'D8 có thể đáp ứng thách thức toàn cầu'

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước có dân số Hồi giáo lớn (D8), tổ chức tại thủ đô Islamabat (Pakistan), Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã khẳng định D8 có thể đóng một vai trò quan trọng trong tình cảnh có thách thức trên toàn cầu.

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono. Ảnh: Internet.


Tổng thống Yudhoyono nêu rõ những thách thức toàn cầu nổi bật hiện nay là cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, bất ổn về giá năng lượng và lương thực, các thảm họa thiên nhiên gia tăng về tần suất xuất hiện cũng như mức độ gây thiệt hại và khó lường, do biến đổi khí hậu gây ra.

Ông Yudhoyono cho rằng để đối phó với những thách thức trên, D8 nên có và thực thi các biện pháp ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Chẳng hạn như:

Thứ nhất, mỗi nước thành viên của khối cần duy trì ổn định và tăng trưởng kinh tế, vốn đã đạt được mức cao, trung bình khoảng 6%.

Thứ hai, thúc đẩy hợp tác nội khối, nhất là trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, khi kim ngạch trao đổi mậu dịch nội khối hiện đã đạt 130 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng giá trị thương mại của D8 với phần còn lại của thế giới, và đầu tư nội khối đã tăng 4% trong năm 2011.

Thứ ba, khám phá sự hợp tác trong xây dựng kết nối lớn hơn thông qua đầu tư nhiều hơn trong nước, phát triển cơ sở hạ tầng, du lịch, vận tải hàng không, vận tải biển, bao gồm cả các dịch vụ cảng, hài hòa các chính sách và tăng cường giao lưu hiểu biết giữa người dân trong khối.

Thứ tư, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bảo trợ xã hội nhằm ngăn chặn khả năng bị rơi vào một chu kỳ mới của nghèo đói, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ còn gặp khó khăn do các ảnh hưởng và điều kiện bất lợi của nền kinh tế Mỹ và châu Âu.

Thứ năm, tăng cường hợp tác trong việc xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Đây là một yêu cầu rất quan trọng, bởi các SME là xương sống của nền kinh tế và là khu vực hấp thu nhiều lao động nhất của xã hội.

Và cuối cùng là củng cố hơn nữa sự hợp tác trong đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng và đạt được các “Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015”. Để thực hiện được các mục tiêu này, D8 cần tăng cường khuôn khổ thể chế của nó, bao gồm vai trò của Ban Thư ký và Tổng thư ký.

Hội nghị - với sự tham dự của Tổng thống các nước Pakistan, Indonesia, Iran, Ai Cập, Nigeria, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Phó Thủ tướng Malaysia và đại diện cố vấn Thủ tướng Bangladesh - nhất trí thúc đẩy nâng tổng giá trị đầu tư và thương mại giữa các nước trong nhóm lên 507 tỷ USD vào năm 2018.

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Hatta Rajasa nói rằng các nước D8 đã đặt mục tiêu nâng tỷ trọng kim ngạch thương mại của nhóm lên 15-20% trong tổng kim ngạch thương mại thế giới, được dự báo có thể tăng gấp đôi từ 14.000 tỷ USD hiện nay lên 28.000 tỷ USD trong 10 năm tới.

Hội nghị cấp cao D8 được xem là một diễn đàn quan trọng để các nước thành viên trao đổi về quan hệ song phương cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

D8 được thành lập năm 1997 với 8 quốc gia thành viên gồm Bangladesh, Ai Cập, Indonesia, Iran, Malaysia, Nigeria, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ.


Việt Tú (P/v TTXVN tại Jarkarta)
Tại sao ông Obama không thể cải thiện quan hệ Mỹ - Hồi giáo?
Tại sao ông Obama không thể cải thiện quan hệ Mỹ - Hồi giáo?

Theo báo “Bưu điện quốc gia” (Canađa) ngày 22/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không hoàn thành được nhiệm vụ là mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo như ông đã cam kết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN