04:05 25/04/2021

Thế giới tuần qua: Nga rút quân khỏi biên giới gần Ukraine; Nhiều nước châu Á chao đảo vì COVID-19

Trong tuần qua, truyền thông thế giới đưa nhiều thông tin về tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng tại một số quốc gia châu Á và Nga rút binh sĩ khỏi khu vực biên giới gần Ukraine.

Tình hình biên giới Nga-Ukraine đỡ căng thẳng

Chú thích ảnh
Xe tăng Nga quay trở về căn cứ sau cuộc tập trận tại Crimea. Ảnh: AP

Việc Nga ra quyết định rút quân khỏi biên giới với Ukraine đã góp phần hạ nhiệt không khí căng thẳng trong nhiều tuần qua với phương Tây.

Kênh Al Jazeera đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố nước này sẽ rút dần binh sĩ đang hiện diện tại biên giới gần Ukraine từ ngày 23/4. Bộ trưởng Shoigu nêu rõ: "Tôi cho rằng đã hoàn thành các mục tiêu của cuộc kiểm tra đột xuất. Binh sĩ đã thể hiện được năng lực đáng tin tưởng để bảo vệ quốc gia. Do vậy, tôi quyết định hoàn thành việc đánh giá tại quân khu miền Nam và quân khu miền Tây".

Phía Ukraine đã hoan nghênh việc quân đội Nga giảm binh sĩ ở biên giới hai nước. Ngày 23/4, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nêu rõ: “Nếu Nga thực sự rút quân khỏi biên giới với Ukraine thì điều này sẽ giúp giảm căng thẳng”. Tuy nhiên, ông Kuleba cũng cảnh báo: “Bước đi này sẽ không chấm dứt hoàn toàn tình hình căng thẳng leo thang hoặc bất đồng giữa Ukraine và Nga”.

Phía Mỹ trong khi đó cho biết sẽ duy trì theo dõi sát sao các động thái sau tuyên bố của Moskva.

Dưới đây là video chiến hạm, vũ khí Nga quay trở về căn cứ sau cuộc tập trận tại Crimea (nguồn: RT Ruptly):

Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba vào ngày 20/4 cáo buộc Nga đã tăng quân dọc biên giới giữa hai nước. Ông Kuleba kêu gọi phương Tây tăng cường các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đánh giá lần tăng cường quân số này của Nga tại biên giới với Ukraine là lớn nhất kể từ tháng 3/2014.

Moskva bác bỏ cáo buộc của Ukraine cùng phương Tây và nhấn mạnh quyền được tự do triển khai binh sĩ ở bất cứ địa điểm nào trên lãnh thổ Nga. Moskva cũng khẳng định không muốn đe dọa ai.

Ngày 22/4, quân đội Nga đã tập trận quy mô lớn tại Crimea với 60 tàu chiến, 200 chiến đấu cơ, 1.200 xe quân sự và 10.000 binh sĩ. Gần đây, Nga thông báo hạn chế bay tại khu vực không phận gần Crimea và khẳng định tuân thủ luật quốc tế. Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiến hạm nước ngoài sẽ không được di chuyển qua ba địa điểm thuộc Biển Đen gần Crimea từ 24/4 đến 31/10.

Năm 2014, Nga đã sáp nhập Crimea sau một cuộc trưng cầu ý dân. Phương Tây không bằng lòng với diễn biến này. Sau đó, Mỹ đã viện dẫn Crimea để áp đặt nhiều lệnh trừng phạt vào Moskva.

Dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia châu Á chật vật

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 chờ đợi bên ngoài một bệnh viện ở New Delhi ngày 23/4. Ảnh: Reuters

Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia và Nhật Bản đang phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 mới kéo theo đó là lựa chọn tái áp đặt lệnh phong tỏa ở nhiều nơi. Nhiều bệnh biện tại Ấn Độ rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn cung ôxy. Trong khi đó, Bộ Y tế nước này ngày 24/4 ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng 346.786 trường hợp sau một đêm, đạt mức kỷ lục thế giới ngày thứ ba liên tiếp.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đánh giá Ấn Độ đang trải qua tình thế nhiều rủi ro bởi làn sóng dịch COVID-19 thứ hai. Thậm chí thủ đô New Delhi còn ghi nhận tỷ lệ trung bình cứ 4 phút có một người tử vong vì COVID-19. Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal trong một hội thảo ngày 23/4 đã “cầu cứu” Thủ tướng Narendra Modi: “Xin hãy giúp đỡ cung cấp bình ôxy cho chúng tôi, nơi đây sắp xảy ra thảm kịch”. Chính phủ Ấn Độ đã triển khai máy bay quân sự và tàu hỏa chở bình ôxy đến New Delhi.

Các chuyên gia y tế cho rằng trong mùa Đông, khi số ca mắc COVID-19 mới chỉ khoảng 10.000 trường hợp/ngày, Ấn Độ đã nới lỏng lệnh phong tỏa và nhiều sự kiện tụ tập đông người được nối lại, gây ra tình trạng hiện nay. Trong khi đó, một số chuyên gia đánh giá việc người dân sống đông đúc trong không gian hẹp và biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ cũng là những nguyên nhân hàng đầu.

Tại Campuchia, nước này ra quyết định đóng tất cả các khu chợ tại thủ đô từ ngày 24/4 đến 7/5 nhằm ngăn chặn lây lan khi số ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh. Campuchia từng là một trong những quốc gia có số ca mắc COVID-19 thấp nhất nhưng khi dịch bùng phát vào cuối tháng 2 vừa qua, tình thế đã thay đổi. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính tới ngày 24/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Campuchia là 8.848 trường hợp, trong đó có 61 người tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang khi đến một khu chợ tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia ngày 14/4. Ảnh: Reuters

Phnom Penh đã áp dụng phong tỏa từ ngày 15/4 và chỉ định một số quận thuộc “khu vực đỏ”, trong đó người dân không được rời khỏi nhà trừ lý do liên quan đến y tế. Chính quyền thành phố thủ đô Campuchia đã hỗ trợ cho hàng nghìn gia đình, với mỗi hộ nhận được 25kg gạo, nước tương, nước mắm và cá đóng hộp.

Cùng ngày 24/4, Thái Lan cũng ra quyết định hạn chế hoạt động của các trung tâm mua sắm sau khi nước này ghi nhận mức kỷ lục số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong làn sóng dịch COVID-19 thứ ba. Như vậy, các trung tâm mua sắm tại 18 tỉnh thành có rủi ro, như Bangkok, sẽ hạn chế hoạt động trong một tuần, từ 25/4. Trường học sẽ bị đóng cửa cho đến tháng 5. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cam kết đến cuối năm nay sẽ cung cấp vaccine đủ để tiêm cho 50 triệu người dân nước này.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã công bố tình trạng khẩn cấp thứ 3 vì dịch COVID-19 với lệnh phong tỏa mới được áp đặt tại Tokyo, Osaka, Kyoto và tỉnh Hyogo trước thực trạng số ca mắc mới tăng. Thông báo được đưa ra không lâu trước khi Nhật Bản bước vào Tuần lễ Vàng nghỉ lễ vào cuối tháng 4. Quy định mới với hạn chế liên quan đến các nhà hàng và hình thức kinh doanh khác sẽ có hiệu lực từ 25/4 đến 11/5. Nhật Bản đang ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh, đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2021.

Hà Linh/Báo Tin tức