Cần lại niềm tin

Với số đông người Mỹ và cả thế giới, người ta đang cố gắng lý giải tại sao việc Mỹ mất đi một chữ A lại gây nên một vụ đổ vỡ lớn như vậy trên thị trường chứng khoán và tài chính toàn cầu và phủ xám triển vọng kinh tế vốn đang hồi phục mong manh của họ. Phải chăng thế giới lại đang đứng bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng mới và đâu là con đường để thoát khỏi tình trạng rối ren hiện nay.

Khủng hoảng lòng tin

Từ sắc đỏ ngập tràn tại các sàn chứng khoán với sự lao dốc không phanh của các chỉ số chứng khoán chủ chốt, tới việc giá vàng liên tiếp phá các kỷ lục “cao nhất mọi thời đại”, cho tới giá dầu mỏ liên tiếp giảm, tất cả đều được quy cho việc các nhà đầu tư đang mất lòng tin vào nền kinh tế đầu tàu thế giới vừa bị Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard and Poor's (S&P) đánh tụt hạng tín nhiệm từ mức cao nhất là AAA xuống mức AA+. Không chỉ thế, Giám đốc Điều hành S&P John Chambers còn cho biết cơ quan này không loại trừ khả năng hạ cấp tín nhiệm của Mỹ thêm một bậc nữa nếu tình trạng mất cân bằng tài chính ngày càng nghiêm trọng của nước này không được cải thiện. Ngay cả trước khi S&P ra thông báo “lịch sử” ngày 5/8, các nhà đầu tư đã đổ xô bán tống bán tháo chứng khoán; và tuần trước, thị trường Mỹ và toàn thế giới đã trải qua đợt mất điểm lớn nhất trong năm.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, sự chao đảo trên thị trường cũng như những lo ngại rằng thế giới đang đứng bên bờ vực một cuộc khủng hoảng mới không phải chỉ xuất phát từ các khó khăn tài chính của Mỹ mà còn từ cả cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng ở châu Âu. Từ đầu tháng này, các thị trường tài chính Italia và Tây Ban Nha, hai nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã “lên cơn sốt” khi lãi suất vay mượn của chính phủ tăng cao kỷ lục kể từ khi lưu hành đồng euro từ đầu năm 1999. Thực trạng này làm gia tăng quan ngại Italia và Tây Ban Nha sẽ nối gót Aixơlen, Hy Lạp và Bồ Đào Nha rơi vào vòng xoáy nợ công.

Các nhà đầu tư căng thẳng theo dõi diễn biến trên sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 9/8/2011. Ảnh: AFP/TTXVN


Các nhà quan sát nhận định việc Mỹ bị tụt hạng tín nhiệm không chỉ gây tác động tiêu cực nghiêm trọng cho nền kinh tế của Mỹ mà còn của cả thế giới. Không chỉ tác động trực tiếp tới lòng tin của các nhà đầu tư, việc Mỹ bị đánh tụt xếp hạng làm gia tăng nghiêm trọng tính bất ổn của thị trường tài chính vốn đã rất yếu ớt. Bên cạnh đó, nó làm gia tăng giá thành huy động tài chính và làm tăng sự quan ngại của thị trường toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, khiến các nền kinh tế khu vực đồng euro, vốn đã thiếu tín dụng, càng dễ bị tác động hơn, làm cho cuộc khủng hoảng lòng tin của thị trường đối với tín dụng Âu-Mỹ càng lớn. Bên cạnh đó, việc Mỹ bị tụt hạng tín dụng cũng khiến giá thành vay tiền chi tiêu của người dân Mỹ tăng cao, sức mua sẽ giảm, mà nhu cầu của Mỹ suy giảm sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế của các nước dựa vào đơn đặt hàng của Mỹ sẽ chậm lại. Chưa kể, việc Mỹ bị tụt hạng tín nhiệm sẽ gây thiệt hại cho các nước chủ nợ của Mỹ trên toàn cầu. Một khi Mỹ mất đi vị thế quốc tế trước đây, đồng USD sẽ sụt giá mạnh, những nước nắm giữ một lượng lớn trái phiếu của Mỹ như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga... sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng.

Hướng đi nào cho kinh tế toàn cầu

Trước mối đe dọa đối với sự ổn định của thị trường tài chính thế giới từ khủng hoảng nợ tại châu Âu và Mỹ, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), nhóm các nền kinh tế phát triển và đang nổi (G20), rồi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều đã có những động thái mang tính khẩn cấp. Các hội nghị qua điện thoại đã được triệu tập để huy động trí tuệ tập thể nhằm đối phó tình hình. Ngay sau đó là các cam kết “hành động theo hướng tin cậy và hợp tác lẫn nhau” được đưa ra. Song, hơn ai hết, chính những nước là căn nguyên của cơn khủng hoảng hiện nay đều hiểu một thực tế rằng để cứu mình, họ phải lấy lại được niềm tin của các nhà đầu tư trước đã. Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một phát biểu đầu tuần này cho rằng thách thức kinh tế thực sự đối với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ hiện nay là đề ra những giải pháp hữu hiệu nhằm cải thiện tình hình tài khóa liên bang về lâu dài. Thừa nhận những khó khăn tài chính của mình, song ông cho rằng các vấn đề kinh tế của đất nước có thể giải quyết được nếu đủ “quyết tâm chính trị”. Ông cũng bày tỏ hy vọng việc S&P đánh tụt chỉ số tín dụng của Mỹ sẽ giúp các nhà lập pháp nước này ý thức được rằng phải khẩn trương giải quyết thách thức về thâm hụt ngân sách.

Người đứng đầu chính phủ Mỹ nhấn mạnh, các thị trường tiếp tục khẳng định tín dụng của Mỹ vẫn nằm trong số “an toàn nhất thế giới”. Có một vài lý do để ông Obama tin như vậy bởi hai hãng xếp hạng tín nhiệm lớn khác là Moody’s và Fitch’s vẫn giữ xếp hạng AAA đối với Mỹ cũng như tin tưởng vào vị trí “độc nhất vô nhị” của đồng USD như một đồng tiền dự trữ toàn cầu. Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, đều nằm trong số những chủ nợ lớn của Mỹ, tiếp tục bày tỏ niềm tin vào trái phiếu chính phủ Mỹ.

Tại châu Âu, việc ECB tuyên bố mua các cổ phiếu của Italia và Tây Ban Nha đã giúp hạ nhiệt phần nào mối lo nợ công bùng ra toàn châu Âu. Trong khi đó, bản thân hai nước này cũng đã có những hành động khẩn cấp nhằm trấn an thị trường. Hồi tháng 7 vừa qua, Italia đã thông qua kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” kéo dài 3 năm nhằm đáp ứng các quy định về thâm hụt ngân sách của Liên minh châu Âu. Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đánh giá trong năm 2010 giới chức Tây Ban Nha đã thực hiện một loạt chính sách mạnh mẽ nhằm vượt qua những thách thức kinh tế nghiêm trọng. Phản ứng này đã giúp nền kinh tế phục hồi dần và đạt được sự tái cân bằng cần thiết.

Nền kinh tế thế giới vốn vừa hồi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008 lại đang đứng trước những thách thức mới. Đối phó với những thách thức này vừa cần có quyết tâm chính trị của từng nước, lại vừa cần cả nỗ lực tập thể bởi không một nền kinh tế nào có thể phát triển riêng lẻ trong bối cảnh toàn cầu hoá. Và thế giới cũng cần phải có cả niềm tin mãnh liệt về khả năng vượt khó để cơn suy thoái nữa của kinh tế thế giới không có cơ hội tái diễn.

Đỗ Sinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN