11:06 14/11/2021

Thế giới tuần qua: Động lực phục hồi từ APEC 2021; Hội nghị COP26 chưa đạt đột phá

Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) là hai sự kiện thế giới nổi bật trong tuần qua.

Động lực cùng phục hồi bền vững từ APEC 2021

Chú thích ảnh
Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TTXVN 

Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 28 đã khép lại sau 5 ngày hoạt động (8-12/11) theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của nước chủ nhà New Zealand. Sự kiện năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức lớn và phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế khu vực và thế giới. 

Trong bối cảnh đó, New Zealand, chủ nhà APEC 2021, đã xác định chủ đề: “Cùng phối hợp-Cùng hành động-Cùng tăng trưởng” cho Năm APEC 2021. Trong đó, vấn đề trọng tâm là thúc đẩy hợp tác phục hồi sau đại dịch và đưa ra Kế hoạch Hành động Aotearoa để thực hiện Tầm nhìn Putrajaya 2040.

Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, sự kiện quan trọng nhất trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2021, các nhà lãnh đạo đã thông qua tuyên bố chung về thúc đẩy kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch và đảm bảo tăng trưởng nhanh chóng. 

Theo đó, APEC ủng hộ nỗ lực toàn cầu về chia sẻ và tiếp cận bình đẳng vaccine, mở rộng sản xuất và cung ứng vaccine, tăng cường năng lực của hệ thống y tế. Bên cạnh đó, APEC cũng thúc đẩy phục hồi kinh tế thông qua các công cụ chính sách, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thúc đẩy liên kết kinh tế, kết nối khu vực, phát triển kinh tế số, phối hợp trong mở cửa đi lại qua biên giới và bảo đảm phòng chống dịch.

Có thể thấy việc đưa ra tuyên bố chung thể hiện ý chí phục hồi khu vực một cách bền vững và chắc chắn của các nhà lãnh đạo APEC, trước hết là cùng phối hợp để kiểm soát đại dịch COVID-19. Hướng tiếp cận của APEC trong việc phục hồi kinh tế một cách bền vững, bao trùm và sáng tạo, gắn kết phục hồi kinh tế với tăng trưởng xanh, cũng một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của APEC trong việc dẫn dắt và định hình nền kinh tế thế giới sau đại dịch.

Chú thích ảnh
Thủ tướng New Zealand, nước chủ nhà APEC 2021. Ảnh: APEC 2021

Thành công tốt đẹp của hội nghị APEC cũng được thể hiện ở việc thông qua Kế hoạch Hành động để triển khai Tầm nhìn APEC  Putrajaya 2040, hướng tới “một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai”.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng tái khẳng định niềm tin vào hợp tác đa phương khi các nhà lãnh đạo mong muốn cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu và đặt ra một con đường mới cho APEC, với tư cách là một diễn đàn quốc tế vững mạnh hơn trong việc giải quyết các thách thức quan trọng nhất của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Kết thúc hội nghị, New Zealand đã bàn giao vai trò Chủ tịch năm APEC 2022 cho Thái Lan.

Các nền kinh tế thành viên APEC hiện chiếm khoảng 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hơn 48% kim ngạch thương mại và gần 40% dân số thế giới, tham gia vào tổng số 170 thỏa thuận thương mại và thương mại tự do khu vực. Do đó, việc APEC quyết tâm thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu COVID-19, tái cơ cấu hướng tới phát triển xanh, bền vững, bao trùm, có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trên quy mô toàn cầu.

Hội nghị COP26 đạt nhiều bước tiến song chưa có cam kết đột phá

Chú thích ảnh
Đại biểu dự Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland ngày 2/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) sẽ khép lại tại Glasgow (Anh) mà không có một nền kinh tế lớn nào ủng hộ việc đưa ra cam kết chung về việc kìm hãm nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C, theo phân tích của giới chuyên gia.

COP26 là sự kiện quốc tế lớn quan trọng hàng đầu được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Điều này đòi hỏi các quốc gia cần hành động khẩn trương và mạnh mẽ để có thể đạt được mục tiêu đề ra trong Thoả thuận Paris về biến đổi khi hậu năm 2015.

Sau gần 2 tuần thảo luận, COP26 đã đưa ra được một số cam kết quan trọng. Cam kết quan trọng thứ nhất là tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về vấn đề rừng và việc sử dụng đất. Theo đó, 137 nhà lãnh đạo các quốc gia đã cam kết hành động để ngăn chặn việc phá rừng cũng như xói mòn đất vào năm 2030. Nếu 137 quốc gia thực hiện cam kết này đầy đủ, giới chuyên gia môi trường ước tính lượng khí thải carbon cắt giảm được sẽ vào khoảng 1,1 tỷ tấn.

Cam kết quan trọng thứ hai là việc 108 nước, trong đó có Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), cam kết với sáng kiến cắt giảm khí mêtan, loại khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai sau khí CO2. Mục tiêu được đưa ra là giảm được 30% lượng khí mêtan trên toàn cầu từ nay đến nă 2030. Khi đó, lượng khí thải được cắt giảm sẽ tương đương 0,8 tỷ tấn CO2. Nếu các nước còn lại cũng tham gia vào cam kết này, lượng cắt giảm có thể tăng lên gấp 7 lần.

Cam kết quan trọng tiếp theo là về việc chuyển đổi năng lượng từ than đá sang các nguồn năng lượng sạch khác. Theo đó, từ những năm 2030 các nền kinh tế lớn sẽ dần chấm dứt việc sử dụng than đá còn các nền kinh tế đang phát triển sẽ bắt đầu từ những năm 2040. 

Giới chuyên gia nhận định nếu các cam kết này được các nước thực hiện thì cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ đạt được bước tiến lớn trong 1 thập kỷ tới. 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại COP26. Ảnh: Getty Images

Đáng chú ý, hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, Trung Quốc và Mỹ, đã bất ngờ đưa ra Tuyên bố chung hiếm hoi về chương trình hành động đầy hứa hẹn, cam kết sẽ hợp tác cùng nhau để đạt được mục tiêu khống chế nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C. Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất về một loạt các vấn đề bao gồm phát thải khí metan, chuyển đổi sang năng lượng sạch và ngăn chặn nạn phá rừng. 

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng dù Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đã nỗ lực hơn so với 2 năm trước, nhưng cam kết cắt giảm khí thải của họ vẫn không đủ để đạt được mục tiêu của thỏa thuận Paris. Trong khi đó, các quốc gia khác, bao gồm Brazil, Australia, Saudi Arabia và Nga, vẫn đang khiến nhiệt độ của Trái Đất tăng lên mức 4độC trên mức tiền công nghiệp.

Trên nguyên tắc bế mạc vào hôm 12/11, hội nghị đã phải kéo dài thêm ít nhất một ngày và vẫn còn rất căng thẳng. Đến thời điểm hiện tại, dù các nhà lãnh đạo vẫn chưa đưa ra tuyên bố chung mang tính lịch sử, song toàn bộ các cam kết được đưa ra tại COP26 có thể giúp nhân loại tiến gần hơn 9% đến mục tiêu giữ cho Trái Đất không nóng thêm quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ 21. Dù đây là một bước tiến còn khiêm tốn nhưng cho thấy các nước vẫn đang đi đúng hướng và khả năng cải thiện mục tiêu này vẫn còn tương đối lớn.

Hải Vân/Báo Tin tức