Bàn giải pháp thời hậu Kadhafi

Libi kêu gọi LHQ điều tra NATO vi phạm nhân quyền

Ngày 9/6, Hội nghị quốc tế lần thứ ba về Libi đã được tổ chức tại thủ đô Abu Đabi của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), nhằm thiết lập một cơ chế trợ giúp Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) của phe đối lập tại Libi. Tới dự hội nghị có đại diện 20 quốc gia, trong đó có các đồng minh chính của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Anh, Pháp và Italia, cùng với các phái đoàn của LHQ, Liên đoàn Arập (AL), Liên minh châu Phi (AU) và Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC).

Thủ đô Tripôli của Libi tan hoang sau các đợt không kích của NATO. Ảnh: THX - TTXVN


Phát biểu khai mạc hội nghị, Ngoại trưởng Italia Franco Frattini, đồng chủ trì hội nghị, cho rằng “sắp đến hồi kết” của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi. Ông Frattini khẳng định ưu tiên của Italia là một thỏa thuận ngừng bắn được thực thi hiệu quả sau khi ông Kadhafi ra đi, nhằm bắt đầu tiến trình chính trị dựa trên hòa giải. Bên lề hội nghị, Bộ Ngoại giao Italia cũng thông báo nước này sẽ viện trợ cho NTC 580 triệu USD tiền mặt và viện trợ nhiên liệu bằng các tài sản của Libi bị phong tỏa.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng cho rằng sự ra đi của ông Kadhafi là “không thể tránh khỏi”. Bà Clinton cho biết Mỹ đang phối hợp với các đối tác quốc tế thông qua LHQ nhằm lên kế hoạch cho một nước Libi thời hậu Kadhafi. Bà Clinton không đề xuất khoản đóng góp tài chính trực tiếp nào của Mỹ dành cho phe đối lập tại Libi, mà cam kết trợ giúp 26,5 triệu USD cho các nạn nhân của cuộc xung đột, trong đó có người tị nạn Libi. Khoản tiền này sẽ được chuyển qua các cơ quan cứu trợ. Trong khi đó, một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết Oasinhtơn chưa chắc chắn liệu NTC “có sẵn sàng đảm nhận vai trò kiểm soát hoàn toàn” ở Libi hay không.

Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài chính thuộc NTC, ông Ali Tarhoni, cảnh báo “nếu hội nghị kết thúc mà không đạt nhất trí về một khoản hỗ trợ tài chính cụ thể nào, chúng tôi sẽ coi đây là một thất bại hoàn toàn”.

Cùng ngày, Vụ trưởng Vụ các vấn đề Tây Á - Bắc Phi thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trần Hiểu Đông cho biết nước này sẵn sàng đón các đại diện NTC tới Trung Quốc trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông không cho biết thời gian diễn ra chuyến thăm. Theo ông Trần Hiểu Đông, Trung Quốc cũng đang cân nhắc tăng cường trợ giúp nhân đạo cho Libi.

Trong một diễn biến liên quan, chính quyền Libi ngày 9/6 đã bác bỏ cáo buộc vi phạm nhân quyền ở nước này, đồng thời tố cáo các lực lượng chống đối và lực lượng của NATO đang có hành động bạo lực. Trưởng đoàn Libi tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, ông Mustafa Shaban, khẳng định các cuộc biểu tình bắt đầu từ tháng 2 tại Libi “không phải là biểu tình hòa bình mà là cuộc nổi dậy có vũ trang chưa từng thấy”. Theo ông Saban, các cuộc biểu tình này đã bị các tổ chức tội phạm và khủng bố sử dụng để biến thành một cuộc nổi loạn có vũ trang và lan rộng. Ông cũng khẳng định NATO đang vi phạm nhân quyền, phạm các tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh ở Libi, đồng thời kêu gọi LHQ mở cuộc điều tra về việc này.

Cũng trong ngày 9/6, chiến sự đã bùng phát trở lại tại thành phố cảng Misrata của Libi, khi hàng ngàn binh sĩ trung thành với nhà lãnh đạo Kadhafi mở các đợt tấn công mới nhằm vào phe đối lập. Hãng Reuters dẫn nguồn tin từ lực lượng nổi dậy Libi cho biết, khoảng 2.000 đến 3.000 binh sĩ chính phủ Libi đã tấn công vào Misrata từ ba hướng đông, tây và nam dưới sự yểm trợ của xe tăng, pháo hạng nặng và rốckét. Chiến sự diễn ra ác liệt, đặc biệt ở cửa ngõ thành phố, khiến ít nhất 12 tay súng đối lập thiệt mạng và 26 tay súng bị thương nặng. Tuy nhiên, phe đối lập cho biết họ vẫn kiểm soát Misrata.
Quân đội Libi ngày 9/6 cũng tấn công cả thành phố Yafran và Kalaa, đồng thời nã pháo và bắn khoảng 15 quả rốckét vào thành phố miền tây Zintan, sau khi điều một số lượng lớn binh sĩ hướng tới thành phố này. Phe đối lập cho rằng lực lượng chính phủ sẽ mở một đợt tấn công quy mô lớn ở vùng núi phía tây Libi.

Trong khi đó, máy bay chiến đấu của NATO ngày 9/6 vẫn tiếp tục dội bom xuống Tripôli. Các nhân chứng nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn tại thủ đô, trong đó có hai tiếng nổ lớn vang lên tại khu vực ngay sát nơi ở của các phóng viên nước ngoài, gần tư dinh của nhà lãnh đạo Kadhafi. Ngoài ra, NATO cũng oanh kích một trại huấn luyện quân sự gần Misrata.

TTG - Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN