Bạo động ở Libi rung chuyển thế giới dầu lửa

Quyền lực của nhà lãnh đạo Libi Muammar Gaddafi dường như rơi vào thế "ngàn cân treo sợi tóc" hôm 21/2, khi làn sóng nổi dậy ở Trung Đông đẩy cường quốc dầu lửa lớn nhất Bắc Phi này vào tình trạng hỗn loạn, không chỉ đe dọa chấm dứt 41 năm cầm quyền của Gaddafi mà còn làm rung chuyển cả thế giới dầu lửa.

Ước tính có tới 300 người đã bị thiệt mạng trong một tuần xảy ra các vụ đụng độ giữa những người biểu tình và các lực lượng an ninh ở Libi. Giá dầu giao sau đã tăng mạnh tại Luân Đôn và Niu Yoóc do các công ty dầu lửa đua nhau rút nhân viên về nước để tránh tình trạng hỗn loạn gia tăng ở Libi.

Theo đài truyền hình Al Jazeera, ngày 21/2 có nhiều tin đồn rằng chính quyền Libi đã sụp đổ hoàn toàn. Các đại sứ của Libi ở Inđônêxia, Ba Lan và Băngla Đét cũng như các nhà ngoại giao cấp thấp hơn của Libi ở Thụy Điển đã từ chức để phản đối vụ đàn áp tàn bạo nhằm vào những người biểu tình.

 Còn theo BBC, Gaddafi đã ra lệnh cho Không quân phóng hỏa vào các kho quân sự để ngăn chặn vũ khí rơi vào tay các nhóm chống chính phủ. Ngoại trưởng Anh William Hague đã khiến cho tình hình trở nên kịch tính hơn khi nói với các phóng viên hôm 21/2 rằng Gaddafi đang trên đường đến Vênêxuêla.

 Tuy nhiên, theo tin mới nhất, Vênêxuêla đã phủ nhận việc nước này đồng ý cho nhà lãnh đạo Libi tị nạn. Khoảng 2 giờ sáng ngày 22/2 (theo giờ Libi), đài truyền hình nước này đã phát một đoạn băng rất ngắn về Gaddafi, trong đó ông này nói rằng ông không ở Vênêxuêla mà vẫn ở Tripôli.Nhân tố có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với nền kinh tế Libi là dầu lửa, đóng góp hơn 90% doanh thu của nước này.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các cuộc nổi dậy (đã nổ ra ở khắp khu vực hồi cuối tháng 12/2010) đã làm phương hại đến các nguồn cung cấp dầu và khí đốt - bất chấp các trữ lượng khổng lồ ở nhiều nước Arập - và gây tổn thất cho Mỹ và châu Âu do những nước này phụ thuộc nặng nề vào những nguồn năng lượng nhập khẩu này.

Theo giới phân tích, bạo động chính trị ở Libi có thể đe dọa hoạt động xuất khẩu năng lượng từ nước này sang châu Âu, nếu các phiến quân li khai ở miền đông giàu dầu lửa của nước này đặt mục tiêu phá hoại các cơ sở hạ tầng và tìm kiếm một phần lớn hơn trong "chiếc bánh lợi nhuận".
Do nhận thức được rằng Gaddafi có thể không còn duy trì được quyền lực nên những người nước ngoài đang làm việc cho các công ty dầu lửa đã tìm cách rút khỏi Libi.

 Các công ty đang rút nhân viên về nước gồm tập đoàn năng lượng khổng lồ Total của Pháp, Repsol của Tây Ban Nha và OMV của Áo. Đến ngày 21/2 vẫn chưa rõ những người Mỹ đang làm việc cho Marathon Oil, ExxonMobil và Chevron có rút về nước hay không.


Các nước châu Âu cũng đã cử máy bay và tàu thuyền tới Libi để sơ tán các công dân của họ. Một số công ty dầu và khí đốt đã rút nhân viên của họ về và ngừng hoạt động khi các cuộc biểu tình chống chính phủ lan tới Tripôli lần đầu tiên. Ngày 21/2, BP cũng thông báo ngừng các kế hoạch bắt đầu khoan tìm khí đốt tự nhiên ở gần bờ, một thỏa thuận trị giá 900 triệu USD được ký kết năm 2007.

Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao sau - được giao dịch trên thị trường ICE Futures Europe ở Luân Đôn - đã tăng lên gần 105 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.


Ngày 20/2, Sheik Faraj al-Zuwayy - một thủ lĩnh bộ lạc ở miền tây và miền nam Libi, nơi có một số mỏ dầu lớn - cho Al Jazeera biết ông sẽ ngừng hoạt động vận chuyển dầu từ lãnh thổ của ông bắt đầu từ ngày 21/2 cho đến khi các lực lượng an ninh "chấm dứt hành động đổ máu". Ông cũng nói thêm rằng "máu của người dân Libi còn quý hơn dầu".


 Christophe Barret, nhà phân tích dầu thuộc Ngân hàng đầu tư và Doanh nghiệp Tín dụng Agricole, nhận định: "Libi là cường quốc sản xuất và xuất khẩu dầu thô có chất lượng cao, nên lời đe dọa của thủ lĩnh bộ lạc này về việc ngừng sản xuất dầu là điều đáng lo ngại".


Mặc dù giao thông liên lạc đã bị tê liệt nghiêm trọng, song một số tổ chức lưu vong vẫn tiếp tục đăng tải những thông tin mà họ nhận được từ những người Libi sống ở trong nước. Theo Ahmed Addarrat thuộc nhóm người Mỹ gốc Libi Enough/Khalasbao, gồm chủ yếu là con em của các nhà hoạt động chính trị lưu vong, ngày 21/2 có tin cho biết Benghazi, thành phố lớn thứ hai ở Libi, "đã yên tĩnh và ổn định", và "người dân đã hoàn toàn nắm quyền kiểm soát" Benghazi.


Kỳ lạ là chính quyền Gaddafi xem ra rất bất ngờ về cuộc nổi dậy này, có lẽ đây là dấu hiệu cho thấy chính trường nước này đã bị tê liệt đến mức nào trong nhiều thập kỷ. Một cố vấn kinh doanh phương Tây có quan hệ gần gũi với nhiều quan chức Libi cho biết trong chuyến thăm Tripôli của ông cách đây hai tuần, tất cả những người bạn Libi của ông đã nói rằng ở đây sẽ không xảy ra bạo loạn, "các thủ lĩnh bộ lạc của chúng tôi sẽ kiểm soát những thanh niên trẻ".

Còn hiện giờ ông nói ông tin rằng Gaddafi chắc chắn sẽ mất hoàn toàn quyền lực hoặc chỉ có thể duy trì vai trò nhà lãnh đạo mà không có bất kỳ quyền lực cụ thể nào. Ông nhấn mạnh: "Phe cánh của Gaddi khó có thể cứu vãn tình thế hiện nay".

Theo TTXVN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN