COVID-19 tại ASEAN ngày 2/8: Malaysia tử vong nhiều nhất từ đầu dịch; Indonesia kéo dài hạn chế xã hội

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 2/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm trên 72.600 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 152.500 người.

Chú thích ảnh
Vận chuyển oxy để phân phối tới các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Mengwi, trên đảo Bali, Indonesia, ngày 26/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Philippines. Đông Nam Á đang là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” ngày càng nghiêm trọng, số ca mắc mới và ca tử vong tiếp tục tăng mạnh trong nhiều ngày liên tiếp. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và mắc mới cao nhất châu Á. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia chiếm tới trên 50% số người chết của châu Á và Indonesia hiện là tâm dịch của cả thế giới.

Trong khi đó, diễn biến dịch cũng rất nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Tuy nhiên, Philippines đang chứng kiến số ca tử vong và ca mắc thấp hơn khá nhiều các nước thành viên khác, báo hiệu dịch có dấu hiệu chững lại ở quốc gia này. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận 77 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm chủng COVID-19 lưu động tại Nusa Dua trên đảo Bali, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Malaysia tình hình vô cùng đáng ngại. Nước này hiện cũng là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động.

Ngày 2/8, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 219 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ hai trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua tiếp tục không công bố số liệu dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ trên đường phố ở Bangkok, ngày 21/7/2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 2/8 ghi nhận thêm 17.970 ca bệnh mới (nhiều thứ 2 khu vực), trong khi số ca tử vong là 178 người. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.

Campuchia dịch bệnh cũng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 560 bệnh nhân mới và 22 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia trải qua giai đoạn dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 152.507 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 2.064 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 7.474.230 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 6.118.231 trường hợp.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nhà sư tại Bangkok, Thái Lan, ngày 31/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, có 9/11 nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á ngày 2/8:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 3,462,800 +22,404 97,291 +1,568 2,842,345
Philippines 1,605,762 +8,167 28,093 +77 1,515,054
Malaysia 1,146,186 +15,764 9,403 +219 937,732
Thái Lan 633,284 +17,970 5,168 +178 419,241
Myanmar 302,665   9,731   213,227
Việt Nam 161,761 +7,455 1,306   43,157
Campuchia 78,474 +560 1,442 +22 71,517
Singapore 65,213 +111 37   62,957
Timor-Leste 10,982 +16 26   9,941
Lào 6,765 +199 7   3,180
Brunei 338   3   280
Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 29/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia ghi nhận số ca tử vong trong một ngày cao nhất từ đầu dịch 

Ngày 2/8, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này ghi nhận 219 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, mức trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, nâng tổng số ca tử vong lên 9.403 ca.

Theo quan chức cấp cao thuộc Bộ Y tế Malaysia, ông Noor Hisham Abdullah, nước này cũng có thêm 15.764 ca mắc mới, trong đó chỉ có 6 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca bệnh lên 1.146.186 ca. Đến nay, 937.732 bệnh nhân COVID-19 ở nước này đã phục hồi.

Hãng thông tấn Bernama ngày 31/7 đưa tin Malaysia đã kéo dài tình trạng khẩn cấp tại bang miền Đông Sarawak cho đến tháng 2/2022, theo đó sẽ hoãn các cuộc bầu cử địa phương trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Như vậy bang Sarawak là địa phương duy nhất tại Malaysia gia hạn tình trạng khẩn cấp, trong khi các địa phương khác sẽ kết thúc tình trạng khẩn cấp quốc gia từ ngày 1/8.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại đảo Bali, Indonesia ngày 27/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia kéo dài các hạn chế xã hội cấp độ 4 

Ngày 2/8, Chính phủ Indonesia đã quyết định gia hạn lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 4 ở một số tỉnh và thành phố từ ngày 3-9/8 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Ban đầu, Indonesia triển khai PPKM khẩn cấp từ ngày 3-20/7 trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng đột biến, trước khi đổi tên thành PPKM cấp độ 4 triển khai từ ngày 21-25/7 và kéo dài từ ngày 26/7-2/8.

Trong bài phát biểu trên kênh Youtube chính thức của Phủ tổng thống, Tổng thống Joko Widodo cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi cân nhắc diễn tiến của một số chỉ số tính đến ngày 1/8. Theo ông, PPKM cấp độ 4 kéo dài từ ngày 26/7 đã mang lại những cải thiện trên một số khía cạnh, từ số ca mắc mới COVID-19, số bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà, tỷ lệ hồi phục, đến tỷ lệ sử dụng giường của các bệnh viện được chỉ định chữa trị bệnh nhân COVID-19 (BOR).

Tuy nhiên, truyền thông sở tại cho biết trong thời gian triển khai PPKM khẩn cấp và PPKM cấp độ 4, số ca mắc và số ca tử vong do COVID-19 vẫn chưa sụt giảm nhiều tuy số lượng bệnh nhân hồi phục có sự gia tăng. Số ca tử vong do COVID-19 ở Indonesia đã đạt mốc kỷ lục 2.069 ca vào ngày 27/7 và tổng cộng 19.523 ca trong 13 ngày áp dụng PPKM cấp độ 4, tương đương 1.622 ca mỗi ngày. Trong khi đó, tổng số ca mắc COVID-19 là 512.382 ca, tương đương 39.414 ca mỗi ngày.

Chú thích ảnh
Du khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Changi, Singapore ngày 15/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Singapore thắt chặt kiểm soát với người đến từ Australia và tỉnh Giang Tô (Trung Quốc)

Bộ Y tế (MOH) Singapore ngày 1/8 thông báo nước này sẽ thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới đối với những người đến từ Australia hoặc tỉnh Giang Tô của Trung Quốc sau khi số ca mắc COVID-19 gia tăng tại những nơi này.

Kể từ 0 giờ ngày 3/8, tất cả những người có lịch sử đi lại đến Australia trong 21 ngày qua sẽ phải thực hiện cách ly 14 ngày tại cơ sở tập trung hoặc tại nơi ở, nhiều hơn 7 ngày so với quy định trước. Những người chọn cách ly tại nơi cư trú phải ở một mình, hoặc với các thành viên trong gia đình có cùng thời hạn cách ly và lịch sử đi lại.

Những người này trước khi đến Singapore phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ. Ngoài ra, những người này còn phải thực hiện xét nghiệm PCR khi đến và trước khi kết thúc thời gian cách ly cũng như làm các xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ ba, thứ bảy và thứ 11 trong thời gian cách ly.

Chú thích ảnh
Du khách tại sân bay quốc tế Changi, Singapore ngày 7/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bên cạnh đó, công dân Singapore, thường trú nhân hoặc có thẻ cư trú dài hạn có lịch sử đến tỉnh Giang Tô của Trung Quốc trong vòng 21 ngày qua sẽ phải cách ly 7 ngày tại nơi cư trú và phải làm xét nghiệm PCR khi đến và trước khi kết thúc thời gian cách ly.

Còn những du khách cư trú ngắn hạn có lịch sử đến tỉnh Giang Tô trong vòng 21 ngày sẽ không được phép nhập cảnh vào Singapore. Du khách đến từ các khu vực khác của Trung Quốc vẫn được phép nhập cảnh vào Singapore mà không cần phải cách ly nếu kết quả xét nghiệm PCR của họ là âm tính.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
ASEAN tái khẳng định cam kết đối phó với COVID-19 và thiên tai 
ASEAN tái khẳng định cam kết đối phó với COVID-19 và thiên tai 

Ngày 2/8, tờ Vientiane Times đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Saleumxay Kommatsith đã dẫn đầu đoàn đại biểu Lào tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 54 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 2-6/8 theo hình thức trực tuyến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN