Công nhân “đắt giá” hơn cử nhân, tiến sĩ

Sự bùng nổ của ngành khai thác mỏ tại Ôxtrâylia nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Trung Quốc và Ấn Độ đã khiến nhu cầu nhân lực trong ngành này gia tăng rất nhanh trong khi số thợ lành nghề lại có hạn. Tận dụng cơ hội này, các tổ chức nghiệp đoàn đã thương lượng thành công mức lương cho hội viên của mình, giúp công nhân Ôxtrâylia trở thành những công nhân được trả lương vào hàng cao nhất thế giới.

Công nhân hầm mỏ - nghề được trả lương hậu hĩnh ở Ôxtrâylia. Ảnh: Internet


Theo tờ Người Ôxtrâylian, lương của các công nhân ở tiểu bang hầm mỏ Tây Ôxtrâylia lên tới 100.000 đôla Ôxtrâylia (AUD)/năm (khoảng 98.000 USD). Mức lương của các thợ hàn đảm nhiệm việc ráp nối dàn khoan ngoài biển còn “ngất ngưởng” hơn, là… 2.000 AUD/ngày. Các công nhân lành nghề trong lĩnh vực xây dựng làm việc trong các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện cũng được trả mức lương là 4.000 AUD/tuần.

Ngoài lương, công nhân làm việc tại các công trình như dàn khoan ngoài khơi hay hầm mỏ ở những nơi hẻo lánh còn được nhận thêm nhiều loại phụ cấp khác. Ví dụ, thợ hàn do phải sống trong các nhà hộp kiểu container đặt trên xà lan xây dựng, không có toilet và phòng tắm riêng nên được trả thêm 90 AUD/ngày. Còn các thợ hàn làm việc cho hãng ExxônMbill ngoài khơi vùng biển Tây Ôxtrâylia của hãng ExxonMobil được hưởng phụ cấp 30 AUD/ngày, đổi lấy việc hy sinh sự riêng tư khi sống chung 2 người trong một cabin.

Năm 2010, công nhân dàn khoan thuộc dự án Kipper Tuna Turrum của tập đoàn BHP Billiton tại eo biển Bass Strait, nằm giữa lục địa Ôxtrâylia và đảo Tasmani, đã được tăng lương 30% so với năm 2009, khiến chi phí của dự án bị "đội" lên 160 triệu AUD.

Trong khi đó, công nhân xây dựng, thợ lành nghề tại một số dự án xây dựng ở tiểu bang Victoria đang được nhận mức lương và phụ cấp rất hậu hĩnh, tổng cộng có thể lên đến 210.000 AUD/năm. Đó là các công nhân đang làm việc tại công trình nâng cấp nhà máy xử lý nước thải ở Eastern, nhà máy lọc nước biển ở Wonthaggi, nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt ở Mortlake... Tại những dự án này, các lao động không có tay nghề, làm những công việc chân tay cũng có thể được trả mức lương khoảng 1.600 AUD/tuần.

Ngoài ra, công nhân còn được hưởng nhiều loại phụ cấp khác như phụ cấp độc hại khi phải làm việc trong môi trường không đảm bảo an toàn, tiền làm thêm giờ, tiền ăn trưa, tiền đi lại, tiền mua băng cấp cứu, tiền tàu xe nếu phải sống xa nhà... Các khoản phụ cấp này đã giúp lương của thợ xây tăng... gấp đôi. Bên cạnh đó, vì thời gian xây dựng có thể kéo dài từ 2-3 năm nên giới chủ thường tăng lương cho các thợ giỏi, đã quen việc để dự án mau hoàn tất.

Nguyên nhân chính khiến lương cho công nhân đạt mức cao như vậy là do tình trạng thiếu thợ lành nghề và các đại diện nghiệp đoàn đã khai thác tình thế ngặt nghèo này. Mỗi khi nghiệp đoàn đưa ra yêu sách tăng lương thì giới chủ đành phải chiều theo vì sợ đình công, ảnh hưởng đến tiến độ đã được quy định trong hợp đồng.

Ông Kristoff Nicholas, một thợ xây sống ở khu vực Newcastle của bang New South Wales, xác nhận công nhân xây dựng ở Ôxtrâylia đang sống "rất thoải mái". Các loại thợ nề, thợ cắt kính, thợ lát gạch hay thợ điện tại các dự án xây dựng nhà cửa có thể dễ dàng kiếm được 2.500 AUD/tuần.

Trong khi đó, giới đầu tư và nhà thầu thì than thở về sức ép từ việc quỹ lương cho công nhân tăng cao "quá đáng". Những người lao động thuộc diện "cổ cồn trắng" cũng thấy "tủi phận" trước túi tiền rủng rỉnh của các công nhân "cổ áo xanh". Rõ ràng là các thợ hàn, thợ nề, thợ lát gạch thu nhập cao hơn hẳn các chuyên viên kỹ thuật, các chuyên gia tốt nghiệp đại học, cao học, thậm chí cả các chuyên gia có bằng tiến sĩ.

Một chuyên gia tài chính làm việc cho ngân hàng Westpac tên là Alan Parsons cho biết, hàng xóm của anh ta là một thợ điện, sống khá sung túc. Alan tủi thân nói: "Tôi tôn trọng công việc của anh ta, nhưng nhìn lại mình thì không hiểu tại sao một người có học, bằng cấp đầy mình và có việc làm như tôi đây mà vẫn phải vật lộn với cuộc sống khó khăn?". Alan cho rằng đó là lý do tại sao khi có cơ hội, giới chuyên môn Ôxtrâylia lại bỏ đi các nước khác kiếm việc làm, dẫn đến tình trạng "xứ sở chuột túi" ngày càng bị "chảy máu chất xám".

Đoàn Hùng
(P/v TTXVN tại Ôxtrâylia)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN