Châu Âu năm 2011: Bê bối và bạo lực

Không kể cuộc khủng hoảng nợ công vẫn đang là tâm điểm chú ý của thế giới, châu Âu trải qua năm 2011 với nhiều sự kiện chính trị - xã hội không yên ả. Nổi bật nhất là cuộc tàn sát đẫm máu ở Na Uy, vụ bê bối tình dục của Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và vụ Thủ tướng Italia từ chức.

Sự kiện gây sốc nhất đối với người dân châu Âu trong năm qua có lẽ là vụ tàn sát điên cuồng xảy ra hồi tháng 7 ở thủ đô Ôxlô của Na Uy. Thủ phạm là Anders Behring Breivik, 32 tuổi, một kẻ có tư tưởng cực hữu và có dấu hiệu tâm thần. Có tới 77 người chết trong vụ đánh bom ở Ôxlô và vụ xả súng vào khu cắm trại ở đảo Utoya đều do Breivik gây ra. Khi lần đầu tiên xuất hiện tại tòa vào tháng 11/2011, Breivik nói rằng hắn là chỉ huy của một phong trào chống Hồi giáo ở châu Âu. Biên bản giám định y khoa cho thấy Breivik có dấu hiệu của một bệnh nhân tâm thần thích bạo lực. Nếu giám định này được tòa án công nhận, hắn sẽ tránh được hình phạt bóc lịch dài hạn trong trại giam để đi chữa bệnh. Lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh, châu Âu rúng động vì một thảm họa súng đạn xảy ra ở một trong những quốc gia thanh bình nhất.

Chiếm khá nhiều sự quan tâm của dư luận châu Âu trong năm qua là sự kiện Julian Assange, nhà sáng lập trang web Wikileaks, cho vén màn nhiều thông tin tối mật thuộc các lĩnh vực, liên quan đến nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới. Trở thành kẻ thù chung của nhiều người bị anh làm bẽ mặt, Assange dạt sang Anh cư trú. Tháng 2, anh bị tòa án địa phương ra phán quyết dẫn độ về Thụy Điển trong một vụ kiện liên quan đến tình dục, nhưng sau đó Assange kháng án thành công và tiếp tục ở lại Anh.

Cũng liên quan đến bê bối tình dục, nhưng sự kiện Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Dominique Strauss-Kahn mất chức thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân Pháp, bởi ông không chỉ là người Pháp mà còn là ứng cử viên nặng ký cho chiếc ghế Tổng thống nước này. Tháng 5/2011, Strauss-Kahn bị một cô hầu phòng khách sạn ở New York cáo buộc tấn công tình dục. Mặc dù không bị kết tội, nhưng danh tiếng của Strauss-Kahn bị tổn hại nặng nề và sự nghiệp chính trị chính thức bị nhấn chìm theo một số vụ bê bối tình dục khác, trong đó có vụ quấy rối một nữ nhà văn đồng hương.

Trong khi đó, ở nước láng giềng phía đông nước Pháp, sự nghiệp của Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã chính thức chấm dứt sau một loạt bê bối tình dục, kiện cáo tham nhũng và bất lực trong điều hành kinh tế. Vị thủ tướng 75 tuổi nhiều tiền lắm tật này bị cáo buộc tham gia nhiều bữa tiệc thác loạn, song tình trạng kinh tế đất nước đi xuống liên tục và khoản nợ 1.900 tỷ euro của Italia mới là yếu tố chính khiến ông phải rời khỏi dinh thủ tướng bằng cửa ngách, trong sự la ó của đám đông bên ngoài.

Biểu tình chống chính phủ lan rộng là một điểm đáng chú ý tại châu Âu trong năm qua. Tại Tây Ban Nha, Tháng 5 đã chứng kiến sự ra đời của phong trào phản kháng trong giới trẻ, với hàng vạn người cắm trại biểu tình ở các quảng trường lớn nhằm phản đối đời sống kinh tế đi xuống. Tháng 11, chính phủ của đảng Xã hội do Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero thất bại nặng nề trong các cuộc bỏ phiếu và phải nhường quyền lãnh đạo cho đảng Nhân dân. Một sự kiện lớn khác của “xứ sở bò tót” xảy ra trong tháng 10, sau khi phong trào ly khai ETA thông báo ngừng chiến vĩnh viễn cuộc chiến đấu đòi độc lập cho xứ Basco kéo dài suốt 5 thập kỷ, khiến hơn 800 người thiệt mạng. Làn sóng biểu tình trong giới công chức, sinh viên và người về hưu cũng lan rộng ở Anh.


Trong khi người dân châu Âu đang chuẩn bị đón Giáng Sinh và năm mới 2012 thì lại xảy ra một vụ tàn sát nữa, lần này diễn ra ở thành phố Liege của Bỉ. Nordine Amrani, 33 tuổi – một kẻ đã có nhiều tiền án liên quan đến súng đạn và ma túy - giấu một quả lựu đạn trong người, len vào giữa đám đông và giật chốt. 5 người đã thiệt mạng, trong đó có một em bé 18 tháng tuổi, và 122 người bị thương trong vụ thảm sát đánh dấu một năm đầy biến động và đau thương với người dân châu Âu.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN