áp đặt vùng cấm bay tại Libi, cho rằng việc cho phép can thiệp quân sự vào Libi là hành vi vi phạm chủ quyền nước này. Ông Kussa kịch liệt lên án các động thái chuẩn bị sử dụng vũ lực nhằm vào đất nước Bắc Phi này.

Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Libi đã lên tiếng cảnh báo sẽ đáp trả ngay lập tức mọi hành động quân sự nhằm vào nước này. Hãng thông tấn Jana của Libi dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng nước này đe dọa Tripôli có thể tấn công các máy bay cũng như các tàu quân sự và dân sự tại Địa Trung Hải nếu bị nước ngoài can thiệp quân sự.

Theo tin từ Cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu (Eurocontrol), Libi đã đóng cửa không phận nước này, động thái được xem là nhằm ngăn chặn việc thực hiện vùng cấm bay. Eurocontrol cho biết cơ quan này nhận được thông tin từ Manta, khẳng định cơ quan kiểm soát không lưu Libi đã ra tuyên bố không cho phép bất kỳ máy bay nào đi vào không phận Libi “cho đến khi có thông báo tiếp theo”. Tuy nhiên, thông tin này đã bị phía Libi bác bỏ.

Phản ứng trái chiều

Là 4 trong 5 nước bỏ phiếu trắng về nghị quyết áp đặt vùng cấm bay tại Libi của HĐBA LHQ, Nga, Trung Quốc, Đức và Ấn Độ ngày 18/3 kiên quyết bác bỏ khả năng can thiệp quân sự vào khủng hoảng chính trị tại Libi.

Hãng tin Nga Interfax dẫn lời Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Tướng Nikolai Makarov bác bỏ việc Mátxcơva tham gia vào chiến dịch quân sự chống Libi. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố nhấn mạnh rằng nước này vô cùng lo ngại về nghị quyết của LHQ, đồng thời khẳng định Bắc Kinh phản đối sử dụng lực lượng quân sự trong các quan hệ quốc tế.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cũng khẳng định quân đội Đức sẽ không tham gia một chiến dịch quân sự ở Libi vì “rất nguy hiểm”. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tuyên bố Niu Đêli muốn thấy người dân Bắc Phi và Tây Á tự đưa ra quyết định của mình mà “không có sự can thiệp của bên ngoài”.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Bongdan Klich cho biết nước này sẽ đưa ra các hỗ trợ về hậu cần nhưng sẽ không đóng vai trò quân sự ở Libi. Mặc dù đánh giá nghị quyết của HĐBA là “một hành động quyết định” và “một bước đi quan trọng trên mặt trận ngoại giao”. Ôxtrâylia cũng bác bỏ khả năng can dự quân sự của nước này vào khủng hoảng chính trị tại Libi. Tại Ancara, Thổ Nhĩ Kỳ một mặt hoan nghênh việc LHQ áp đặt vùng cấm bay tại Libi, kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và chấm dứt tình trạng đổ máu ở quốc gia Bắc Phi này, mặt khác tái xác nhận quan điểm phản đối “sự can thiệp nước ngoài” vào tình hình Libi.

Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Arập (AL) Amr Moussa ngày 18/3 nhận định nghị quyết của HĐBA LHQ về Libi là nhằm bảo vệ dân thường và không hậu thuẫn cho bất kỳ cuộc xâm lược nào. Ông Moussa nhấn mạnh ông không muốn bất cứ bên nào "đi quá xa".

Theo ông Moussa, sự can thiệp của bất kỳ quốc gia Arập nào trong việc thực thi lệnh áp đặt "vùng cấm bay" cũng như các hành động khác đối với Libi cũng sẽ được thảo luận ở cấp độ song phương do nghị quyết của AL, trong đó ủng hộ thực hiện "vùng cấm bay" đối với Libi, không nói rõ chi tiết về các động thái khác do các nước trong khối này tiến hành.

Căng thẳng leo thang tại Baranh
Căng thẳng tại Baranh có nguy cơ leo thang mạnh khi phe đối lập ngày 18/3 tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc biểu tình chống chính quyền. Các thủ lĩnh phe đối lập cho biết biểu tình sẽ diễn ra sau lễ cầu nguyện vào thứ sáu hàng tuần trong phạm vi các khu vực cầu nguyện và không tuần hành trên đường phố. Ngoài ra, phe đối lập dự kiến tổ chức một cuộc biểu tình trên toàn quốc vào ngày 19/3. Lãnh đạo phe đối lập ở Baranh cùng ngày kêu gọi Arập Xêút rút quân và đề nghị LHQ điều tra hành động trấn áp người biểu tình.
Trong một diễn biến khác, một quan chức quân đội Cata cho biết có binh lính nước này trong thành phần các lực lượng Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) được triển khai đến Baranh để giúp bình ổn tình hình tại đây theo đề nghị của chính phủ Baranh. Đây là sự xác nhận chính thức đầu tiên về sự tham gia của Cata vào lực lượng chung này.
Trong khi đó, các cường quốc trên thế giới đã mạnh mẽ đả kích việc Baranh trấn áp những người biểu tình, và quyết định của Quốc vương Baranh sử dụng binh sĩ nước ngoài để giúp giữ gìn trật tự.
Tại Yêmen, Tổng thống Ali Abdullah Saleh ngày 18/3 đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong bối cảnh các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình chống chính phủ và cảnh sát ngày càng gia tăng. Theo AFP, ít nhất 41 người đã thiệt mạng sau khi cảnh sát xả súng vào những người biểu tình ở khu vực quảng trường gần trường Đại học Sanaa.

Nam Hạnh

HĐBA LHQ cho phép thiết lập vùng cấm bay ở Libi
HĐBA LHQ cho phép thiết lập vùng cấm bay ở Libi

Sáng 18/3 (giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết cho phép thiết lập vùng cấm bay ở Libi, đồng thời kêu gọi thực hiện "mọi biện pháp cần thiết", không bao gồm lực lượng trên mặt đất, nhằm bảo vệ dân thường trước nguy cơ bị tấn công tại Libi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN