09:11 16/09/2018

Thế giới tuần qua: Nga ghi dấu ấn đậm nét tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông

Ngày 11/9 tại thành phố Vladivostok của LB Nga, Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 4 với chủ đề “Viễn Đông - mở rộng biên giới của các cơ hội” đã được tổ chức với quy mô đáng kể, thu hút sự chú ý của dư luận xung quanh những cuộc gặp cấp cao.

Chú thích ảnh
Tại cuộc hội đàm bên lề EEF ngày 11/9 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái), Tổng thống Nga Vladimir Putin hy vọng kim ngạch thương mại Nga-Trung năm 2018 sẽ tăng mạnh và cán mốc 100 tỷ USD. Ảnh: THX/TTXVN

Sự kiện trọng tâm trong khoảng 100 hoạt động của Diễn đàn năm nay là phiên họp toàn thể vào ngày 12/9 có sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mông Cổ Khaltmaagiin Battulga, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yeon, cùng 6.000 đại diện của 60 nước trên thế giới.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể ngày 12/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ rõ hiện nay chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới đang gia tăng và gây ra thách thức đối với thương mại toàn cầu, trong đó có đối với các nước châu Á-Thái Bình Dương. Tuyên bố của ông được đưa ra trong bối cảnh thương mại thế giới đang đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt là các chính sách gần đây của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi rút Mỹ khỏi các thỏa thuận thương mại tự do và tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng nhập khẩu từ nhiều nước.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh đứng trước các thách thức, các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần phải đoàn kết, điều quan trọng là phải bảo đảm ổn định, hòa bình và an ninh, ngăn chặn các xung đột mới xảy ra và giải quyết những tranh chấp lâu nay bằng con đường đối thoại.

Đề cập đến vấn đề nóng Triều Tiên được dư luận thế giới quan tâm, Tổng thống Putin khẳng định Triều Tiên cần được cung cấp những đảm bảo an ninh để đổi lấy việc nước này thực thi các bước đi hướng tới phi hạt nhân hóa. Nhà lãnh đạo Nga cảnh báo việc Mỹ không ngừng đưa ra những yêu cầu Triều Tiên giải giáp toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân sẽ gây phản tác dụng trong bối cảnh bản thân Bình Nhưỡng đang triển khai nhiều bước đi hướng đến phi hạt nhân hóa và trông đợi những phản ứng phù hợp.

Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov cho biết Moskva sẽ đề xuất Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên nếu nước này thực hiện những bước đi cần thiết trong vấn đề phi hạt nhân hóa.

Kết quả sau 4 ngày tổ chức diễn đàn, 220 thỏa thuận đạt giá trị kỷ lục 3.100 tỷ ruble (khoảng 47 tỷ USD) được ký kết. Không chỉ đem lại kết quả kinh tế cao, thành công của diễn đàn năm nay còn thể hiện ở phạm trù chính trị với những cuộc gặp có vai trò quan trọng liên quan đến các vấn đề khu vực và quốc tế.

Nổi bật nhất trong các cuộc họp cấp cao bên lề Diễn đàn là cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tổng thống Putin khẳng định việc hai nước ưu tiên sử dụng đồng nội tệ của mình trong các giao dịch thương mại sẽ tăng cường tính ổn định của các ngân hàng cấp vốn cho hoạt động xuất - nhập khẩu trong khi thị trường tài chính toàn cầu đang có nhiều nguy cơ.

Trong khi Nga phải hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây liên quan tới việc sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea hồi năm 2014, cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine cũng như mới đây là cáo buộc đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal thì Trung Quốc cũng "lao đao" do tác động của căng thẳng thương mại với Mỹ.

Diễn đàn lần này cũng tạo cơ hội làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai đối tác Nga và Nhật Bản.

Ngày 12/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ký một Hiệp ước Hòa bình chính thức giữa hai nước trước cuối năm nay mà không áp đặt bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.

Đề xuất mang tính lịch sử này được coi như một cú hích cần thiết cho mối quan hệ giữa Tokyo và Moskva. Hai bên mong muốn tìm được tiếng nói chung liên quan tới các hoạt động kinh tế chung trên các đảo tranh chấp, bày tỏ hy vọng xây dựng lòng tin thông qua các hoạt động kinh tế như một bước tiến tới giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều thập kỷ, chính thức khép lại tình trạng đối đầu giữa hai nước sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Có thể nói Diễn đàn Kinh tế phương Đông đã và đang khẳng định ý nghĩa chính trị rõ rệt, đồng thời cũng cho thấy hiệu quả và vai trò của các cuộc tiếp xúc và đối thoại quốc tế tại đây. Đặc biệt, diễn đàn lần này đã ghi đậm dấu ấn và vai trò của nước chủ nhà Nga.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức