Ai Cập công bố kết quả trưng cầu dân ý

Ngày 25/12, Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập xác nhận gần 64% cử tri Ai Cập tham gia 2 đợt trưng cầu dân ý vừa qua đã ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp mới nhiều tranh cãi .

 

Theo ông Samir Ahmed Aboul-Maaty, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập, tỷ lệ cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý là 32,9%, trong đó, tổng số người bỏ phiếu thuận là 63,8% còn số người bỏ phiếu chống là 36,2%. Cũng theo ông Abu Maati, Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập đã điều tra nghiêm túc cáo buộc của phe đối lập về những hành vi gian lận trong 2 đợt trưng cầu dân ý diễn ra hôm 15 và 22/12, song không phát hiện bất cứ bằng chứng cụ thể nào.

 

Sau khi kết quả này được thông báo, Thủ tướng Ai Cập Hisham Qandil đã ra tuyên bố kêu gọi "tất cả các lực lượng chính trị hợp tác với chính phủ" nhằm vãn hồi nền kinh tế của quốc gia Bắc Phi này. Trước đó, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại Ai Cập đã khiến cơ quan xếp hạng tín nhiệm tín dụng quốc tế Standard & Poor's đã đánh tụt mức tín nhiệm tín dụng dài hạn của nước này.

 

Cảnh sát chống bạo động Ai Cập ngăn chặn xung đột tại thành phố ven biển Địa Trung Hải Alexandria, một ngày trước cuộc trưng cầu dân ý, ngày 21/12. Ảnh: THX/TTXVN.

 

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Tổng thống Mohamed Morsi đang gách vác một trách nhiệm đặc biệt nhằm tiến tới việc thừa nhận yêu cầu cấp thiết lúc này là việc hàn gắn những bất đồng, xây dựng niềm tin và nhận được sự ủng hộ lớn hơn của tất cả các bên đối với tiến trình chính trị hiện nay tại Ai Cập -. quốc gia đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực.

 

Tuy nhiên, Mặt trận Cứu quốc - phe đối lập chính tại Ai Cập, đã coi cuộc trưng cầu dân ý này "chỉ là một trận đánh" và tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh vì nhân dân Ai Cập. Ông Mohamed ElBaradei, cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và hiện là thủ lĩnh của Mặt trận Cứu quốc, cho rằng việc thông qua dự thảo Hiến pháp mới sẽ "thể chế hóa sự bất ổn tại Ai Cập". Theo ông, bản Hiến pháp này chỉ nên coi là tạm thời cho đến khi một dự thảo hiến pháp khác được soạn thảo dựa trên sự đồng thuận giữa tất cả các bên.

 

Mặc dù vậy, kết quả vừa được Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập công bố đồng nghĩa với việc mở đường cho một cuộc bầu cử quốc hội trong vòng hai tháng tới tại Ai Cập, và khiến quốc gia Bắc Phi này lại bước vào một cuộc chiến bầu cử mới giữa phe Hồi giáo đang chiếm đa số tại Quốc hội và phe đối lập theo đường lối tự do và cánh tả.

 

Ai Cập đã rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ khi Tổng thống Morsi đắc cử sau khi Hội đồng Lập hiến do phong trào Anh em Hồi giáo chiếm đa số đã thông qua dự thảo Hiến pháp mới hồi tháng trước. Các cuộc biểu tình giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống Morsi và phe đối lập diễn ra hầu như mỗi ngày tại thủ đô Cairo. Theo giới quan sát khu vực, việc dự thảo Hiến pháp mới được thông qua sẽ không giúp Ai Cập chấm dứt được bế tắc chính trị hiện nay mà ngược lại sẽ càng châm ngòi cho các hoạt động phản đối bùng nổ mạnh mẽ hơn.

 

 

TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN