12:07 10/12/2017

Thế giới tuần qua: Jerusalem 'dậy sóng', đàm phán Brexit đạt đột phá

Quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel cùng với việc Anh và Liên minh châu Âu (EU) vượt qua được bất đồng trong đàm phán Brexit là hai thông tin nổi bật tuần qua.

Jerusalem ‘dậy sóng’ sau quyết định của Mỹ

Ngày 6/12, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu đây là thời điểm thích hợp để chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ “bắt đầu triển khai mọi công tác chuẩn bị để chuyển Đại sứ quán Mỹ từ thành phố Tel Aviv tới Jerusalem”.

Tổng thống Trump cho rằng quyết định này sẽ có lợi nhất cho lợi ích của nước Mỹ, cũng như việc tìm kiếm hòa bình giữa Israel và Palestine.

Tuy bước đi này nhận được sự ủng hộ khá rộng rãi của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa song nó được coi là sự đảo ngược so với chính sách mà Washington thực thi nhiều thập kỷ qua, đồng thời làm tăng nguy cơ gây bất ổn khu vực và ngăn chặn phương án “hai nhà nước” giữa Israel và Palestine.

Người biểu tình Palestin ném đá vào binh sĩ Israel tại Dải Gaza ngày 8/12. Ảnh: THX/TTXVN

Hàng loạt nhà lãnh đạo Hồi giáo đã lên tiếng chỉ trích động thái này. Đặc phái viên Palestine gọi hành động của Tổng thống Trump là lời tuyên chiến tại Trung Đông, trong khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết quyết định trên của Mỹ sẽ châm ngòi "bạo lực" ở khu vực và gây ra "một thảm họa lớn". Lãnh đạo các tổ chức và các nước trong khu vực gồm Liên đoàn Arab (AL), Qatar, Saudi Arabia, Ai Cập, Jordan lên tiếng cảnh báo. Theo đề nghị của Jordan và Palestine, các ngoại trưởng AL họp khẩn trong ngày 9/12 để bàn về vấn đề.

Trung Quốc, Nga và Pháp bày tỏ quan ngại bước đi này có thể sẽ gây bất ổn hơn nữa khu vực Trung Đông. Về phía Liên hợp quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phản đối mọi hành động đơn phương liên quan đến thành phố Jerusalem có thể gây ảnh hưởng tới giải pháp cho xung đột Israel-Palestine.

Ngay sau khi có thông tin về quyết định của Tổng thống Mỹ, các cuộc biểu tình đụng độ bạo lực liên tục diễn ra giữa người biểu tình Palestine và quân đội Israel tại Dải Gaza, Đông Jerusalem, các thành phố thuộc khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng. Lực lượng an ninh Israel buộc phải bắn đạn cao su và hơi cay để đáp trả và giải tán đám đông. Thậm chí Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết ít nhất hai quả tên lửa phóng từ Dải Gaza trúng lãnh thổ Israel. Hàng trăm cảnh sát Israel cũng đã được điều đến khu vực bên trong và xung quanh Thành cổ Jerusalem.

Không chỉ có vậy, hàng nghìn người phản đối, trong đó hầu hết là người Hồi giáo tại Indonesia và Malaysia, đã tập trung trước Đại sứ quán Mỹ ở các quốc gia này để lên án quyết định của Washington.

Trong suốt hàng nghìn năm, tình trạng của vùng đất thánh Jerusalem luôn là vấn đề hết sức nhạy cảm và là tâm điểm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Israel coi thành phố này là thủ đô không thể chia cắt của mình, trong khi người Palestine muốn khu vực Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai của họ. Hầu hết các quốc gia từ chối thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và yêu cầu các bên tiến hành đàm phán hòa bình để phân định tình trạng của thành phố này.

Đàm phán Brexit đạt đột phá


Anh và EU sáng 8/12 đã đạt được một thỏa thuận về những điều khoản "ly hôn" cho phép đi đến giai đoạn chuyển giao Brexit sau khi dỡ bỏ được rào cản cuối cùng về vấn đề biên giới Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Dự kiến, thỏa thuận trên sẽ được trình lên lãnh đạo 27 nước xem xét thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh tới tổ chức vào ngày 14/12.

Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong cuộc gặp tại Brussels (Bỉ) ngày 8/12. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thỏa thuận đạt được vào sáng 8/12, đầu tiên, tổng cộng 4,5 triệu công dân EU sống tại Anh và công dân Anh sống tại EU vẫn giữ được quyền cơ bản là đi lại tự do giữa Anh với EU và ngược lại. Mọi công dân của Anh và EU đang sống trên lãnh thổ của nhau trước khi Brexit diễn ra được quyền tiếp tục cư trú, làm việc và học tập. Bên cạnh đó, nước Anh sẽ xây dựng một quy trình để nhận được "quy chế đặc biệt của Anh".

Thứ hai, EU và Anh nhất trí tránh việc tái lập một đường biên giới “cứng” trên đảo Ireland, bảo vệ Hiệp định hòa bình năm 1998.

Cuối cùng, hai bên thống nhất được danh sách các mục phải thanh toán, các nguyên tắc tính toán giá trị các khoản phải trả. Anh đã đưa ra một đề xuất về giải quyết trách nhiệm tài chính với EU hậu Brexit với "hóa đơn ly hôn" mà Anh phải trả rơi vào khoảng 35 tỷ - 39 tỷ bảng Anh.

Sau thông báo đột phá về đàm phán Brexit, nhiều lãnh đạo châu Âu đồng loạt lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận. Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney nhận định đây là một kết quả tốt cho các bên liên quan tới vấn đề biên giới Ireland. Trong khi đó, ông Steffen Seibert - người phát ngôn của Thủ tướng Đức cho biết Berlin coi thỏa thuận đạt được giữa Anh và EU là một "bước tiến về phía trước", phù hợp với mong muốn chung của tất cả các bên.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức