02:06 03/02/2019

Thế giới tuần qua: Mỹ-Nga đình chỉ INF, thời tiết cực đoan hoành hành các nước

Tổng thống Donald Trump tuyên bố từ ngày 2/2, Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga trước đây. Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng quyết định đình chỉ hiệp ước này.

Mỹ rút khỏi INF, Nga lập tức đình chỉ

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp hồi tháng 7/2017. Ảnh: Reuters

Lấy lý do Nga không tuân thủ, Tổng thống Mỹ tuyên bố nước này ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF. Quá trình rút khỏi hiệp ước từ thời Chiến tranh Lạnh “sẽ hoàn tất trong 6 tháng trừ khi Nga giữ cam kết bằng cách phá hủy toàn bộ tên lửa, bệ phóng và thiết bị liên quan vi phạm”. Washington sẽ tìm kiếm “các biện pháp đáp trả quân sự” cũng như hợp tác với những đồng minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm vào kho tên lửa của Nga. 

Quyết định trên của Mỹ đã nhận được sự ủng hộ của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ông cho biết liên minh quân sự này hoàn toàn tán thành bước đi của Mỹ.  

Phản ứng sau quyết định của Mỹ, ngày 2/2, Tổng thống Vladimir Putin thông báo Nga sẽ đình chỉ tham gia INF. Phát biểu tại cuộc họp với các quan chức quốc phòng và ngoại giao, ông Putin cho biết Moskva đang chế tạo tên lửa tầm trung mới song sẽ không triển khai trừ khi Mỹ hành động trước. Ông chủ Điện Kremlin cũng đề nghị các bộ trưởng không tiến hành đàm phán giải trừ vũ khí với Washington. 

Nguy cơ một thỏa thuận kiểm soát vũ khí có ý nghĩa quan trọng như INF bị đổ vỡ đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng nếu không có INF, an ninh khu vực sẽ không được đảm bảo. Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức, hai bên nên dừng xây dựng kho vũ khí và thay vào đó là tìm kiếm một biện pháp kiểm soát vũ khí toàn diện để tránh chạy đua vũ trang. Pháp cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).

Thời tiết cực đoan khắp thế giới

Nhiệt độ giảm sâu đến -50 độ C tại Mỹ và -15,4 độ C tại Anh, còn Australia lại hứng chịu đợt nóng gay gắt lên tới 46 độ C. Còn ở Thái Lan, người dân chảy máu mắt, ho dữ dội vì ô nhiễm không khí. 

Trong tuần qua, thời tiết cực đoan quá nóng hoặc quá lạnh đã vượt ngưỡng kỷ lục năm nay ở nhiều nơi trên thế giới. Các bang miền Trung tây nước Mỹ bị tê liệt vì buốt giá thì ở Australia lại nóng kinh hoàng, làm dấy lên mối lo ngại về sự biến đổi khí hậu nguy hiểm trên hành tinh của chúng ta. 

Chú thích ảnh
Băng tuyết phủ trắng Chicago, Mỹ. Ảnh; EPA

Trong hai ngày 30 và 31/1, người dân Mỹ đã chịu ảnh hưởng nặng nề do một khối không khí lạnh tách khỏi lốc xoáy vốn thường xuyên bao phủ Bắc Cực tràn xuống. Thời tiết khắc nghiệt như Bắc Cực khi nhiệt độ ở một số nơi rơi xuống mức hơn -50 độ C đã khiến nhiều con sông bị đóng băng, làm đảo lộn nghiêm trọng cuộc sống của người dân. Hàng trăm chuyến bay bị hoãn, trường học và các điểm vui chơi đóng cửa. Chính quyền các bang Illinois, Wisconsin và Michigan ban bố tình trạng khẩn cấp, kêu gọi người dân ở trong nhà tránh rét. 

Truyền thông Mỹ ghi nhận đã có 21 người thiệt mạng do thời tiết lạnh giá kể từ khi một cơn bão tuyết tấn công vùng Trung tây vào đầu tuần này, kéo theo nhiệt độ giảm sâu. Mặc dù Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) dự báo nhiệt độ tăng dần lên kể từ ngày 1/2, nhưng lại xuất hiện mối đe dọa mới là lũ lụt khi băng tan ồ ạt. 

Cùng chung cảnh rét thấu xương, Cơ quan Khí tượng thủy văn của Anh ngày 1/2 đã áp đặt mức cảnh báo nguy hiểm trên toàn quốc sau khi nhiều khu vực ở nước này đã trải qua đêm lạnh giá nhất trong vòng 7 năm qua. Theo dự báo, tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong nhiều ngày tới và "rất có thể một số cộng đồng dân cư ở các vùng nông thôn sẽ bị cô lập do tuyết". 

Chú thích ảnh
Du khách làm mát do thời tiết nóng bức tại Melbourne, Australia. Ảnh: AFP

Ngược lại, ở phía Nam bán cầu, nóng bức và hạn hán đã phá kỷ lục của Australia, nơi vừa chứng kiến tháng 12 nóng nhất trong lịch sử. Nhiệt độ thành phố Adelaide chạm ngưỡng 46,5 độ C, phá kỷ lục 80 năm từ tháng 1/1939, theo số liệu của Cục Khí tượng ở Nam Australia. Cùng với cái nóng dữ dội, thành phố ven biển này còn đối mặt với tháng 1 khô hạn nhất trong vòng 62 năm, không hề có mưa trong suốt 6 tuần. Nhiều loại động vật hoang dã đã không chống chọi nổi với nhiệt độ cao kỷ lục như vậy.

Xu hướng toàn cầu ấm lên diễn ra nhanh hơn đã dẫn tới kiểu thời tiết cực đoan này. Tình trạng nóng lên toàn cầu đã khiến nhiệt độ tại Australia tăng hơn 1 độ C trong vòng thế kỷ qua. 

Tại quốc gia châu Á Thái Lan, bầu không khí ngột ngạt và độc hại đến ngưỡng báo động nghiêm trọng. Bộ Giáo dục Thái Lan đã yêu cầu đóng cửa tất cả trường học ở Bangkok cùng các tỉnh lân cận đến hết tuần vì ô nhiễm không khí nguy hiểm. Để chống lại các phân tử bụi siêu nhỏ, giới chức nước này đã triển khai thiết bị bay không người lái phun nước từ trên không cũng như điều máy phun nước đường lên trời.

Vấn đề ô nhiễm ở thủ đô Bangkok đã rơi vào tình trạng báo động trong hai tuần qua, đến mức vật nuôi cũng mắc các bệnh vì khói bụi dày đặc. Báo Dailymail dẫn lời cảnh báo của các chuyên gia cho rằng thiệt hại về lâu dài từ ô nhiễm không khí có thể lên tới hàng chục triệu USD.

Hoàng Trang/Báo Tin tức